Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình) cho biết tình trạng ô nhiêm môi trường tại làng nghề dệt nhuộm Phương La gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, còn chính quyền thì rất vất vả.

Thái Bình: Ô nhiễm tại làng nghề Phương La gây bức xúc cho dân, chính quyền vất vả

Bảo Loan | 16/04/2022, 17:33

Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình) cho biết tình trạng ô nhiêm môi trường tại làng nghề dệt nhuộm Phương La gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, còn chính quyền thì rất vất vả.

Sử dụng nhiều hóa chất độc hại

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La được đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Môi trường ETC Việt Nam lập tháng 8.2020, hóa chất sử dụng của các cơ sở dệt đang hoạt động hiện nay tại khu sản xuất tập trung làng nghề Phương La là xút (NaOH), soda (Na2CO3), xà phòng, xilicat, nước oxy già (H2O2), nước javen, axit sunfuric (H2SO4), lơ tẩy trắng...

Số lượng hóa chất và định mức sử dụng của từng cơ sở là khác nhau và phụ thuộc vào lượng sản xuất trong tháng. Phần lớn lượng hóa chất này cùng với chất màu bám vào vải sợi được tẩy ra và chảy vào hệ thống thoát nước thải.

Đối với quá trình dệt nhuộm, các vật tư hóa chất được sử dụng trong dệt nhuộm có chức năng chủ yếu là phụ gia, hỗ trợ cho công nghệ như hồ tinh bột, các trợ chất cầm màu... hoàn toàn không đi vào sản phẩm, chỉ một phần nhỏ thuốc nhuộm thấm vào sợi, phần còn lại tồn trong nước thải. Tùy theo công nghệ tẩy nhuộm, độ đậm nhạt của màu nhuộm và độ trích của thuốc nhuộm mà lượng thuốc nhuộm dư còn lại trong nước thải dao động từ 10-40 % so với lượng sử dụng.

Đặc biệt, đây là những chất thải từ thuốc nhuộm dư thừa, đây là những chất hữu cơ khó phân hủy. Theo thống kê, mỗi năm nghề dệt ở Phương La sử dụng khoảng 10 tấn oxy già, 100 tấn nhớt thủy tinh (Silicat Na2SiO2), hàng chục tấn xà phòng và để có được sản phẩm hoàn chỉnh tiêu thụ trên thị trường, phải trải qua 2 lần nấu tẩy (tẩy sợi và tẩy tấm).

nuoc-thai-2.jpg
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Điều đáng nói, tất cả các công đoạn này đều được làm thủ công nên rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa nóng và sau mỗi trận mưa, ô nhiễm bốc lên rất khó chịu. Nguy hại nhất là nguồn nước sinh hoạt ở đây không đảm bảo, nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề.

Ngoài ra, một đặc trưng quan trọng của nước thải dệt nhuộm là sự dao động rất lớn cả về lưu lượng thải và tải lượng ô nhiễm thay đổi theo mùa, theo mặt hàng sản xuất và theo chất lượng sản phẩm.

Nhìn chung, nước thải từ các cơ sở sản xuất dệt nhuộm làng nghề Phương La có độ kiềm cao, độ màu và hàm lượng chất hữu cơ cao (hiệu quả hấp thụ của vải chỉ đạt khoảng 60%).

Các hoạt động sản xuất dệt nhuộm đã gây nên các tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái khu vực, đặc biệt ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp của nhân dân Thái Phương cũng như các xã xung quanh.

Ô nhiễm môi trường làng nghề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Các hóa chất, nguyên liệu được sử dụng trong làng nghề rất độc hại và là một trong những nguyên nhân gây các bệnh đường ruột, tiêu hóa, viêm phổi và bệnh ngoài da.

Do đó nước thải dệt nhuộm của làng nghề Phương La nếu không được xử lý triệt để, khi thải vào môi trường không những làm ô nhiễm môi trường đất, nước, gây mất cân bằng sinh thái mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tuổi thọ của con người.

Tuy nhiên, Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La có tổng mức đầu tư gần 80 tỉ, sau hơn 3 năm được hoàn thành mà vẫn chưa đi vào hoạt động đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Cần giải bài toán nước thải cho làng nghề

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết tình trạng ô nhiêm môi trường tại làng nghề dệt nhuộm Phương La, xã Thái Phương gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, còn chính quyền thì rất vất vả.

“Làng nghề phát triển nóng, với đặc thù đất chật người đông, hoạt động xen lẫn trong khu dân cư lại sử dụng nhiều hóa chất độc hại, nhưng có khoảng 6.000 lao động đang làm việc trực tiếp tại làng nghề và hàng nghìn lao động vệ tinh ở các xã xung quanh. Vấn đề việc làm, thu nhập của người dân làng nghề đã tạo ra áp lực rất lớn cho địa phương. Do vậy, tôi cũng rất mong muốn Nhà máy xử lý nước thải sớm đi vào hoạt động để giải quyết bài toán nước thải làng nghề”, ông Cao nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Phương La 3 cũng chia sẻ: “Công trình xử lý nước thải nhưng lại không xử lý nước thải. Sống bên cạnh công trình xử lý nước thải gần trăm tỉ mà dân lại “sống chung với ô nhiễm”, nghe nó nghịch lý vô cùng?”.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Triều, người dân ở thôn Phương La 1 cho hay, người dân rất bức xúc vì công trình xử lý nước thải được đầu tư quy mô, tốn mấy chục tỉ đồng tiền thuế của nhân dân, nhưng chưa hoạt động đã bỏ hoang, trong khi người dân chịu cảnh ô nhiễm môi trường hằng ngày.

“Tại các buổi họp thôn hoặc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị sự việc với chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”, ông Triều nói.

nuoc-thai.jpg
Khu xử lý nước thải chưa được đấu nối vào nhà máy xử lý

Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành (tại làng nghề Phương La) cho biết, năm 2021, ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình về gặp trực tiếp đối thoại với người dân, doanh nghiệp tại làng nghề Phương La và hứa sẽ giải quyết. Tuy nhiên đến tháng 4.2022 này là tròn 1 năm nhưng nhà máy này vẫn cửa đóng then cài.

“Chúng tôi là người dân, doanh nghiệp trên địa bàn này, chúng tôi chỉ đặt ra câu hỏi tại sao nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến gần 80 tỉ sau hơn 3 năm được khánh thành mà vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi doanh nghiệp thì không được sản xuất. Doanh nghiệp mong muốn được đấu nối nước thải từ công ty ra nhà máy xử lý. Nếu không được đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, ông Cải nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái Bình: Ô nhiễm tại làng nghề Phương La gây bức xúc cho dân, chính quyền vất vả