Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến Vinashin.

Vinashin/SBIC tự ý 'tiêu pha' hơn 6.000 tỉ đồng của Nhà nước

tuyetnhung | 23/01/2020, 06:18

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến Vinashin.

Ngày 22.1, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và số tiền 4.100 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu (Vinashin/SBIC).

Tự ý gửi tiền tại OceanBank để thu lãi

Theo Thanh tra Chính phủ, Vinashin đã nhận hơn 2.200 tỉ đồng tạm ứng từ PVN nhưng không mở tài khoản để theo dõi đặc biệt mà sử dụng tài khoản chung mở tại Ngân hàng Oceanbank (theo dõi chung cho tất cả các nguồn thu khác).

Trên sổ sách kế toán tại Vinashin cũng không theo dõi riêng, cụ thể việc thu, chi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát nguồn tiền này.

Điển hình là việc Vinashin đã sử dụng 166,22 tỉ đồng từ nguồn 2.200 tỉ đồng để chi hỗ trợ các đơn vị thi công hoàn thiện 19 tàu dự kiến bàn giao năm 2011, trong khi đã đề nghị, phê duyệt sử dụng nguồn 4.190 tỉđồng, cho thấy việc theo dõi, sử dụng các nguồn tiền của Vinashin không chính xác.

Mặc dù Vinashin đề nghị Thủ tướng Chính phủ “trong thời gian nhàn rỗi cho phép Vinashin được sử dụng công cụ tiền gửi có kỳ hạn tại Oceanbank để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, tuy chưa được Thủ tướng đồng ý nhưng Vinashin đã gửi tiền có kỳ hạn tại Ngân hàng Oceanbank để thu lãi.

Số lãi thu phản ánh trên sổ sách là 436,616 tỉ đồng; đã chi 114,617 tỉ đồng cho các hoạt động của đơn vị. Đáng chú ý là một số cá nhân thuộc Vinashin đã chiếm đoạt tiền lãi ngoài hợp đồng do Ngân hàng Oceanbank chi trả, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với khoản tiền 4.190 tỉ đồng, theo Thanh tra Chính phủ, Vinashin/SBIC cũng không theo dõi riêng mà sử dụng 1 tài khoản tại Ngân hàng Oceanban; xây dựng phương án sử dụng vốn có nhiều nội dung thiếu căn cứ, không phù hợp nguyên tắc sử dụng vốn tạm ứng (yêu cầu phải thu hồi đủ vốn hỗ trợ), một số tàu được hỗ trợ từ nguồn 4.190 tỉ đồng nhưng thực tế không triển khai.

Cụ thể, nhiều số liệu đưa vào để xác định nhu cầu hỗ trợ vốn và tính toán hiệu quả không có cơ sở, không sát với thực tế (như: về tổng dự toán; số vốn các đơn vị có thể thu xếp được từ nguồn chủ tàu, vay từ ngân hàng; giá bán dự kiến; giá trị thanh lý), dẫn đến quá trình thực hiện phải nhiều lần phê duyệt điều chỉnh, bổ sung.

Vinashin đề xuất (được Bộ Giao thông vận tải xác nhận) sử dụng nguồn 4.190 tỉ đồng hỗ trợ cho 43 tàu (24 tàu dự kiến bàn giao năm 2011 và 19 tàu dự kiến bàn giao năm 2012), nhưng thực tế Vinashin sử dụng vốn 4.190 tỉ đồng hỗ trợ cho 32 tàu, trong đó 30 tàu trong Danh sách các tàu được Bộ Giao thông vận tải xác nhận, 2 tàu ngoài danh sách và tự điều chỉnh tăng, giảm (không kể hỗ trợ đóng 9 tàu cá mẫu)…

Thanh tra Chính phủ chỉ ra, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nguồn tạm ứng 4.190 tỉ đồng là để Vinashin tập trung phục vụ ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và hoàn thành các hợp đồng đóng tàu dở dang. Nhưng khi tiếp nhận 4.190 tỉ đồng, Vinashin đã sử dụng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đến 30.6.2018 còn dư 1.748,957 tỉ đồng tại Oceanbank (trong đó có 1.050,4 tỉ đồng từ nguồn 4.190 tỉ đồng).

