Có kinh tế xã hội ở Tây Nguyên ổn định và phát triển bền vững, chúng ta sẽ có điều kiện rất lớn để phát triển kinh tế xã hội cả nước ổn định và bền vững trên đôi cánh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tây Nguyên và sự phát triển bền vững

nguyen van lang | 23/01/2020, 10:55

Có kinh tế xã hội ở Tây Nguyên ổn định và phát triển bền vững, chúng ta sẽ có điều kiện rất lớn để phát triển kinh tế xã hội cả nước ổn định và bền vững trên đôi cánh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

TS Nguyễn Văn Lạng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh Đăk Lăk là người đã công tác tại Đăk Lăk 31 năm, với các cương vị Giám đốc Lâm trường (1979), Phó Tổng giám đốc và Tổng Giám đốc Liên hiệp Lâm Nông Công nghiệp Gia Nghĩa (1988-1994), Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk (1994-2005), hiện đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hiệp hội Sắn Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Brazil, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu y học Đinh Tiên Hoàng, Viện trưởng viện kiểm nghiệm sản phẩm hàng hoávà Chủ tịch, Viện trưởng, cố vấn nhiều Viện Nghiên cứu, trường Đại học, trực tiếp tổ chức nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới ở Việt Nam.

Ông là người có hiểu biết sâu sắc về Tây Nguyên, tâm huyết với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp Tây Nguyên nói riêng. Sau bài viết “Đăk Nông: Tiềm năng, thách thức và đột phá” đăng trên Một Thế Giới được nhiều người quan tâm, báo điện tử Một Thế Giới xin đăng tiếp một số ý tưởng nhằm phát triển toàn diện kinh tế Tây Nguyên của TS Nguyễn Văn Lạng.

Phát triển kinh tế Tây Nguyên trên cơ sở lợi thế của vùng

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Lạng, cần tập trung cho phát triển nông nghiệp như một trụ cột cho phát triển kinh tế Tây Nguyên và cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên phải là nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ - du lịch.

Lợi thế của Tây Nguyên là đất đai, khí hậu, địa hình cũng như vị trí địa lý là nền tảng cho phát triển Tây Nguyên thành vùng nông nghiệp tập trung lớn nhất đất nước. Với các loại cây trồng công nghiệp, Tây Nguyên sẽ tạo hướng cho xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn hàng đầu của cả nước.

Tài nguyên đất đỏ bazan mênh mông với độ cao so với mặt biển trên 500 – 2.000 met, khí hậu 2 mùa khô và mưa rõ rệt, không quá nóng sẽ là điều kiện thuận lợi phát triển cà phê, cao su, hồ tiêu, mác-ca, chè, rau, hoa và cây ăn quả lâu năm (mít, bơ, sầu riêng, cây có múi)

1.1. Cây cà phê

Người Pháp đã có công đưa cây cà phê vào Tây Nguyên vào những năm 1940 trở về trước. Tên tuổi cà phê Buôn Ma Thuột, Cầu Đất đã có trên khắp thị trường thế giới, Châu Âu từ thời Pháp.

Do vậy, Tây Nguyên cần khai thác lợi thế và cả dư địa của cây cà phê, của “Con gà đẻ trứng vàng” này. Nên khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê nhân, chế biến cà phê rang xay và các sản phẩm khác từ cà phê, biến Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê Rôbusta và Đà Lạt thành thủ phủ cà phê Arabica của Việt Nam, nâng tỷ lệ chế biến sâu lên 20% thì có thể tạo ra giá trị trên 5 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu hàng năm.

1.2 Cây hồ tiêu

Tây Nguyên đứng đầu cả nước về cả diện tích, sản lượng, chất lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Nếu áp dụng các công nghệ xử lý đất, môi trường đất, tuyến trùng, giống tiêu và chế biến tiêu sọ theo công nghệ Bio-Enzym thì chúng ta có thể đưa kim ngạch hồ tiêu lên 2 tỉ USD/năm. Với các vùng chuyên canh hồ tiêu rộng lớn như Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng với các thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, Đăk R’Lấp…, Tây Nguyên có thể có tên trên bản đồ hồ tiêu thế giới (50% lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới là từ Việt Nam mà trên 60% từ Tây Nguyên và có thể lên 80% trong ít năm tới) nếu có công nghệ tốt trong tất cả chuỗi giá trị kinh doanh sản xuất hồ tiêu Tây Nguyên.

