Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng nếu để lại ngân sách cho TP.HCM nhiều hơn thì số tiền tuyệt đối nộp về Trung ương sẽ cao hơn trước do hiệu quả kinh tế của thành phố.

Tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM, Trung ương sẽ thu về được nhiều hơn

08/07/2020, 21:22

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng nếu để lại ngân sách cho TP.HCM nhiều hơn thì số tiền tuyệt đối nộp về Trung ương sẽ cao hơn trước do hiệu quả kinh tế của thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong một cuộc họp - Ảnh: Phan Diệu

Thông tin này được ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại phiên bế mạc hội nghị lần thứ 42, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 8.7.

TP.HCM đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Đây là thực tế mà cách đây 3 năm TP.HCM báo cáo với Bộ Chính trị và được Bộ cho ý kiến khắc phục. Từ đó, TP.HCM được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để trong ngắn hạn có thể tăng thu ngân sách TP.HCM.

Về dài hạn, TP.HCM đề xuất tăng điều chỉnh tỷ lệ ngân sách cho Trung ương. Sắp tới, TP.HCM sẽ báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM để tăng phần nộp về Trung ương và tăng phần thu của TP.HCM.

Ông Nhân cho rằng đề án này mới nhìn là mâu thuẫn vì TP.HCM đề xuất tăng tỷ lệ để lại cho thành phố từ 18% hiện nay lên 24%, tức phần nộp về Trung ương sẽ thấp hơn, giảm từ 82% còn 76%. Thế nhưng trên thực tế, TP.HCM là trung tâm kinh tế hiệu quả cao của cả nước, có năng suất lao động gấp 2,7-2,9 lần so với cả nước. Một đồng vốn đầu tư công tại TP.HCM sẽ thu hút được 10-14 đồng vốn đầu tư của xã hội và 1 năm TP.HCM có thêm 126.000 lao động. Đây là những căn cứ quan trọng cho thấy rõ khả năng khi để lại TP.HCM nhiều hơn thì thu hút vốn đầu tư xã hội đầu tư nhiều, tạo ra được sản phẩm lao động gần gấp 3 lần.

“Khi TP.HCM đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố từ 18% lên 24% thì sau 5 năm, TP.HCM sẽ nộp ngân sách Trung ương nhiều hơn so với việc thành phố chỉ được giữ lại 18%. Trong suốt 5 tháng qua, TP.HCM đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án này và có các số liệu cụ thể chứng minh. Nếu TP.HCM được để lại thu ngân sách tỷ lệ 24% trong giai đoạn 2021-2026 và 28% trong giai đoạn 2026-2030 thì phần ngân sách TP.HCM nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng. Ngân sách TP.HCM cũng được sử dụng tăng thêm khoảng 390.000 tỉ đồng.

Từ nghiên cứu, TP.HCM đã tìm ra cơ sở khoa học khẳng định để lại ngân sách cho TP.HCM nhiều hơn thì thành phố sẽ nộp ngân sách về Trung ương nhiều hơn và TP.HCM cũng thu được nhiều hơn. Tỷ lệ để lại cho TP.HCM cao hơn, nhưng số tiền tuyệt đối nộp về Trung ương sẽ cao hơn trước, bản chất là do hiệu quả kinh tế của thành phố”, ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất của TP.HCM

ÔngNguyễn Thiện Nhân cho biết qua thảo luận trong hội nghị thì có thể thấy TP.HCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có đóng góp phù hợp, thể hiện ở việc duy trì tăng trưởng cao hơn cả nước.

Hiện tại, TP.HCM có những mô hình kinh tế có hiệu quả đi đầu cả nước. Đơn cử như Khu công nghệ cao, 5 năm qua đóng góp ít nhất 1 tỉ USD cho ngân sách. Còn Công viên phần mềm Quang Trung 5 năm qua xuất khẩu 1,6 tỉ USD nhưng số người làm việc chỉ hơn 10.000 người. TP.HCM cũng đang triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và là địa phương đầu tiên thực hiện đô thị thông minh.

“Nhìn lại 5 năm qua trong tương quan 25 năm phát triển và so sánh với các địa phương khác thì TP.HCM thể hiện được vai trò đầu tàu và tính vượt trội của kinh tế trong một số lĩnh vực”, ông Nhân nhận định.

Tuy nhiên, Bí thư TP.HCM cho rằng các dịch vụ hạ tầng phục vụ người dân TP.HCM tuy đã tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của thành phố. Đối với liên kết về giao thông, TP.HCM chỉ mới phối hợp cùng tỉnh Tây Ninh triển khai tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Ngoài ra, việc bố trí cơ cấu sử dụng đất không hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Đề cập về tình hình phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nhân nói rằng dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế thành phố. TP.HCM tăng trưởng trong 6 tháng đầu nằm giữa khoảng 1-2% nhưng thu ngân sách đạt 40,2%. Trong bối cảnh này đây là kết quả tốt, là tiền đề để phấn đấu đến cuối năm 2020.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM, Trung ương sẽ thu về được nhiều hơn