Sáng nay, trong lúc vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông bất ngờ dừng lại, dù chưa đến điểm dừng.
Khoảng 10 giờ sáng nay, hành khách trên chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông cho biết khi tàu chuẩn bị đến ga Cát Linh trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) thì đột ngột dừng lại. Sau một thời gian ngắn, tàu lại tiếp tục di chuyển bình thường về ga Cát Linh.
Về chuyện này, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, trong điều kiện thời tiết bình thường, tàu metro Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành ở chế độ lái tự động. Tuy nhiên, khi gặp trời mưa, đường ray trơn sẽ khiến hệ thống tự động dừng đỗ không đúng ga nên sẽ phải chuyển sang chế độ lái thủ công.
"Thời gian chuyển đổi chỉ mất khoảng vài chục giây. Bình thường tàu chạy lái tự động, nhưng khi trời mưa gây hiện tượng trơn trượt có thể tàu dừng đỗ không đúng điểm ở nhà ga", lãnh đạo Metro Hà Nội giải thích.
Năm ngoái, tối 7.12.2021, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Sau 30 phút xử lý, có nhiều chuyến tàu không thể đến/đi từ nhà ga này. Về sự cố ấy, Metro Hà Nội cho biết chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác. "Sắp tới tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách", lãnh đạo Metro Hà Nội nói.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.
Từ khi khởi công vào năm 2011 đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến thời gian triển khai kéo dài, chậm 6 năm so với dự kiến ban đầu.
Tổng mức đầu tư được điều chỉnh của dự án theo phê duyệt của Bộ GTVT là hơn 18.000 tỉ đồng, tăng hơn 9.231 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Dự án là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016.
Dự án được khởi công từ tháng 10.2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11.2018. Ngày 6.11.2021, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã chính thức ký bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của thủ đô cũng như cả nước.