Tính đến hết năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng tài sản hơn 784.604 tỉ đồng, và khoảng 1/4 trong số đó đã được tập đoàn này đem đi gửi ngân hàng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán bởi Deloitte. Báo cáo cho biết năm qua, PVN đạt hơn 271.404 tỉ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 15% so với năm 2016.
Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí tài chính... lợi nhuận sau thuế của tập đoàn là 38.366 tỉ đồng, tăng mạnh gần 22.000 tỉ đồng so với năm 2016. Mức lợi nhuận của tập đoàn tăng mạnh được cho là do giá dầu thế giới phục hồi, đảo chiều tăng từ đầu năm
Trong khi đó, các khoản nợ phải trả của đơn vị này tiếp tục gia tăng. Tính đến hết năm 2017, PVN phải thanh toán khoản nợ 342.621 tỉ đồng (tăng 4.568 tỉ so với năm 2016). Trong đó, nợ ngắn hạn là 191.739 tỉ đồng, nợ dài hạn là 150.881 tỉ đồng. Tổng tài sản của toàn tập đoàn tính đến hết ngày 31.12.2017 là 784.604 tỉ đồng.
Trong số này, tập đoàn đem 173.631 tỉ đồng đi gửi ngân hàng, chiếm khoảng 1/4 tổng tài sản. Trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 23.037 tỉ đồng; tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng là 49.364 tỉ đồng; 101.230 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến không quá 1 năm.
Tính đến hết năm qua, nợ xấu của PVN nằm tải rác tại công ty mẹ và các công ty con. Đáng kể nhất là khoản nợ 2.399 tỉ đồng của công ty mẹ - PVN; 1.190 tỉ đồng của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và 995 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. Những khoản nợ xấu này chủ yếu là các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày; các khoản phải thu, phải thu ủy thác đầu tư...
Liên quan đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC), hãng kiểm toán Deloitte cho biết PVN đang tạm ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án được bàn giao từ SBIC với số tiền là hơn 695 tỉ đồng, đồng thời ghi nhận phải trả SBIC với số tiền tương ứng trên tài khoản phải trả khác. Đến ngày 31.12.2017, PVN chưa đối trừ hết số tiền đã thanh toán cho SBIC liên quan đến việc bàn giao các dự án trên là 720 tỉ đồng.
Cũng đến thời điểm trên, số tiền PVN phải thu về cho vay là 42.355 tỉ đồng, chủ yếu bao gồm: Khoản PVN cho Công ty Liên doanh Rusvietpetro (thành lập tại Nga) vay. Ngoài ra, các khoản phải thu về cho vay khác chủ yếu phản ánh các khoản Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank - Công ty con của PVN) cho các tổ chức, cá nhân trong nước vay.
Tuyết Nhung