Vườn quốc gia Yok Đôn.

1.3. Cao su Tây Nguyên

Với hàng trăm ngàn hecta, cao su Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông vừa có giá trị phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa tạo ra mủ cao su, gỗ cao su cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tây Nguyên chỉ đứng sau vùng Miền Đông Nam Bộ về diện tích, năng suất và sản lượng cao su.

Tạm thời giá mủ khô cao su đang thấp nhưng rồi sẽ tăng lên vì đó là nhu cầu tất yếu phục vụ công nghiệp ô tô, máy bay, y tế, gia dụng… Vấn đề là cần có chính sách ổn định giữ vững diện tích cao su đang có, khai thác mủ tươi vừa phải để giữ miệng cây, giữ vùng khai thác và gắn với chế biến mủ khô và kêu gọi chế biến sản phẩm hoàn chỉnh từ mủ cao su phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển chế biến gỗ cao su tạo ra đồ mộc, ván gỗ cao su nhân tạo. Kết hợp vườn cao su với chăn nuôi, với trồng xen sắn, đậu đỗ, nuôi gia cầm và ong mật. Cao su vẫn là tiềm năng, vẫn là cơ hội phát triển và là 1 mỏ vàng trắng của Tây Nguyên.

Nên đề xuất một số chính sách với Chính phủ để giữ bằng được hệ thống vườn cây cao su đã trồng, đang khai thác cho trước mắt và lâu dài.

1.4 Cây chè

Cây chè chủ yếu có ở Lâm Đồng và Gia Lai, không có nhiều ở Đăk Lăk, Kon Tum. Chè Bảo Lộc với thương hiệu “B’Lao” do người Pháp đưa vào trồng và chế biến đã nổi tiếng cả Châu Âu. Hiện một số bảo tàng ở Pháp, ở Bỉ đều còn thương hiệu chè “B’Lao” cần khôi phục lại.

Chè Ô Long được đưa vào Tây Nguyên đầu tiên năm 1992 tại thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông, được phát triển rất mạnh và nhanh ở Lâm Đồng và nơi đây đã trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, năng suất và sản lượng chè, đặc biệt là chè Ô Long.

Vấn đề là đổi mới công nghệ chế biến chè cho nội địa và xuất khẩu, gây dựng lại thương hiệu chè “B’Lao”, tổ chức quảng bá, giới thiệu, chào hàng tham gia Hội chợ, kêu gọi nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới vào với Lâm Đồng. Chúng ta có thể kỳ vọng Chè là một sản phẩm hàng hóa có giá trị trong nước và quốc tế với giá trị lên tới 400-500 triệu đô la Mỹ/năm trong tương lai.

Tây Nguyên có những nông sản quý giá

1.5 Cây mác-ca:

Còn quá sớm để kết luận thật chính xác và khoa học về tính phù hợp sinh thái, hiệu quả và giá trị của Mác-ca ở Việt Nam và Tây Nguyên. Nhưng với biệt danh “Nữ hoàng hạt cứng”, Mác-ca đang là một cơn sốt, một cú hích, một phong trào phát triển. Mác-ca được cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa vào thử nghiệm tại Krông Năng, Mađrắc, Đăk R’Lấp của Đăk Lăk vào năm 2002. Đến nay, toàn Tây Nguyên đã có hàng nghìn ha. Khi Tập đoàn Him Lam táo bạo đưa vào dự án phát triển 200.000 ha Mác-ca một cách đồng bộ trên diện rộng ở Lâm Đồng và sẽ lan sang các Tỉnh như Đăk Nông, Đăk Lăk… bao gồm từ nhập giống, sản xuất giống, thành lập viện nghiên cứu đến liên kết với nông dân và nhà nhập khẩu quốc tế, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào mác-ca – một loài cây mới. Nếu thành công ở diện rộng tại Tây Nguyên thì đây sẽ là một dấu ấn phát triển nông nghiệp với cây trồng công nghiệp lâu năm có giá trị cao, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc mác-ca của thế giới.