Đến khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg thì SBIC đã không thu hồi được khoản tiền 1.050,4 tỉ đồng từ nguồn 4.190 tỉ đồng gửi tại Oceanbank để nộp về Bộ Tài chính, có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn, phải được điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số cá nhân của Vinashin đã chiếm đoạt khoản tiền Oceanbank chi lãi suất ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, hiện đang được cơ quan tố tụng xử lý. Thanh tra Chính phủ xác định, trách nhiệm chính thuộc về các ông: Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐQT/HĐTV Vinashin, Trương Văn Tuyến - Tổng giám đốc, Phạm Thanh Sơn Phó tổng giám đốc, Trần Đức Chính - Trưởng ban Tài chính kế toán.

Kiến nghị điều tra 2 vụ việc

Thanh tra Chính phủ cho biết, đối với một số cá nhân của Vinashin chiếm đoạt tiền lãi ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra xử lý theo quy định về các dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với 2 vụ việc:

Thứ nhất, việc lập, sử dụng các chứng từ, tài liệu để rút từ nguồn vốn 4.190 tỉđồng, gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn tại Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 15.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ thiệt hại trên 1.050 tỉ đồng gửi tại ngân hàng Oceanbank.

Thứ hai, việc hỗ trợ hoàn thiện tàu 700TEU NT29 tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủyNam Triệu, lỗ 456,9 tỉ đồng, thiệt hại số tiền đã hỗ trợ trên 151,7 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo SBIC khẩn trương nộp về Bộ Tài chính số tiền trên 1.578 tỉ đồng để hoàn trả 4.190 tỉ đồng cho Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương.

Tập trung thu hồi các khoản tiền hỗ trợ từ nguồn 2.200 tỉ đồng, nguồn 4.190 tỉ đồng và các nguồn khác từ các đơn vị thành viên, nộp về Bộ Tài chính để hoàn trả nguồn 4.190 tỉ đồng, trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn của SBIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt có phương án xử lý đối với các tàu đã hoàn thiện nhưng chưa bán, thanh lý được, trong đó có 4 tàu cá vỏ thép đang thu giữ để giảm thiểu thiệt hại, đôn đốc thu hồi nợ đối với các tàu cá vỏ thép còn lại, thực hiện quyết toán dự án FSO-5 và chỉ đạo các đơn vị quyết toán các dự án đóng tàu có sử dụng vốn hỗ trợ, đảm bảo theo đúng quy định.

PVN và SBIC phải khẩn trương xác định, đối chiếu công nợ liên quan đến việc chuyển giao doanh nghiệp/dự án; có biện pháp xử lý thanh toán nợ cho SBIC, xử lý các vướng mắc, tồn tại trong quá trình chuyển giao; hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận tài sản từ Vinashin/SBIC theo đúng quy định của Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo SBIC khẩn trương xây dựng phương án thu hồi nợ; chủ trì đánh giá, tổng kết thưc hiện đề án tái cơ cấu SBIC, trong đó có việc xác định lại vốn điều lệ của SBIC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo tái cơ cấu SBIC xem xét, xử lý trong quá trình tái cơ cấu SBIC.

Bộ Tài chính xem xét, có phương án xử lý đối với các khoản tiền gửi ngân hàng mà SBIC và các đơn vị thành viên đã thu, đã sử dụng một phần, trong đó: lãi nguồn 4.190 tỉ đồng đã thu trên 1.021 tỉ đồng, đã sử dụng trên 150 tỉ đồng; lãi nguồn 2.200 tỷ đồng đã thu trên 436,6 tỉ đồng, đã sử dụng 114,6 tỉ đồng; lãi từ nguồn hỗ trợ nộp thuế các đơn vị thành viên đã thu 25 tỉ đồng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với khoản tiền 1.738 tỉ đồng (đến 30.6.2018 là 1.748,957 tỉ đồng) của SBIC tại OceanBank theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và số tiền mà SBIC đang gửi tại các ngân hàng; kiểm tra việc BIDV Bắc Hà Nội cho Vinashin vay ngắn hạn thực hiện dự án FS05 để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinashin/SBIC tự ý 'tiêu pha' hơn 6.000 tỉ đồng của Nhà nước