Tết Nguyên đán là dịp tề tụ người thân, chia sẻ tâm tình sau nhiều ngày xa cách. Tuy nhiên, đối với cộng đồng LGBT, những lời hỏi thăm như thế đôi khi rất phiền toái.
Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của Trung Quốc. Năm nay, nó đã bị lu mờ trước sự ảnh hưởng của vi rútcorona dẫn đến rất nhiều người không thể trở về quê sum họp gia đình. Tuy nhiên, đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới), gặp mặt người thân vào những ngày đầu năm không phải lúc nào cũng vui vẻ do họ thường vấp phải không ít câu hỏi không mong muốn.
“Đối với nhiều bậc phụ huynh, có con là LGBT đồng nghĩa với tận thế”, Fan Popo – một nhà làm phim và hoạt động xã hội đến từ tỉnh Sơn Đông – cho biết. “Kể từ tuần trước, tôi đã nhìn thấy nhiều người LGBT than phiền ngay khi vừa về tới quê. Câu hỏi đặc biệt phiền toái và được hỏi nhiều nhất chính là "Khi nào kết hôn?”.
Tại Trung Quốc, hành vi đồng tính luyến ái đã được hợp pháp hóa từ hơn 2 thập niên và Hiệp hội Tâm thần Trung Quốc cũng loại nó ra khỏi danh sách các căn bệnh vào năm 2001. Thế nhưng, hôn nhân đồng giới chưa được công nhận và người LGBT vẫn phải vật lộn với các giá trị Nho giáo lâu đời để có thể sống thật với chính mình.
Theo một báo cáo được thực hiện vào năm 2016 bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, chỉ có 15% cộng đồng LGBT từng công khai với ít nhất một người thân trong gia đình.
“Bên cạnh những người LGBT công khai sống tự hào cũng là những người LGBT lo sợ tính mạng của họ bị đe dọa nếu sự thật bị phơi bày”, Xie Xiao – thành viên của tổ chức CINEMQ – cho biết.
Một quảng cáo Tết Nguyên đán hiếm hoi có hình ảnh người đồng tính
Sự hỗ trợ của các công ty lớn
Vài năm gần đây, có không ít công ty lớn đã ủng hộ cộng đồng LGBT tại Trung Quốc. Ngoại trừ nhiệm vụ đạo đức xã hội, họ còn nhắm đến tiềm năng kinh tế to lớn của cộng đồng này.
Năm 2015, Alibaba tổ chức một sự kiện đưa 7 đôi đồng tính bay đến Mỹ để tổ chức kết hôn. Nike thì cung cấp áo thun cho Shanghai Pride.
Ông Tim Hildebrandt – Giáo sư thỉnh giảng tại Trường kinh tế London nói rằng các công ty Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của cộng đồng LGBT như các công ty phương Tây. “Đằng sau sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBT là mục tiêu theo đuổi ‘đồng nhân dân tệ hồng’ (pink yuan). Bất kể bạn tin rằng kiếm tiền từ người đồng tính là tốt hay xấu thì cả hai đều dẫn đến kết quả đôi bên cùng có lợi”, Hildebrandt nói với BBC.
Fan Popo lại cho rằng: “Đó không phải là về quyền lợi của cộng đồng LGBT. Họ biết chúng tôi có tiền và trục lợi từ nó. Chúng tôi tới nay vẫn chưa có quyền nào trong khi thì tiền được trao vào túi của họ. Tôi mong muốn có thể nhìn thấy người LGBT nghèo khổ hay người chuyển giới không nhà kiếm được cách để sống sót”.
Mặc dù vậy, bất chấp sự chuyển biến tích cực, Tết Nguyên đán vẫn là khoảng thời gian đầy căng thẳng đối với nhiều người LGBT.
“Tôi công khai cách đây 10 năm ngay trong dịp Tết”, Fan Popo nói. “Đó không phải là thời điểm thích hợp nhưng khi bạn có quá nhiều áp lực, rất khó để che giấu thêm nữa”.
Mai Thảo