Theo TS Nguyễn Văn Lạng, nên phát triển từng bước 5.000 ha, 10.000 ha và xem xét, đánh giá tổng kết hiệu quả và nhân rộng lên tới 200.000 ha.

1.6 Rau, hoa ôn đới, á nhiệt đới:

Với các địa danh Đà Lạt, Măng Đen, Bảo Lộc, Ngọc Linh, với đặc điểm khí hậu mát ẩm cộng với đất đai phì nhiêu màu mỡ và kinh nghiệm, kỹ năng làm nông của nông dân Đà Lạt, với những thành tích hàng đầu của thành phố Đà Lạt, chúng ta có thể phát triển thêm rau, hoa với năng suất, chất lượng, sản lượng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Nguyên.

Các phòng nuôi cấy mô, các nhà kính, lưới của Công ty Đà Lạt Haspharm, Công ty Rừng Hoa, diện tích canh tác và gieo trồng rau, hoa đã lên đến gần 6.000 ha, còn có điều kiện lên tới 10.000 ha.

Vấn đề lớn là tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đúc rút bài học, kinh nghiệm, quy trình để nhân rộng ra toàn vùng với những địa phương có tiểu khí hậu á nhiệt đới, ôn đới.

Rau hoa Tây Nguyên cho Tây Nguyên, cho TP.HCM, Hà Nội, và hướng ra xuất khẩu cho các nước trong khu vực và thế giới. Đó là một lợi thế mà ít vùng trên cả nước có được. Cần gắn các nhà khoa học với nông dân, gắn các doanh nghiệp với nông dân. Chúng ta có thể tổ chức một hội thảo phát triển rau, hoa tại Đà Lạt.

Tòa giám mục Kontum

1.7 Cây ăn quả:

Sầu riêng, bơ, mít , chanh dây phát triển khá tốt ở Tây Nguyên. Sầu riêng và bơ ở Tây Nguyên có ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm đồng, Kon Tum. Cả 5 tỉnh đều có điều kiện phù hợp và có lẽ vẫn là vùng có quy mô sản xuất (về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị) lớn nhất của cả nước. Với các công nghệ, kỹ thuật mới trong chiết ghép, thúc ra hoa quả trái vụ, thu hái, bảo quản và phân phối cho thị trường trong nước thì hai loại quả này Tây Nguyên đang là số một. Cần rà soát điều tra, đánh giá lại toàn bộ 5 tỉnh về bơ và sầu riêng, để đưa ra một chương trình tái cơ cấu theo hướng phát triển cả diện tích, năng suất, mùa vụ và chế biến bảo quản. Rồi PR, quảng bá mở rộng thị trường này của Tây Nguyên như Bắc Giang đã làm với vải thiều. Tây Nguyên có thể có một sản phẩm trái cây xuất khẩu bằng quả tươi là sầu riêng và bơ. Cũng đã manh nha có nhà đầu tư công nghệ cao chế biến sâu ra bột bơ, bột sầu riêng bằng sấy bức nhiệt, sấy thăng hoa tạo ra bột dinh dưỡng cao cấp, đồng thời là nguyên liệu cho sản xuất bánh kẹo, bột sinh dưỡng và mỹ phẩm dưỡng da cao cấp.

Nên giao cho một số nhà khoa học, một số doanh nghiệp tập trung vào 2 loại trái cây ưu thế này cho Tây Nguyên.

1.8. Phát triển cây có múi:

Phát triển cây có múi bao gồm cam, quýt, bưởi cho Tây Nguyên với phương châm xen canh, đưa vào chương trình cải tạo vườn tạp. Trên thực tế, cam sành đưa vào Buôn Đôn, Cư Nga của Đăk Lăk, quýt đưa vào Đăk Glong của Đăk Nông, bưởi da xanh đưa vào một nơi khá thành công. Đó là một tia hy vọng mới có thể nghiên cứu đưa các giống của Đồng bằng Sông Mê Kông, của Nghệ An, Hà Tĩnh và Hòa Bình.

Cần mời Viện Cây ăn quả lên Tây Nguyên xem xét thử nghiệm và khuyến cáo cho dân thăm các nông trại, nông dân trồng cây này ở các Tỉnh để họ có thể suy nghĩ thử nghiệm và phát triển cây có múi ở Tây Nguyên góp phần đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, hàng hóa, mùa vụ và góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Hang động Chư Bluk (Đắk Nông).

