Các động thái xâm lấn trái phép cùng hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đang đẩy ngư trường rộng lớn, là nguồn sinh kế của hàng triệu ngư dân thuộc nhiều quốc gia, đến chỗ biến mất.

Tạp chí National Geographic: Trung Quốc hủy hoại ngư trường Biển Đông!

Theo Tuổi trẻ | 02/09/2016, 06:20

Các động thái xâm lấn trái phép cùng hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đang đẩy ngư trường rộng lớn, là nguồn sinh kế của hàng triệu ngư dân thuộc nhiều quốc gia, đến chỗ biến mất.

Tạp chí National Geographic (Nat Geo, Mỹ) ngày 29.8 có bài phóng sự dài miêu tả tình cảnh bi đát của ngư nhân Philippines và Việt Nam chuyên đánh bắt trên Biển Đông. Nguyên nhân tình trạng này, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều là do kiểu hành xử "bắt nạt" của Trung Quốc.

Ngư trường khổng lồ đang sụp đổ

Tài nguyên Biển Đông phong phú ra sao? Giá trị hàng hóa được vận chuyển qua vùng biển này lên đến 5,3 ngàn tỉ USD mỗi năm, và sự đa dạng sinh học của Biển Đông cũng tương tự như "rừng Amazon trên cạn" vậy.

Theo Nat Geo, 3,7 triệu người thuộc 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đánh bắt cá trên Biển Đông, thu về hàng tỉ USD mỗi năm, nhưng sản lượng cá hiện đã giảm rất nhiều so với vài chục năm trước đây, đe dọa an ninh lương thực và phát triển kinh tế của các nước sống nhờ nguồn tài nguyên này.

Các nhà khoa học chỉ ra tại một số khu vực trên Biển Đông, lượng cá chỉ còn chưa đầy 1/10 so với cách đây 50 năm. Và các loài cá giá trị cao như cá ngừ và cá mú đang ngày càng hiếm đi.

Giá trị của Biển Đông trong góc nhìn thương mại - Đồ họa: NatGeo/Trường Sơn

“Chúng ta có thể nói đang chứng sự biến mất của một trong những ngư trường lớn nhất thế giới - ông John McManus, nhà sinh vật học hàng hải thuộc Trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải Rosenstiel (Đại học Miami, Mỹ), nói với Nat Geo - Hàng trăm loài thủy sản sẽ biến mất, và sẽ rất nhanh, hết loài này đến loài khác”.

Nguyên nhân cũng vì cái vòng luẩn quẩn: tranh giành đánh bắt cá dẫn đến tranh chấp trên biển, và tranh chấp trên biển cũng lại khiến ngư dân các nước phải cạnh tranh với nhau mạnh mẽ hơn. Rốt cuộc thì lượng cá vẫn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, dường như mọi vấn đề đều từ Trung Quốc mà ra.

Một tàu cá Philippines - Ảnh: Reuters

Khi tàu cá được chống lưng

Ngư dân Philippines Christopher Tubo buộc phải thôi đánh cá trên Biển Đông sau khi một người bạn của anh bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. “Đầu tiên ta sẽ thấy máy bay trờ tới, rồi đến một tàu hải quân” - anh Tubo kể với Nat Geo, mô tả lại cách Trung Quốc thường dùng để đuổi ngư dân các nước ra khỏi vùng biển tranh chấp.

Theo Nat Geo, có khoảng 320.000 ngư dân Philippines đang mưu sinh trên Biển Đông. Nhưng ngày càng nhiều ngư dân, như Tubo và bạn anh, buộc phải tìm vùng biển khác vì các hành động can thiệp từ phía Trung Quốc như xây công trình nhân tạo trên các thực thể chiếm đóng trái phép, cho tàu hải cảnh đe dọa tàu cá nước khác và “bảo kê” cho ngư dân nước mình.

“Nếu chúng tôi cứ đến đó đánh cá, có khi chẳng còn đường mà về”

Ngư dân Philippines Christopher Tubo

Ông Henry Tesorio, trưởng làng chài ở TP Puerto Princesa trên đảo Palawan (Philippines) cám cảnh: “Cứ theo cách đó thì Trung Quốc đang coi vùng biển đó là của họ và người Philippines bị cấm cửa hoàn toàn”.

Câu chuyện trên không xa lạ với ngư dân Việt Nam. Trong bài viết nói trên, Nat Geo cũng nhắc lại những vụ tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm chìm tàu trên Biển Đông.

Khi cá tôm ở các vùng biển cận bờ cạn kiệt, ngư dân buộc phải dong thuyền ra xa hơn, và thường phải vào cả các vùng biển đang tranh chấp để mưu sinh. Trung Quốc chộp ngay cơ hội này để tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển đó bằng cách chống lưng cho các tàu cá nước mình một cách hung hăng.

Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh: AFP

Bắc Kinh đã củng cố lực lượng hải cảnh, quân sự hóa các đội tàu đánh cá và bắt đầu trợ cấp nước uống, xăng dầu cũng như chi phí để ngư dân đóng tàu to hơn, tốt hơn.

Bắc Kinh cũng huấn luyện quân sự cho các tàu cá và trang bị hệ thống liên lạc qua GPS để ngư dân Trung Quốc có thể dễ dàng “chỉ lối” cho tàu hải cảnh đến hỗ trợ mỗi khi đối mặt với tàu của lực lượng chấp pháp các nước, hoặc khi có tàu cá nước khác cùng đến đánh bắt.

Thậm chí, Nat Geo nhấn mạnh, có cả một chương trình trợ cấp đặc biệt dành cho ngư dân đến đánh bắt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Lý do duy nhất để các tàu đánh cá nhỏ của Trung Quốc đến Trường Sa là vì họ được trả tiền để làm thế” - ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nói với Nat Geo.

Việc trả tiền và bảo hộ bằng vũ lực cho tàu cá Trung Quốc đến các vùng biển tranh chấp được xem là “áp lực cộng thêm” khiến trữ lượng thủy sản ở Biển Đông ngày càng cạn kiệt. Ông Gilbert Elefane, thuyền trưởng một tàu đánh cá ngừ của Philippines, cho biết vào cuối tháng 8, có đến cả trăm tàu nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc, đánh bắt trên biển Đông, trong khi chỉ vài năm trước, “số tàu Trung Quốc không quá 30”.

Trường Sơn - Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạp chí National Geographic: Trung Quốc hủy hoại ngư trường Biển Đông!