Một câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý trong tuần này là đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc liệu có nên cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) được vay vốn ODA thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi chính phủ hay không.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư dành cho các DNTN trong nước vẫn còn đang hết sức hạn chế, với lãi suất vẫn ở mức khá cao (trung bình trên 10%). Rõ ràng đây là một trong những rào cản chínhđối với nỗ lực cải cách nền kinh tế của Chính phủ trong đó đặt nền tảng vào việc hỗ trợ thúc đẩy các DNTN trong nước. Đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCMlà một gợi ý khá hấp dẫn.Nhưng, liệu chúng ta cónên chocác DNTN được vay vốn ODA hay không?
Khá nhiều quan điểm của cácnhà kinh tế và nhà phân tích đều cho rằng, nguồn vốn ODA theo thông lệ giới hạn phạm vi và đối tượng được vay là Chính phủ, gần như rất ít có tiền lệ cho các DNTN được tiếp cận nguồn vốn này, vì bản thân tên gọi của nguồn vốn ODA – Official Development Assistance (Hỗ trợ phát triển chính thức) – đã hàm ý chỉ cho phép các tổ chức mang tính chính danh của quốc gia như Chính phủ được vay mà thôi. Đó là chưa kể đến việcnguồn vốn vay ODA thường tập trung vào các lĩnh vực đầu tư công chủ yếu doNhà nước đảm trách, điển hình là đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Vì thế, nếu Chính phủ cho phép các DNTN tiếp cận vốn vay ODA có thể khiến cho những quốc gia và tổ chức tài chính cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam có ấn tượng xấu cũng như giảm mức độ tin cậy dành cho Việt Nam. Ngoài ra, việc cho phép DNTN vay vốn ODA cũng có thể khiến cho nguồn vốn cần thiết đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu của Chính phủ vốn do ODA đảm trách như hạ tầng cơ sở hay giáo dục và y tế bị giảm sút. Đúng là trong nhiều năm qua Việt Nam vẫn bị đánh giá là có mức độ sử dụng vốn vay ODA chưa thực sự hiệu quả, nhưng không vì thế mà có thể chuyển hướng sử dụng nguồn vốn này sang cho các DNTN.
Tất cả những quan điểm này đều hợp logic. Tuy nhiên,không phải là không có cách để các DNTN trong nước có thể tiếp cận nguồn vốn vay ODAnếu Việt Nam thực sự muốn. Về lý thuyết, nước tiếp nhận vốn vay ODA có toàn quyền quản lý sử dụng nguồn vốn vay này, chỉ cần nước cấp ODA chấp thuận danh mục dự án và lĩnh vực đầu tư mà thôi. Vì thế, nếu muốn Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán với các nước cấp vốn vay ODAvốn không quá khắt khe về danh mục dự án và lĩnh vực đầu tư chấp thuận việc cho Chính phủ Việt Nam chuyển một phần vốn vay ODA sang cho các DNTN như một nguồn vốn thúc đẩy phát triển, mà điển hình có thể kể đến là Nhật Bản. Các quan chức Nhật Bản làm việc tại Việt Nam, như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) luôn đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DNTN. Việc rót vốn ODA cho các DNTN trong nước như một sự hỗ trợ phát triển cũng có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, thông qua những cải cách xóa bỏ rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh nói chung trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra làliệu điều đó có thực sự cần thiết hay không? Hay nói cách khác, chúng ta còn sự lựa chọn nào khác để hỗ trợ vốn cho các DNTN thay vì phá lệ cho phép các DNTN tiếp cận nguồn vốn vay ODA hay không?Đúng là nguồn vốn trong nước dành cho các DNTN vẫn còn khá hạn chế, lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay có thấp lắm cũng vẫn là trên 10%, có một số dự án và quỹ đầu tư cho DN vay với lãi suất ưu đãi thì cũng từ 7-8%. Trong bối cảnh đó, có thể hiểu đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM là một gợi ý trong tình trạng chung khá cấp bách vềnguồn vốn vay dành cho các DNTN trong nước. Hiện tại việc nợ công gia tăng và áp lực chi trả nợ đang ăn mòn mức chi dành cho đầu tư phát triển (chỉ còn khoảng 15% so với mức trên 20% cách đây vài năm), và áp lực lạm phát cũng đang khiến cho việc hạ lãi suất cho vay với các DN của các ngân hàng đang khó khăn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số kênh đầu tư nước ngoài khá quan trọng có thể cung cấp nguồn vốn cho các DNTN của Việt Nam mà không nhất thiết phải động đến nguồn vốn ODA, điển hình là các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Về lý thuyết, ODA là vốn vay mà chính phủ của một quốc gia dành cho chính phủ một quốc gia khác. Phần lớn số vốn vay ODA đó là tiền thuế của người dân nước cung cấp vốn ODA và chính phủ quốc gia đó phải chịu những ràng buộc nhất định về pháp lý và với người dân quốc gia đó. Nếu Việt Nam đàm phán xin chuyển một phần vốn vay ODA sang cho các DNTN có thể gây khó dễ cho chính phủ của quốc gia cấp vốn ODA.
Việc cung cấp vốn vay với mục đích sử dụng linh hoạt hơn và không chịu sự ràng buộc về mặt lĩnh vực đầu tư, vì thế thích hợp hơn với các tổ chức tài chính quốc tế như ADB. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao trong chuyến làm việc tại Việt Nam cách đây ít ngày cũngđã tuyên bố ADB sẵn sàng cung cấp vốn vay cho các DN Việt Nam. Hiện tại Ngân hàng này đang có sẵn 100 triệu USD vốn vay dành cho các DNTN Việt Nam. Với mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản (quốc gia nắm cổ phần chi phối tại ADB) thì việc ADB trong tương lai trở thành một trong những tổ chức cung cấp vốn vay lớn nhất cho các DNTN Việt Nam là điều hoàn toàn có thể làm được. Khi đó Việt Nam sẽ có nguồn vốn dành cho kế hoạch thúc đẩy các DNTN trong nước phát triển mà không cần thiết phải đàm phán chuyển đổi mục đích sử dụng vốn vay ODA vốn ẩn chứa nhiều sự bất tiện.
Nhàn Đàm