1.9. Cây lương thực, thực phẩm

Tây Nguyên là vùng sản xuất ngô lớn nhất Việt Nam, cần giữ vững các cánh đồng ngô lớn ở Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, có thể đưa năng suất sản lượng cao gấp 1,5 – 2 lần hiện tại. Vấn đề là giống, chuyển đổi diện tích lúa nước bấp bênh sang trồng ngô lai, có thể suy nghĩ và đưa ngô biến đổi gen vào trồng tại Tây Nguyên.

Các loại đậu, đỗ cũng là thế mạnh của Tây Nguyên. Tại Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, có nhiều vùng chuyên canh đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ khá lớn. Sản lượng đậu đỗ Tây Nguyên đứng hàng thứ 2, thứ 3 của cả nước.

Nên xem xét và áp dụng các công nghệ mới như giống, mùa vụ, chế độ tưới nước, bón phân sử dụng chế phẩm sinh học.

Các loài cây trồng khác cũng cần lưu ý phát triển ổn định, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy như sắn, mía, ca cao….

1.10. Phát triển chăn nuôi đại gia súc:

Đặc biệt là đàn bò địa phương, bò lai Sind, Zibu và chương trình nhập bò gầy về vỗ béo của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Trường Thành….

1.11. Phát triển rừng

TS Nguyễn Văn Lạng có một bài viết năm 2012 về phát triển rừng ở Tây Nguyên. Nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đóng cửa rừng, TS Nguyễn Văn Lạng có ý kiến ngắn là nên xử lý triệt để hệ thống các lâm trường theo hướng là giao lại rừng cho cộng đồng, giao cho công ty có tiềm lực quản lý kinh doanh có lãi và không mất hoặc thu hẹp diện tích rừng tự nhiên hiện còn có. Rừng tự nhiên còn lại có thể tổ chức đấu giá, cho thuê 50 năm rồi lấy tiền xây dựng quỹ phát triển bảo vệ rừng Việt Nam cũng như thu nhập từ dịch vụ rừng.

Huyền thoại hồ Lắk – Buôn Jun (Đắk Lắk).

Phải kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy gỗ MDF, HDF, ghép thanh, mộc xuất khẩu tại Tây Nguyên. Khuyến khích, kêu gọi nhân dân trồng rừng keo, bạch đàn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy.

Nên tổ chức Hội thảo tại An Khê về mô hình trồng rừng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy ván MDF của Vinafort.

1.12. Phát triển dược liệu đặc hữu Tây Nguyên

Do điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái, địa hình và các yếu tố khác, Tây Nguyên đang lưu giữ và tồn tại nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm có nhiều hoạt chất tốt có thể tạo ra các sản phẩm dược phẩm cao cấp độc nhất vô nhị của Việt Nam và thế giới.

Trước hết là sâm Ngọc Linh. Đây là loại sâm quý hiếm đã đang được khai thác kiệt quệ ở rừng, song cũng đang được trồng nhân tạo quy mô lớn. Sâm Ngọc Linh có Saponin cao nhất trong các lại sâm trên thế giới, gấp nhiều lần sâm cao ly của Hàn Quốc. Chúng ta có thể gây trồng, thu hái, chế biến, điều chế đặc dược giúp trẻ hóa và cải lão hoàn đồng, hỗ trợ bệnh nhân suy kiệt do bệnh, do xạ trị, hóa trị trong ung thư.

Mật nhân – cây trị bá bệnh – là dược liệu chủ yếu để tạo ra sâm Alipas nổi tiếng cũng có nhiều ở Tây Nguyên, có thể thu hái với sản lượng hàng năm và gây trồng công nghiệp và chế biến được.

Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum).

Vàng đắng, các loại sâm khác trong rừng, mã tiều, cà đắng, chó đẻ, ngũ ta bì, hà thủ ô, pháo tam xuân và nhiều loại nữa.

