Tháng 12.2019, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đỗ Ngọc Điệp về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” nhưng ông Điệp được tại ngoại chờ hầu toà vào ngày 9.7 tới đây.

Những ‘sai phạm có phần khách quan’ của cựu chủ tịch Phan Thiết và bài học

08/07/2020, 08:20

Tháng 12.2019, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đỗ Ngọc Điệp về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” nhưng ông Điệp được tại ngoại chờ hầu toà vào ngày 9.7 tới đây.

Ông Đỗ Ngọc Điệp chỉ cần sai một nhịp sẽ tạo hiệu ứng khó lường

Ngày 6.12.2019, Tỉnh ủy Bình Thuận đã công bố quyết định kỷ luật phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP. Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận, trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (giai đoạn từ năm 2016 - 2018), ông Điệp đã ký phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi (TP Phan Thiết) không đúng với quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Cụ thể, ông Điệp đã trực tiếp ký 32 quyết định và liên đới chịu trách nhiệm khi để ông Trần Hoàng Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết ký 100 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Ngoài ra, ông Điệp đã thiếu kiểm tra công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP Phan Thiết và xử lý các vi phạm trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng không nghiêm để hình thành nhiều điểm dân cư tự phát, không đúng quy hoạch, kế hoạch xảy ra ở 3 xã nói trên.

Trước ngày hầu toà, ông Điệp chia sẻ việc bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng là nỗi đau xót cho gia đình và bản thân. Ông quyết định chấp hành, không khiếu nại vì tự thừa nhận “trên cương vị trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao cho, bản thân nhận thấy chưa làm tròn”. Điều an ủi lớn lao theo ông Điệp là trong kết luận của Ban thường vụ tỉnh uỷ có một câu sau phần đánh giá khuyết điểm sai phạm: “… tuy nhiên những sai phạm trên có phần khách quan”.

"Sai phạm có phần khách quan đó" được ông Điệp lý giải là “do khối lượng công việc của Thành phố khá lớn, áp lực công việc khá nhiều, bản thân tôi không thể quán xuyến hết được". Do vậy, trong một số việc ông phải trông chờ "các cơ quan chức năng tham mưu để lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, xem xét giải quyết tất cả các công việc chung của Thành phố”.

Trong vụ việc này, những người trong đội ngũ tham mưu cho ông Điệp đều bị kỷ luật, truy tố. Cụ thể, cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Trần Hoàng Khôi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Thanh Thái và chuyên viên phòng TNMT Lê Hoàng Anh Tân, nhân viên hợp đồng phòng TNMT Lê Hồ Khải để điều tra. UBND Bình Thuận đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và giáng chức lần lượt đối với các ông Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh - giám đốc và phó giám đốc Sở TNMT tỉnh.

Ngoài ra, Sở TNMT Bình Thuận đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức, giáng chức và cảnh cáo đối với hàng loạt lãnh đạo, nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Phan Thiết.

Cáo trạng của Viện kiểm sát đã chỉ rõ các cán bộ nhân viên của phòng TNMT Phan Thiết: Phạm Thanh Thái, Lê Hoàng Anh Tân, Nguyễn Trí (chuyên viên phòng TNMT Phan Thiết nghỉ hưu năm 2016), Lê Hồ Khải đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn Phan Thiết khi lập hồ sơ tham mưu đề nghị UBND thành phố Phan Thiết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất (Phạm Thanh Thái đã tham mưu cho phép chuyển mục đích trái pháp luật 129 thửa với tổng diện tích 169.107,1 m2 tổng trị giá hơn 13,2 tỉ đồng, Lê Hoàng Anh Tân đã tham mưu cho phép chuyển mục đích trái pháp luật 60 thửa với tổng diện tích 45.078,5 m2 tổng trị giá hơn 3,5 tỉ đồng, Lê Hồ Khải đã tham mưu cho phép chuyển mục đích trái pháp luật 59 thửa với tổng diện tích 106.960,3 m2 tổng trị giá hơn 7,8 tỉ đồng, Nguyễn Trí đã tham mưu cho phép chuyển mục đích trái pháp luật 13 thửa với tổng diện tích 18.948,5 m2 tổng trị giá gần 2 tỉ đồng). Đỗ Ngọc Điệp và Trần Hoàng Khôi đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố Phan Thiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

Theo ông Điệp, do nhu cầu sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo chủ chốt thành phố nên đầu năm 2015 thì ông được phân công trực tiếp phụ trách chỉ đạo trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường ở Phan Thiết. Như kết luận đã nêu trong thời gian từ tháng 3.2016 đến tháng 8.2016 ông đã ký 32 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch của tỉnh.

Bước vào nhiệm kỳ mới (2016-2020). Do áp lực và khối lượng công việc khá lớn, được sự thống nhất của thường trực Thành Ủy và Tập thể UBND Thành phố, tháng 8.2016,ông Điệp đã ký quyết định phân công Phó chủ tịch Trần Hoàng Khôi phụ trách lĩnh vực này. Rồi ông Khôi là người ký 100 quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch của tỉnh.

Ông Điệp tự nhận mình không thạo việc quản lý đất đai nên chỉ dám cáng đáng trong thời gian ngắn rồi phân công người khác làm. Trong thời gian đó, ông Điệp phải nhờ cơ quan chức năng tham mưu mà cụ thể là phòng TNMT Phan Thiết tham mưu trong lĩnh vực đất đai. Đáng tiếc là cấp dưới đã sai phạm và ông Điệp thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm khi quá tin tưởng cấp dưới.

Toàn bộ 32 hồ sơ mà ông Điệp ký đều không hề có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích đất. Điều này phần nào cho thấy ông Điệp không nắm rõ về quy trình trong thủ tục ban hành đất đai mà vẫn ký cả 32/32. Đây là thời điểm ông Điệp thừa nhận mình phải cáng đáng lĩnh vực không chuyên trong lúc sắp xếp lại nhân sự của Thành phố. Trên khía cạnh nào đó, có thể tin rằng nếu quả thực ông Điệp tham lam trong việc giữ miếng bánh đất đai ở Phan Thiết thì chắc ông sẽ không dễ dàng buông bỏ nó chỉ sau hơn 1 năm. Với những điều mà ông Điệp nêu, sai lầm dẫn đến việc ông bị khởi tố là bài học cho tất cả quan chức trong bộ máy chính quyền là phải tránh ôm đồm việc một cách thiếu khoa học, phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, tư duy độc lập và không để cấp dưới làm sai dẫn đến những hệ luỵ khó lường.

Những sai phạm của ông Điệp "có phần khách quan" như ông Điệp dẫn kết luận của Ban thường vụ tỉnh uỷ Bình Thuận hay không? Điều đó có thể sẽ được sáng tỏ trong phiên toà ngày 9.7 tới đây. Điều nhiều người ở Phan Thiết mong mỏi là một bản án không chỉ đúng người, đúng tội mà còn có tình, có lý.

Minh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ‘sai phạm có phần khách quan’ của cựu chủ tịch Phan Thiết và bài học