Nửa tháng trở lại đây, thị trường rau củ tại TP.HCM có xu hướng tăng cao đối với nhiều mặt hàng…Các loại nông sản như bắp cải, cải thảo, xà lách, xà lách búp, cải ngọt, bí đao, dưa leo, bí đỏ... hầu hết đều tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 12.

Chưa đến Tết, giá rau củ tại TP.HCM đã tăng ‘đột biến’

Phan Diệu | 26/12/2016, 19:19

Nửa tháng trở lại đây, thị trường rau củ tại TP.HCM có xu hướng tăng cao đối với nhiều mặt hàng…Các loại nông sản như bắp cải, cải thảo, xà lách, xà lách búp, cải ngọt, bí đao, dưa leo, bí đỏ... hầu hết đều tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 12.

Tại các chợ nhỏ, lẻ ở TP.HCM, cải xanh hiện nay có giá 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Cải ngọt từ 15.000 đồng/kg hiện đã tăng lên 18.000 đồng/kg. Hoa lơ đang có giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Xà lách dao động ở mức giá 45.000 – 50.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng.

Giá bí đao cũng tăng mạnh. Nếu như trước đây, tại các chợ nhỏ, giá loại nông sản này luôn dao động ở mức giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg thì nay tăng mạnh lên mức 25.000 đồng/kg. Mặt hàng này thời gian trước thường được các xe ba gác nhỏ bán lẻ với giá 10.000 đồng/3 trái thì nay cũng tăng lên 20.000 đồng/kg.

Tăng mạnh nhất là các loại rau thơm, hành, ngò. Giá bán lẻ mặt hàng này trên thị trường hiện dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Cà rốt, khoai tây từ 25.000 đồng/kg cũng tăng lên 35.000 đồng/kg.

Hay như ớt, trước đây mặt hàng này luôn được các tiểu thương tại chợ cho thêm bởi giá chỉ 40.000 - 60.000 đồng/kg thì nay loại nông sản này tăng vọt lên 120.000 đồng/kg. Với mức giá này, các tiểu thương thường chia nhỏ ra để bán thay vì cho. Chưa kể, tiểu thương chỉ bán ớt khi người tiêu dùng mua từ 5.000 đồng trở lên, bởi 2.000 đồng chỉ được 2 - 3 trái ớt nhỏ thì rất khó bán.

Theo các tiểu thương, sở dĩ giá ớt đang có giá cao “ngất ngưởng” là do mưa lớn thất thường và kéo dài tại các tỉnh miền Trung khiến nhiều địa phương không thể trồng được ớt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ớt lại tăng mạnh khiến càng ngày càng khan hiếm, đẩy giá lên cao hơn.

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giá ớt về chợ liên tục tăng trong khi lượng hàng về chợ ngày càng giảm khiến mặt hàng này khan hiếm. Ngoài ra, tin đồn Trung Quốc tăng cường thu mua ớt để xuất khẩu với giá cao khiến nông dân ồ ạt gom hàng để bán cho Trung Quốc cũng đẩy giá ớt tăng cao do các công ty và hợp tác xã thu mua gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, giá rau tại các siêu thị cũng tăng mạnh. Tại siêu thị Co.opmart, bí đao hiện có giá 24.000 đồng/kg; dưa leo 21.000 đồng/kg; cải thìa 24.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; cải ngọt, cải xanh chung mức giá 27.000 đồng/kg; mồng tơi, rau dền 25.000 đồng/kg; cà chua 33.000 đồng/kg; khoai tây 35.000 đồng/kg; bắp cải 18.000 đồng/kg; hành lá 42.000 đồng/kg; ngò rí tăng mạnh lên 72.000 đồng/kg… Loại rau thường có giá rẻ như rau muống cũng tăng lên 21.000 đồng/kg.

Theo chị Hạnh Trinh (ngụ quận 2), hai tuần trở lại đây, gia đình chị đã giảm lượng rau xanh trong thực đơn hàng ngàybởi giá rau quá cao. Nếu như trước đây, một ngày chỉ cần chi 50.000 đồng tiền rau cho cả gia đình 4 người ăn thì nay mức giá này đã tăng vọt lên trên mức 100.000 đồng/ngày.

“Giá rau tăng quá nhanh và quá cao. Bây giờ đi chợ phải đắn đo lắm tôi mới dám mua rau. Trước đây tôi thường mua rau muống để ăn cho rẻ nhưng bây giờ rau muống lại tăng giá cao nhất, hơn 20.000 đồng cho một kg rau chưa nhặt. Để tiết kiệm tôi thường chọn mua rau tại các xe ba gác cho rẻ dù rau xấu hơn nhưng bây giờ thì mua ở đâu rau cũng chung mức giá cao như vậy. Với mức lương công nhân của 2 vợ chồng tôi thì đúng là không đủ tiền mua rau chứ đừng nói đến mua thứ khác. Chưa tới tết mà rau tăng mạnh thế này thì không biết tết rau còn tăng mạnh cỡ nào”, chị Trinh nói.

Một số tiểu thương nhận định do mùa mưa bão kéo dài dẫn đến rau củ dễ bị hỏng và hư hại. Chưa kể, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và thu hoạch của nhà vườn, đặc biệt là các loại rau từ Đà Lạt. Không chỉ vậy, do thời tiết nên mẫu mã các loại rau, củ xấu nên tỉ lệ lọc bỏ nhiều, các tiểu thương phải bán giá cao để bù lại lượng hao hụt

Nhiều người tiêu dùng cho rằng với tình hình thời tiết như hiện nay thì người mua nên mua rau tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ có giá ổn định hơn các chợ do siêu thị có các chương trình bình ổn giá cũng như các hợp đồng cung cấp rau đã được ký dài hạn nên giá cả và số lượng ổn định hơn.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa đến Tết, giá rau củ tại TP.HCM đã tăng ‘đột biến’