Cần có hẳn một chương trình điều tra, đánh giá, nghiên cứu gây trồng, phân tích hoạt chất, tạo ra thực phẩm chức năng, dược phẩm. Kết hợp với điều tra thống kê, lên lý lịch các thầy thuốc dân gian, “thầy lang vườn” có khả năng chữa được nhiều bệnh tật cho dân, bao gồm cả bệnh hiểm nghèo.

Nên có một chương trình nghiên cứu, bào chế các dược phẩm, thực phẩm chức năng mang thương hiệu các địa danh, danh nhân Tây Nguyên cũng là một hướng đi đáng quan tâm.

Tóm lại, nông nghiệp vẫn là thế mạnh, vẫn còn tiềm năng, vẫn còn dư địa phát triển và sẽ là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững Tây Nguyên.

2. Về công nghiệp của Tây Nguyên

Ở bài này, TS Nguyễn Văn Lạng đã nêu ý kiến là nên thống kê và rà soát lại các hệ thống thủy điện toàn vùng. Có thể đề nghị EVN tổ chức Hội thảo đánh giá mọi mặt việc phát triển thủy điện, nhiệt điện Tây Nguyên để có đề xuất mới đúng đắn cho Điện lực Tây Nguyên.

Thác Datanla (Đà Lạt – Lâm Đồng).

Nên xem lại có nên phát triển các khu công nghiệp ở Tây Nguyên không? Các cụm công nghiệp ở tuyến huyện không? Thành công hay thất bại mấy chục năm qua cho phong trào xây dựng các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Có nên chăng chỉ tập trung cho 2 khu công nghiệp bô-xít Lâm Đồng, Đăk Nông và các nhà máy chế biến nông lâm sản? Vật liệu xây dựng thì xây dựng đơn lẻ tại các trung tâm vùng nguyên liệu với điều kiện điện, nước, giao thông phù hợp cho Tây Nguyên sẽ tốt hơn nhiều.

3. Vấn đề môi trường

Nếu nhìn bằng mắt thường, bằng cảm quan thì ta có thể nói “môi trường Tây Nguyên vẫn tốt nhất Việt Nam” song nếu đi sâu vào nghiên cứu đánh giá thì quả là tiềm ẩn một hiểm họa có thể như một quả bom nổ chậm cho toàn vùng và cho đồng bằng duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ, TP.HCM.

Độ che phủ rừng Tây Nguyên giảm mạnh những năm gần đây và gần45 năm qua. Khi mới giải phóng độ che phủ rừng ở Tây Nguyên là trên 85%, nay chỉ còn 39% và có thể thực tế thấp hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài Nguyên Môi trường công bố. Mất rừng, mất vùng sinh thái tự nhiên vốn có kéo theo bao hệ lụy như môi trường, chế độ mưa, gió, nắng, bốc hơi, lũ lụt, sa mạc hóa, độ phì nhiêu của đất giảm đáng kể, xói mòn rửa trôi cả bề mặt và tầng sâu hàng triệu m3/năm. Nhiệt độ không khí Tây Nguyên đã tăng lên, và biên độ dao động nhiệt độ theo mùa, ngày và đêm đã khác trước theo hướng bất lợi cho sức khỏe con người, vật nuôi. Đa dạng sinh học bị mất cân bằng, nhiều động thực vật quý hiếm biến mất, hoặc giảm sút đáng kể.

Hàng triệu ha đất nông nghiệp không có rừng phòng hộ, không có hàng cây che bóng chắn gió đang có nguy cơ giảm năng suất chất lượng sản phẩm nông sản. Hàng triệu héc ta đất canh tác toàn vùng hàng năm đã bị hàng chục triệu tấn phân vô cơ, hàng triệu lít, hàng ngàn tấn thuốc trừ sâu bỏ xuống hàng năm. Cây trồng đâu có dùng hết. Chúng ta không bón phân cân đối. Không bón theo nhu cầu cây trồng, không có kiểm soát, quản trị được tiêu chuẩn định lượng phân bón, thuốc trừ sâu đã làm ô nhiễm đất, nước, không khí. Tồn dư vào sản phẩm nông nghiệp quá lớn.

