Sự chính thức mở cửa mới đây của Myanmar từ tình trạng đóng cửa kinh tế trong hàng chục năm trước đó đã biến quốc gia này trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu.

Thách thức mới với Myanmar: Giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài

Nhàn Đàm | 19/03/2017, 14:29

Sự chính thức mở cửa mới đây của Myanmar từ tình trạng đóng cửa kinh tế trong hàng chục năm trước đó đã biến quốc gia này trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu.

Các tập đoàn, công ty và nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới ngay lập tức đã đổ về Myanmar bởi vô số những tiềm năng chưa được khai thác của quốc gia Đông Nam Á này, đó là tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số đông và giá thành lao động thấp. Nhà hàng thức ăn nhanh đầu tiên của hãng KFC chính thức khai trương vào năm 2015, các nhãn hiệu nổi tiếng của phương Tây và châu Á khác ở thời điểm hiện tại gần như đều đã xuất hiện tại Yangon – thành phố lớn nhất Myanmar. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Myanmar có thể đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 7% từ nay đến năm 2019, và có thể còn cao hơn trong những năm sau đó, là một dấu hiệu tốt và đầy hy vọng cho nền kinh tế nước này cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những phấn khởi và kỳ vọng lớn ban đầu về triển vọng ổn định và phát triển về lâu dài của nền kinh tế Myanmar đang có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại Myanmar có dấu hiệu đóng băng trong khi đồng nội tệ của nước này lại đang mất giá, khả năng tài chính của Chính phủ cũng trong tình trạng căng thẳng. Một nỗi lo lắng chung được chia sẻ bởi các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà hoạch định chính sách và các nhà điều hành, rằng chính phủ Myanmar hiện nay do liên minh của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đang thiếu đi một chiến lược cụ thể và cần thiết về phát triển nền kinh tế đất nước. Chính phủ Myanmar đã nhận được một số lời khen ngợi khi đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 4 tới, nhưng tình trạng nền kinh tế vẫn còn rất bộn bề. Một trong số những lỗ hổng lớn nhất của hệ thống điều hành kinh tế Myanmar hiện nay là ngành thuế rất lạc hậu, hệ thống tài chính vẫn chưa được cải tổ và đặc biệt là các bộ luật và quy định về kinh doanh.

Thiri Thant Mon, một cựu quan chức tại Morgan Stanley và hiện là giám đốc công ty đầu tư Sandanila Partners có trụ sở tại Yangon cho biết, “chính phủ Myanmar đang mất dầnkhả năng điều hành nền kinh tế ở tầm vĩ mô. Không có bất cứ một sự ráp nối cần thiết nào về chính sách cũng như giữa các bộ luật và quy định”. Ngân hàng Thế giới vào tháng 1 năm nay cũng đã kêu gọi tăng cường sự minh bạch và công khai các chính sách điều hành kinh tế của chính phủ Myanmar. Đại sứ Anh ở Myanmar, Andrew Patrick, trong một hội nghị đầu tư ở Myanmar mới đây đã cho biết, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này không đưa ra được một chính sách kinh tế rõ ràng, và điều này đang gây trở ngại lớn cho các nhà đầu tư quốc tế muốn tìm hiểu và tìm cơ hội hợp tác.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo và đặc biệt là vấn đề bạo lực vẫn đang tồn tại ở quốc gia đa văn hóa này, nơi các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 1/3 dân số Myanmar hiện nay. Nó cản trở nghiêm trọng quá trình phát triển kinh tế tại đây, nhất là khi Myanmar hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Myanmar hiện có khoảng 54 triệu dân và GDP bình quân đầu người hiện chỉ là khoảng 1.161 USD/người/năm.

Ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực được xem là đi đầu và thu hút được lượng đầu tư đáng kể nhất là viễn thông. Dân số đông và có thu nhập đủ để trang trải các dịch vụ viễn thông có giá thành phải chăng đang biến Myanmar trở thành thị trường hấp dẫn nhất với các tập đoàn viễn thông toàn cầu. Viettel, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam hoạt động trên khắp châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi đang bắt tay thực hiện dự án đầu tư với tổng giá trị lên tới hơn 2 tỉ USD vào Myanmar, biến quốc gia này thành thị trường lớn nhất chỉ sau thị trường nội địa ở Việt Nam của tập đoàn này.

Các dấu hiệu tích cực khác cũng bắt đầu xuất hiện, nhưng khá lẻ tẻ. Một thị trường chứng khoán đã được mở cửa, nhưng mới chỉ có 4 công ty niêm yết cho thấy vẫn còn rất nhiều rào cản và khó khăn trong việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp tại Myanmar. Hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tại Myanmar hiện vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa và lên sàn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đó có thể là lý do khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Myanmar sau khoảng thời gian đầu rất sôi động đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng. Trong giai đoạn từ tháng 3.2015 đến tháng 3.2016 đã có khoảng 9,4 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường Myanmar sau khi nước này chính thức mở cửa, nhưng tính đến thời điểm tháng 3.2017 con số này giảm xuống chỉ còn 5,8 tỉ USD mà thôi.

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài vào Myanmarrất thiếu cân bằng, 80% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào một số ít các lĩnh vực như dầu, khí đốt, điện và viễn thông, số dự án này chỉ chiếm khoảng 7% tổng số dự án đầu tư. Điều này khiến cho nền kinh tế vừa phát triển thiếu cân đối và lại vừa dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế nếu như ngành năng lượng vì lý do nào đó bị sụt giảm.

Các thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế của Myanmar hiện nay là rất nhiều. Hiện hơn ¼ dân số Myanmar sống dưới chuẩn nghèo và khó có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản, hệ thống cơ sở hạ tầng rất thiếu thốn khi hệ thống đường xá chỉ mới đạt khoảng 40%, một nửa các vùng nông thôn nơi đang có 20 triệu người sinh sống gần như chưa có bất cứ đường xá nào. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, từ nay đến năm 2030 Myanmar sẽ cần khoảng 120 tỉ USD cho các nhu cầu xây dựng đường xá, cầu và sân bay để phục vụ nền kinh tế.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức mới với Myanmar: Giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài