Vụ tắc nghẽn kéo dài trên kênh đào Suez giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn gặp nhiều vấn đề.
Khoảng 12% hoạt động thương mại toàn cầu phải đi qua kênh đào Suez – tuyến vận tải nối châu Âu với châu Á. Hiện tại tàu hàng Ever Given nặng 224.000 tấn, dài 400 mét vẫn nằm chắn ngang con kênh khiến hàng trăm tàu hàng khác chẳng thể di chuyển.
Vụ tắc nghẽn khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung mà các doanh nghiệp phải đối mặt do đại dịch COVID-19 thêm trầm trọng. Nike, Costco, Toyota, Honda, Samsung đều nhận định chuỗi cung ứng đang gặp vấn đề ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh quý 1.2021 và có thể cả thời gian tới.
Theo giới chuyên gia, mỗi giờ tắc nghẽn làm “bay hơi” khoảng 400 triệu USD, nỗ lực giải cứu cần vài tuần. Tàu hàng khác đành di chuyển tuyến đường thay thế vòng qua châu Phi dài thêm 15.000 dặm (mất khoảng 2 tuần).
Giấy vệ sinh
Suzano SA, một trong những nhà sản xuất bột giấy lớn nhất thế giới, cho biết vụ tắc nghẽn kênh đào Suez làm nhiều chuyến hàng bột giấy bị giao chậm, kết quả là giấy vệ sinh khan hiếm. Cộng thêm tình hình thiếu container hiện tại, thời gian giao chậm có thể lên đến ít nhất 1 tháng.
Như vậy, cảnh đổ xô tích trữ giấy vệ sinh sắp lặp lại ở một số quốc gia. Giá mặt hàng này sẽ tăng do chi phí vận chuyển tăng.
Cà phê
Vụ tắc nghẽn cũng gây trở ngại cho các lô hàng cà phê dùng cho cà phê hòa tan Nescafe. Tình trạng khan hiếm sẽ diễn ra trên toàn thế giới nhưng đặc biệt gay gắt ở châu Âu, do sự cố đã chặn tuyến đường thủy quan trọng giữa Việt Nam với lục địa già.
Cửa hàng và quán cà phê sẽ sớm cảm nhận thấy ảnh hưởng. Công ty kinh doanh cà phê Sucafina SA (Thụy Sĩ) khuyến cáo những đơn vị rang xay không có lượng cà phê trữ đủ cho 2 - 3 tuần.
Đồ nội thất
Xu thế làm việc tại nhà giúp ngành nội thất và trang trí nội thất phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khách hàng đang chịu cảnh nhận hàng trễ vài tháng.
Chuỗi cửa hàng Kasala (Mỹ) đầu tháng 3.2021 thông báo nội thất của đơn đặt hàng tháng này phải chờ đến tháng 12 mới có, do nhiều sản phẩm phải làm thủ công đòi hỏi một loạt chi tiết nhỏ. Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez khiến tình hình thêm trầm trọng.
Dầu khí
Giá khí đốt thời gian qua đã tăng do nhu cầu cao và OPEC cắt giảm sản lượng. Vụ tắc nghẽn chắc chắn đẩy lên cao hơn nữa.
Theo nhà kinh tế David Fyfe thuộc công ty cung cấp thông tin thị trường Argus Media, khoảng 5 - 10% chuyến hàng vận chuyển dầu khí toàn cầu đi qua kênh đào Suez.
Hệ quả khác
Nhà tư vấn thương mại và kho vận Jon Monroe (Mỹ) cho biết: “Trước đó chúng tôi dự đoán tình trạng thiếu container sẽ tồi tệ hơn vào tháng 4. Vụ tắc nghẽn thật chẳng giúp ích gì, sản phẩm sẽ chất đầy trong kho của các nhà máy”.
Chuyên gia Brian Bourke thuộc công ty kho vận Seko (Mỹ) chỉ ra rằng sự cố ảnh hưởng nỗ lực kích thích kinh tế mà chính quyền Biden đang triển khai: “Tiền hỗ trợ đến tay người tiêu dùng, nhưng làm thế nào kích cầu khi chẳng có gì để mua? Thời gian chờ đợi giao một chiếc ghế dài lên đến 3 tháng”.
Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez làm nổi bật sự phụ thuộc của thương mại quốc tế với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nỗ lực giải cứu Ever Given hôm 26.3 vừa thất bại. Đội cứu hộ dự kiến gửi thêm 2 tàu kéo đến hiện trường để hỗ trợ vào ngày 27.3.