Hàng triệu tấn phụ phẩm phế thải nông nghiệp thải ra chưa đưa công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm phụ thu cho nền kinh tế. Chủ yếu là đốt, chất đống ngoài đồng, ven đường, gây thối mục, ô nhiễm, tạo ra các độc tố cho đất, nước và không khí. Và môi trường đất đã biến đổi sâu sắc theo hướng xấu. Độ PH đất đã thay đổi, hầu hết là giảm, có nơi độ PH chỉ còn 3,5 – 4 nên đất chua, gây ra bệnh lý cây trồng, làm cho vi sinh vật có hại phát triển và tạo ra bệnh cây chết hàng loạt.

Hàng triệu mũi khoan nước ngầm tưới cà phê đã chọc thủng tầng nước ngầm cả Tây Nguyên hàng ngày, hàng giờ. Thủy văn Tây Nguyên đã thay đổi so với nguyên thủy của nó do thủy điện quá nhiều, do khoan nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thật là một nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng tới an sinh, an toàn Tây Nguyên, tạo ra các mùa khô hạn hán quá mức và mùa mưa có lũ quét, lũ ống, xói mòn rửa trôi đất, cát.

Việc các đô thị phát triển, các dự án công nghiệp bô-xít, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng đã góp phần tạo nguy cơ mất an toàn môi trường Tây Nguyên và cho các vùng khác.

Rác thải cả Tây Nguyên là 400.000-500.000 tấn/năm. Chưa có nơi nào quan tâm đúng mức tới đầu tư thu gom xử lý rác hợp vệ sinh và khoa học cả, hầu hết là thu gom, vận chuyển đổ vào một khu vực ngoại ô đô thị gây ra ô nhiễm không khí, đất, côn trùng có hại phát sinh, mùi hôi thối bốc lên. Các bệnh viện chưa quan tâm đầu tư lựa chọn công nghệ tốt, phù hợp để xử lý rác thải, nước thải. Thật là một nguy cơ cho các ổ dịch phát sinh.

Thung lũng Tình Yêu (Lâm Đồng).

Có lẽ đã đến lúc phải xây dựng một chương trình quốc gia xử lý toàn diện môi trường cho cả vùng Tây Nguyên. Trước mắt nên tổ chức hội nghị bàn về vấn đề hiện trạng, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường Tây Nguyên khi còn chưa muộn.

4. Các vấn đề xã hội cho Tây Nguyên

Chắc chắn vì Tây Nguyên quá rộng, quá màu mỡ nên dân di cư của cả nước tới lập nghiệp tại đây, có lẽ chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, làm cho Tây Nguyên phát triển nóng, kéo theo bao nhiêu hệ lụy: rừng bị mất gần hết, đất đai khai phá canh tác không theo quy hoạch, không đúng kỹ thuật, lợi bất cập hại, không lo lâu dài mà lo trước mắt, cơ cấu dân tộc trong cộng đồng cư dân 5 tỉnh đã thay đổi. Chênh lệch phân hóa giàu - nghèo, đô thị - nông thôn càng ngày càng xa, tôn giáo phát triển khó kiểm soát được, nhất là Tin Lành.

Chắc chắn phải có tổng hợp đánh giá đề xuất đề xuất các chủ trương về di dân, đất đai cho đồng bào dân tộc ít người, tôn giáo, luật pháp và luật tục. Nên lấy từ các báo cáo khoa học trong chương trình Tây Nguyên 3 để làm lại tài liệu ban đầu tham khảo. Trung ươngnên có một hội nghị chuyên về vấn đề các chủ trương an sinh trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

5. Phát triển du lịch, dịch vụ

Các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi thế phát triển du lịch dịch vụ - ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt là với điều kiện địa hình, khí hậu, văn hóa dân tộc ít người thì cần phải được khai thác, đầu tư, và tổ chức ngành du lịch phát triển cao và bền vững.

Tập trung cho du lịch ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Kon tum, tất nhiên là cả những tỉnh còn lại (Đăk Nông, Gia Lai). Với lợi thế của Tây Nguyên là các danh lam thắng cảnh, với các đỉnh núi cao Lang Biang, Ngọc Linh, Chư Giang Sing, Tà Đùng, Măng Đen, với các cao nguyên Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột; các miệng núi lửa với các cánh rừng thông đại ngàn, các rừng nguyên sinh lá rộng nhiệt đới mưa mùa, rừng nửa rụng lá (khộp), các đồi chè xanh Bảo Lộc, các rừng cà phê Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên có thể có du lịch sinh thái thiên nhiên, thực vật. Tổ chức các tour rừng thông, tour rừng khộp, leo núi cao, tour chè Bảo Lộc, nhất là mùa khô, “mùa con ong đi lấy mật” với màu vàng rực của Cúc Quỳ có thể là tour du lịch, mùa du lịch Cúc Quỳ, du lịch mưa Đà Lạt.

