Theo nghị định của Chính phủ vừa ban hành, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập.

Tạo bước đột phá để xóa bỏ chung cư cũ

Một Thế Giới | 07/11/2015, 17:13

Theo nghị định của Chính phủ vừa ban hành, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định này quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng theo quy định tại điều 110 của Luật Nhà ở, và quy định về việc bố trí nhà ở cho người được tái định cư, quy định một số cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, công nghệ xây dựng đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư.
Theo đó, nghị định quy định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại khoản 3 điều 112 của Luật Nhà ở.
Mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành. Trong trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà một căn hộ chung cư cũ có từ hai hộ khẩu trở lên, thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định, chủ sở hữu được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận.
Nghị định cũng quy định rõ hai trường hợp Nhà nước thực hiện cải tạo, đầu tư, xây dựng lại nhà chung cư.
Thứ nhất, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại khoản 3 điều 36 của Luật Nhà ở.
Thứ hai, Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại.
Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.
Các chủ sở hữu của nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại phải theo quy định tại điều 110 của Luật Nhà ở lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn thực hiện việc phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó.
Như vậy, Nghị định mới về xây dựng, cải tạo chung cũ cơ bản xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ. Nhiều người kỳ vọng nghị định này sẽ gỡ được “nút thắt” còn tồn đọng bởi đây là vấn đề nan giải, ít có những thay đổi nhất và cũng đạt kết quả thấp nhất trong các chính sách nhà ở.
Trong khi đó, hàng trăm chung cư đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, cần phải cải tạo ngay mà tiến độ tháo dỡ và sửa chữa vẫn cứ “giậm chân tại chỗ”.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo bước đột phá để xóa bỏ chung cư cũ