Nikkei Asian Review ngày 6.12 cho biết, tại Diễn đàn Đông Bắc Á, tổ chức ở Shizuoka, Nhật Bản, các diễn giả từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã kêu gọi sự phối hợp giữa 3 quốc gia quan trọng của vùng Đông Bắc Á trong việc giải quyết nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, mà được cho là sẽ phát sinh khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Diễn đàn Đông Bắc Á có sự tham gia của các chính khách lão làng – như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoriko Kawaguchi - và nhiều chuyên gia của ba quốc gia vốn luôn “cơm không lành, canh không ngọt” với nhau. Vì vậy, ý nghĩa của Diễn đàn Đông Bắc Á đối với việc ban hành và thực thi các chính sách của nhà nước là rất lớn.
Do vậy, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của cả công luận và dư luận quốc tế, nhất là tại xứ cờ hoa và tại quê hương của Vạn lý trường thành.
Cá nhân người viết cho rằng, dựa vào hiệu ứng từ các diễn đàn như Diễn đàn Đông Bắc Á, Trung Nam Hải đang tạo tam giác giao thoa Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc, qua đó thực hiện chiến lược mềm, gạt dần ảnh hưởng của Washington khỏi vực Đông Bắc Á.
Tại sao lại nhận định như vậy?
Hiệu ứng Trump tạo cơ hội cho Tập Cận Bình quyến rũ đồng minh, lôi kéo đối tác của Washington
Có thể thấy rằng, sự lệch pha giữa đời sống chính trị Mỹ với đời sống xã hội Mỹ là nguyên nhân chính làm nên chiến thắng cho tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Và khi chiến thắng thì hiệu ứng Trump lại làm lệch pha quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, trong đó có cả đồng minh, đối tác và đối thủ của Washington.
Sự lệch pha mà hiệu ứng Trump tạo ra khiến cho cả Mỹ và đối phương đều phải hiệu chỉnh lại cho phù hợp với thực tế, khi chính quyền Trump chính thức tiếp quản nước Mỹ và thực thi quyền lực của mình. Hàng chục thập kỷ qua, nhất là sau khi Thế chiến II kết thúc, trục Mỹ luôn được xem là trung tâm của thế giới, với cả thực thể bài Mỹ lẫn thân Mỹ.
Riêng với những thực thể thân Mỹ thì luôn hướng về nước Mỹ theo lực hút hướng tâm để khai thác lợi ích Mỹ, thẩm thấu giá trị Mỹ và đón nhận sự che chở của sức mạnh Mỹ. Từ lực hút hướng tâm ấy đã hình thành nên các quan hệ đồng minh quan trọng, các quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với những thực thể chính trị thân Mỹ.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thực thể chính trị thân Mỹ - Tokyo và Seoul là hai đồng minh chiến lược của Washington trong đối trọng với Moscow và Bắc Kinh tại khu vực chiến lược này. Từ lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị đến nền tảng chiến lược đối ngoại và vị thế trên trường quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc đều có “chất Mỹ” ở trong đó.
Cho dù xuất phát điểm của quan hệ Mỹ - Nhật có nhiều khác biệt so với xuất phát điểm của quan hệ Mỹ - Hàn bởi bối cảnh lịch sử khi tạo hình cho mỗi mối quan hệ, song sự liên minh, liên kết giữa Tokyo và Seoul với Washington luôn theo xu thế hướng tâm vào trục Mỹ. Cho dù đôi lúc có sự trục trặc kỹ thuật, song xu thế ấy chưa bao giờ lệch chuẩn.
Tuy nhiên, khi ứng viên Donald Trump tạo ra sự khác biệt quá lớn trong đời sống chính trị Mỹ, hiệu ứng Trump đã thẩm định lại giá trị Mỹ, hiệu chỉnh lại sức mạnh Mỹ và đặc biệt là thay đổi cán cân lợi ích giữa Mỹ và các đối tác, đồng minh. Cho dù, tỷ lệ giữa “củ cà rốt Mỹ” với “cây gậy của Washington” luôn thay đổi theo tỷ lệ nghịch, song chưa khi nào bị tác động lớn như với hiệu ứng Trump.
Trong lịch sử quan hệ Mỹ - Nhật hay quan hệ Mỹ - Hàn thì hầu hết các chiến lược của đồng minh đều được sự ủng hộ, thậm chí trợ giúp của Mỹ, song điều đó có thể không còn hay sẽ phải thay đổi dưới thời chính quyền Trump. Chỉ riêng việc Trump kiên quyết gạt bỏ TPP có thể khiến Abenomics phá sản đã cho thấy rõ sự hiệu chỉnh tiêu cực của hiệu ứng Trump tới các đồng minh của nước Mỹ.