Các thác nước ở Tây Nguyên đẹp ít có nơi nào bằng: Đrây sáp, Gia Long, Đam bri, Pren, Cam Ly….

Các văn hóa lễ hội, văn hóa dân tộc: Ăn trâu (đâm trâu), thổi tai, cúng Giàng, bỏ mả, cưới voi, đua voi, cồng chiêng, múa xoang… đều có thể tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo mà chỉ Tây Nguyên mới có. Rồi thổ cẩm, dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, kể Khan đều là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Lâm Đồng có lễ hội hoa, Đăk Lắk có lễ hội cà phê, Đắk Nông có hang động núi lửa Ba Zan, Kon Tum có nhà Rông, Tòa Giám mục, Nhà Thờ gỗ. Gia Lai có Biển Hồ đều là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Các con đường quốc lộ 19, 20,14, 27. 28, 26… đều là những con đường tuyệt đẹp, có nhiều đoạn đẹp như phim trường, nhất là qua các đèo như đèo chuối, đeo Pren, Đèo Sông Pha, đèo Phượng Hoàng, đèo An Khê…

Và còn bao nhiêu địa danh lịch sử như Ngục Kon Tum, Nhà đầy Buôn Ma Thuột, 10 công trình kiến trúc đặc biệt của Đà Lạt đều là những sản phẩm du lịch tuyệt vời.

Tây Nguyên nên có một chương trình phát triển du lịch toàn diện và toàn vùng. Cần sớm tổ chức giới thiệu, quảng bá bằng cách xây dựng các video clip, các phóng sự, hoặc mời các hãng phim lớn tới Tây Nguyên quay các bộ phim “bom tấn” và phải quảng bá du lịch Tây Nguyên trên truyền hình Việt Nam và thế giới. Trung ươngnên tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyền đề về du lịch Tây Nguyên.

6. Đối ngoại cho Tây Nguyên

Đã đến lúc Tây Nguyên phải mở cửa, bình đẳng như các vùng, các tỉnh khác của cả nước để cho người nước ngoài vào du lịch, làm ăn, nghiên cứu và đầu tư. Nên phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh để đưa ra các chủ trương, bước đi cho vấn đề này. Đây là “Vấn đề nhạy cảm” lâu nay của Tây Nguyên phải khai thác nhằm đưa Tây Nguyên tham gia hội nhập sâu cùng cả nước.

7. Các giải pháp lớn cho phát triển

7.1. Tập trung xây dựng, mở rộng hệ thống đường bộ cho Tây Nguyên

Các Quốc lộ lớn như 14, 19, 20, 26 cần phải được mở rộng thành các cao tốc để nối Tây Nguyên với các vùng của cả nước. Các quốc lộ liên tỉnh phải mở rộng, ít nhất là quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Nên sớm làm đường sắt lên Tây Nguyên, mở rộng và nâng cấp tiếp các sân bay Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku. Có thể mở lại sân bay Nhân Cơ (Đăk Nông), đồng thời phát triển mạnh mẽ những hạ tầng quan trọng, đảm bảo chất lượng điện, viễn thông, truyền thông…

7.2. Nên nghiên cứu có hẳn một Chương trình hoặc Dự án cho phát triển khoa học công nghệ cho Tây Nguyên, bằng việc củng cố các viện nghiên cứu đã có, các đại học đã có và cho mở thêm các viện nghiên cứu chuyên ngành cà phê, chè, mac ca, rừng; các viện nghiên cứu về các đặc thù xã hội, văn hóa, an ninh Tây Nguyên. Phải đưa khoa học và công nghệ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là nông lâm nghiệp và môi trường, công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Cần có cơ chế để các Viện khoa học kỹ thuật Trung ương vào Tây Nguyên. Cần xem lại, đánh giá lại kết quả Chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2, theo hướng công nghệ kỹ thuật ứng dụng, chuyển giao cho sản xuất để xử lý các bất cập và các vấn đề thách thức Tây Nguyên.

Khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp lớn đưa công nghệ, các dự án lớn vào phát triển Tây Nguyên.

7.3. Đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, kêu gọi tăng nguồn nhân lực ở tất cả các lĩnh vực cho Tây Nguyên.

Cách làm tốt nhất là liên kết với các tỉnh, thành phố, các bộ ngành để có các hợp tác liên doanh, liên kết cùng phát triển: ví dụ như bệnh viện khám chữa bệnh (kiểu mô hình bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai với Đại học y dược TP.HCM).

Cần kêu gọi, hoặc tổ chức 01 cuộc hội nghị mời các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT, Hòa Phát, VinGroup, Vinamilk, TH True Milk, Him Lam… bàn cách đầu tư theo phương thức cổ phần góp bằng đất của nông dân cùng có lợi cùng phát triển, tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm lớn tập trung, có thương hiệu.

Cần có chính sách thu hút, đào tạo các bộ quản lý khoa học công nghệ cho Tây Nguyên, trong đó ưu tiên cho đồng bào dân tộc tại chỗ.

7.4. Giải quyết thật tốt vấn đề đất đai của Tây Nguyên

Hiện tại với gần 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, gần 3 triệu ha gieo trồng và dân số 5 triệu người, Tây Nguyên là vùng nông nghiệp có mức bình quân diện tích nông nghiệp cao nhất cả nước. Tuy nhiên. có nhiều nguyên nhân, cả về lịch sử và chính sách, cả các yếu tố biến động do dân số tăng và đang tạo ra các bất cập lớn về đất.

Diện tích đất các nông lâm trường quá lớn, hiệu quả thấp trong khi nhân dân thiếu đất, hoặc mất đất. Đất rừng vẫn chưa có chủ thực sự. Vì thế, phải xử lý quản lý đất đai một cách khoa học, ưu tiên đất cho đồng bào tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc ít người, có lẽ đã đến lúc phải xử lý đất, rừng, kinh tế của các nông lâm trường quốc doanh giao lại cho dân. Cần đề xuất sửa Luật bảo vệ phát triển rừng theo hướng chia rừng thành 2 loại: rừng quốc gia và rừng của các thành phần kinh tế (thay vì là 03 loại rừng như hiện nay: rừng phòng hộ, rừng đa dụng và rừng kinh tế)

Song song với vấn đề giao đất cho dân là các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, cho vay vốn để dân có điều kiện canh tác hiệu quả. Có thể áp dụng cả mô hình đồng bào tham gia cổ phần bằng đất vào các Công ty (phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là của dân). Giao rừng kinh tế cho dân tộc tại chỗ, quản lý bảo vệ khai thác theo đúng quy định của luật pháp.

7.5. Kiểm soát và xử lý vấn đề di dân tự do đến Tây Nguyên bằng các chính sách cả đầu đi và đầu đến. Ở đầu đi, nên có chính sách tốt cho họ ở lại quê làm ăn, làm giàu, hạn chế di cư tự do. Nhưng nếu họ di cư thì đó là quy luật của loài người của toàn cầu. Phải kiểm soát và chủ động xử lý các điều kiện ăn ở và canh tác. Cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để họ sớm ổn định cuộc sống.Vấn đề là không làm nảy sinh mâu thuẫn với dân tại chỗ. Tạo ra một cộng đồng các dân tộc đa dạng nhưng thống nhất về làm ăn, sinh sống trong không gian sinh tồn và phát triển.

Để đảm bảo phát triển bền vững Tây Nguyên thì vấn đề sống còn là ổn định mọi mặt của đồng bào dân tộc ít người tại chỗ của 5 tỉnh Tây Nguyên (vấn đề là đất đai, kinh tế đời sống, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo).

Có kinh tế xã hội ở Tây Nguyên ổn định và phát triển bền vững, chúng ta sẽ có điều kiện rất lớn để phát triển kinh tế xã hội cả nước ổn định và bền vững trên đôi cánh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

TS Nguyễn Văn Lạng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tây Nguyên và sự phát triển bền vững