Vì “không thành công thì cũng thành nhân”, kể cả trong trường hợp Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016, thì chúng ta vẫn có thể kỳ vọng chính phủ mới sẽ tạo ra được một sự đột phá nhất định trong nền kinh tế đất nước.

Tăng trưởng cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ tự do làm ăn của dân doanh

Nhàn Đàm | 08/07/2016, 14:03

Vì “không thành công thì cũng thành nhân”, kể cả trong trường hợp Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016, thì chúng ta vẫn có thể kỳ vọng chính phủ mới sẽ tạo ra được một sự đột phá nhất định trong nền kinh tế đất nước.

Phân nửa thời gian của năm 2016 đã trôi qua, và chắc chắn đây là 6 tháng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong vài năm trở lại đây: thiên tai hạn mặn ở miền Nam, kinh tế biển bị tàn phá ở miền Trung, nền kinh tế thế giới trì trệ và gần nhất là sự kiện chấn động Brexit.

Tai họa dồn dập đã khiến cho kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng khá nhiều trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ đạt 5,52%. Về lý thuyết, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra cho năm 2016 đến thời điểm hiện tại gần như là không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, việc thủ tướng từ chối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong khi chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là hết năm 2016 cũng đang mở ra những kỳ vọng mới. Vì “không thành công thì cũng thành nhân”, kể cả trong trường hợp Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016, thì chúng ta vẫn có thể kỳ vọng chính phủ mới sẽ tạo ra được một sự đột phá nhất định trong nền kinh tế đất nước.

Quả thực, câu chuyện tăng trưởng đang là vấn đề nóng nhất trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, khi kết quả thống kê tốc độ tăng trưởng của đất nước trong 6 tháng đầu năm vừa được công bố. Với việc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn là 5,52% trong 6 tháng đầu năm, cơ hội để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm là một điều rất xa vời.

Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhiều chuyên gia đã cho rằng “không nên quá bức xúc về tăng trưởng, 6% là được, 6,3-6,5% là rất tốt”. Có không ít các chuyên gia kinh tế nổi tiếng đều thiên về quan điểm, không nên chạy theo vấn đề tăng trưởng mà nên tập trung vào việc thúc đẩy cải cách nền kinh tế như một yêu cầu bức thiết và quan trọng hơn chỉ số tăng trưởng rất nhiều.

Sự lo ngại của các chuyên gia kinh tế là rất có cơ sở, khi khả năng Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2016 là rất thấp. Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016, theo bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thì trong 6 tháng cuối năm Việt Nam phải đạt được tốc độ tăng trưởng là 7,57%.

Đây là mức tăng trưởng cao đến mức gần như không tưởng với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, kể cả khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt khỏi dự đoán trong năm 2015 trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới rất tốt cũng không thể làm được điều đó.

Tuy nhiên, trong một động thái khá bất ngờ, thủ tướng vẫn đang từ chối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong cuộc họp với các bộ ngành vào tuần trước. Nó đang cho thấy quyết tâm của chính phủ mới trong việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, dù được đánh giá là khả năng thành công là rất mong manh.

Trên thực tế, không phải cánh cửa để đạt đươc mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã hoàn toàn khép lại với Việt Nam. Nhưng nó vẫn là một khe cửa rất hẹp. Theo viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Nguyễn Đức Thành, theo báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016, hai kịch bản khả dĩ nhất có thể xảy ra là tăng trưởng 6% cho kịch bản thấp và dưới 6,5% trong trường hợp có nhiều yếu tố thuận lợi.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư cả trong khu vực tư nhân lẫn nhà đầu tư nước ngoài, thì tăng trưởng vẫn có thể vượt mốc 6,5% và tiệm cận mục tiêu 6,7% đã đề ra.

Nói cách khác, cơ hội để nền kinh tế Việt Nam lách qua khe cửa hẹp là vẫn có thể xảy ra, và phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của chính phủ mới có đủ khả năng để đưa ra những cải cách mang tính đột phá trong nền kinh tế hay không.

Vì thế, việc thủ tướng từ chối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016, đang đem lại nhiều kỳ vọng chính phủ sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách nền kinh tế. Vì một thực tế là các biện pháp cứu tăng trưởng tạm thời và mang tính ngắn hạn như tăng khai thác 2 triệu tấn dầu thô tỏ ra không có hiệu quả, và để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì chỉ có con đường cải cách nền kinh tế mà thôi.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thì ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai hạn mặn làm sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp, thì nguyên nhân chủ yếu cho sự tăng trưởng không được như kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam nằm ở tổng cầu. Trong đó chủ yếu do tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng của người dân thấp hơn so với cùng kỳ, và khả năng chính phủ cứu tăng trưởng bằng cách mở rộng chính sách tài khóa/tiền tệ là không lớn, do áp lực của lạm phát.

Trước mắt chính phủ mới vì thế đang có hai giải pháp chủ yếu: đẩy nhanh vốn giải ngân cho hoạt động đầu tư công, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhanh nhất có thể cho cộng đồng doanh nghiệp. Cả hai giải pháp này đều đang ở trong tình trạng chậm trễ hơn khá nhiều so với dự kiến.

Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, khối lượng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 87.700 tỷ đồng, mới chỉ đạt 34,9% kế hoạch; trong đó giải ngân khoảng 81.800 tỷ đồng, đạt 32,6%. Động thái mới nhất của thủ tướng trong việc tháo gỡ vấn đề này là thành lập tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, do phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng, đảm bảo giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2016 đúng hạn.

Tuy nhiên, chìa khóa giữ vai trò quan trọng nhất quyết định việc Việt Nam có vượt qua được ngưỡng cửa hẹp tăng trưởng trong năm 2016 hay không lại đang nằm ở việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển. Kể cả trong trường hợp Việt Nam hoàn thành kế hoạch giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2016, thì cũng là chưa đủ để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7%, nó sẽ phụ thuộc vào nỗ lực cải cách nền kinh tế của chính phủ mới có mang tính đột phá hay không.

Vì nếu không thể đưa ra những cải cách mang tính đột phá, thì sẽ không thể kích thích các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ.

Những sự kiện như loại bỏ khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh theo luật Đầu tư mới đây là một bước tiến dài của chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng vẫn chưa thể đạt đến tầm cải cách mang tính đột phá được.

Cần nhiều hơn nữa những bước tiến như việc loại bỏ 3.000 điều kiện kinh doanh kể trên trong 6 tháng còn lại của năm, mà điều đó có thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào bản lĩnh của chính phủ mới lớn đến đâu.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ tự do làm ăn của dân doanh