Tác động tiêu cực từ hiệu ứng Trump sẽ khiến cho các đồng minh, đối tác thất vọng và hình thành nên xu thế li tâm trục Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là những thực thể chính trị đầu tiên khởi phát cho xu thế ấy và đây chính là cơ hội cho Tập Cận Bình thực hiện việc quyền rũ đồng minh của Washington để thực hiện mưu đồ chiến lược của mình.
Tam giác giao thoa Trung – Nhật – Hàn có thể tạo đối trọng với Mỹ trong tương lai
Có thể thấy rằng, chính sách cải cách của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã giúp kinh tế Trung Quốc nhanh chóng lớn mạnh và dần vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, sự mở rộng về quy mô của kinh tế Trung Quốc lại tỷ lệ thuận với sự ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế Nhật Bản và kinh tế Hàn Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí cả hai đồng minh chiến lược của Washington tại Đông Bắc Á đều nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phụ thuộc lớn nhất vào sức mạnh kinh tế Trung Quốc và chiến lược kinh tế của Bắc Kinh.
Đây là lợi điểm của Bắc Kinh so với Washington trong quan hệ với đồng minh của chính đối thủ. Nay hiệu ứng Trump tạo lực đẩy li tâm, đẩy các đồng minh, đối tác ra xa trục Mỹ. Lực li tâm từ hiệu ứng Trump cộng hưởng với lợi điểm từ sự phụ thuộc kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc vào Trung Quốc, từ đó làm gia tăng công lực cho các bước đi của Tập Cận Bình trong việc gạt bỏ ảnh hưởng của Washington với các đồng minh.
Với Tokyo và Seoul, nếu không “cầm đèn chạy trước ô tô” thì có thể ôm hận khi không kịp đối phó với sự lệch pha mà Trump tạo ra trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh. Do vậy, việc bắt tay với Bắc Kinh thực hiện các diễn đàn nhằm tìm ra hướng đi mới cho mình là rất cần thiết và quan trọng.
Thế là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” dường như đã giúp cho Trung Nam Hải thực hiện mưu đồ chiến lược, nhằm hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” mà người Trung Quốc đã nung nấu hàng ngàn năm qua. Và Tập Cận Bình chắc chắn sẽ thực hiện chiến lược mềm, tấn công trên các mặt trận tin tưởng vô hại vì tình hữu hảo, mà có thể khiến đối phương chủ quan khinh địch.
Theo Nikkei Asian Review cho biết, tại diễn dàn Đông Bắc Á, các diễn giả đã kêu gọi Tokyo, Bắc Kinh, Seoul thực hiện việc mở rộng hoán đổi tiền tệ. Điều này nhằm tránh nguy cơ có thể xảy ra một cú đúp hỗn loạn tài chính khi Trump nhậm chức. Bởi lẽ, chính sách của Trump được dự kiến sẽ tăng lãi suất, làm tăng giá trị đồng USD, từ đó làm trầm trọng thêm gánh nặng đối với cả ba nền kinh tế lớn này.
Nếu đồng USD tăng giá, Trump có thể gây áp lực đối với cả Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong tỷ giá hối đoái, tác động tiêu cực đến chính sách tài chính của Bắc Kinh, Tokyo, Seoul, từ đó gây thiệt hại cho kinh tế của cả ba quốc gia. Do vậy, việc hợp tác ba bên là cần thiết để chuẩn bị đối phó với những cú sốc tài chính có thể xảy ra từ hiệu ứng Trump.
Không những thế, vấn đề lão hóa dân số - rào cản lớn nhất đối với phát triển kinh của cả ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc – cũng có trong chương trình nghị sự của diễn đàn. Cùng với đó là vấn đề môi trường, nhất là đối phó với biến đổi cũng được các diễn giả tập trung thảo luận. Đặc biệt vấn đề giao lưu văn văn hóa, liên kết giáo dục đã được bàn thảo trong diễn đàn.
Có lẽ chưa có một diễn đàn nào mà sự giao thoa nhiều vấn đề kinh tế - xã hội tại vùng Đông Bắc Á lại đa dạng và sâu rộng như vậy. Cá nhân người viết cho rằng, Trung Nam Hải đã bắt đầu thực hiện những bước đi chiến lược nhằm khai thác tốt nhất lợi ích có được bởi sự thay đổi tại nước Mỹ, từ đó làm thay đổi vị thế chiến lược của mình với đối phương.
Ngọc Việt