Hiệp hội Taxi TP.HCM đã kiến nghị cho phép các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp các loại thuế tương tự như loại hình gọi xe qua ứng dụng di động là Grab và Uber.
Hiện tại, Grab và Uber thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Công ty Uber Hà Lan được tính thuế giá trị gia tăng (VAT) trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%. Đối với Grab, mức thuế phải đóng bao gồm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu là từ 6 – 7%.
Trong khi đó, doanh nghiệp taxi truyền thống phải nộp thuế VAT 10%, thuế TNDN là 20%. Như vậy, mức thuế mà Uber và Grab nộp đang thấp hơn nhiều so với các công ty kinh doanh taxi truyền thống.
Ông Tạ Long Hỷ,Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, nói doanh nghiệp taxi truyền thống phải đóng mức thuế cao hơn trong khi chi phí vận hành tăng nên mất lợi thế cạnh tranh so với các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động như Uber và Grab.
Theo ông Hỷ, trong năm 2017, Hiệp hội Taxi TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải để đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật của các tổ chức taxi trá hình nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong các hoạt động kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP. Đặc biệt, TP cần sớm có giải pháp ngăn chặn làn sóng xe cá nhân núp bóng hợp tác xã để chạy cho Uber, Grab, trong đó có không ít xe từ các tỉnh ngoài thành phố.
Tính 10 tháng của năm 2016, Hiệp hội Taxi TP.HCM có 10.750 xe, đã vận chuyển 206,6 triệu lượt hành khách, bằng 45% sản lượng vận tải hành khách công cộng của TP. So với cùng kỳ năm 2015, sản lượng vận chuyển hành khách bằng taxi tăng 2,9%.
Với kết quả này, ông Hỷ nhận định sản lượng hành khách theo hình thức taxi truyền thống có thể còn cao hơn nếu không bị thiệt bởi hoạt động taxi trá hình không kiểm soát được tại thành phố.
Phan Diệu