Nhiều thiết bị y tế ở Thái Nguyên có giá trị hàng tỉ đồng đang ở trong tình trạng ít sử dụng, thậm chí là bỏ không.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã hoàn tất báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017, chuyên đề công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành Y tế giai đoạn 2015-2017 tại tỉnh Thái Nguyên.
KTNN chỉ ra tình trạng trang thiết bị y tế đã mua chưa đưa vào sử dụng, trong đó trang thiết bị y tế đã mua cấp phát một số đơn vị, trạm y tế xã, phường, thị trấn nhưng chưa sử dụng được (hoặc có sử dụng thì hạn chế) do công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ với quy định điều kiện sử dụng.
Cụ thể, KTNN cho biết, trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên được cấp 43 máy thiết bị, với tổng giá trị gần 9,5 tỉ đồng. Trung tâm y tế huyện Phú Lương có 3 trang thiết bị với tổng giá trị hơn 1,1 tỉ đồng ít sử dụng. Trung tâm y tế thị xã Phổ Yên có 3 trang thiết bị với tổng giá trị hơn 1,1 tỉ đồng cũng ít sử dụng.
Đáng chú ý còn tình trạng thiết bị y tế đã mua, nhưng chậm đưa vào sử dụng, khai thác chưa đủ công suất thiết kế do trang thiết bị hư hỏng, chưa được sửa chữa kịp thời, không có linh kiện thay thế hoặc đang chờ sửa chữa.
KTNN cũng chỉ ra còn tình trạng trang thiết bị mua về nhưng công tác đăng ký, cấp phép đưa vào sử dụng trễ thời gian. Trong đó, Bệnh viện C có 9 thiết bị hơn 8,4 tỉ đồng chưa sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tếdo chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội chấp nhận thanh toán. Bệnh viện Gang Thép có 2 thiết bị giá gần 8 tỉ đồng mua từ năm 2016 nhưng chưa sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, nguyên nhân cũng do chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội chấp nhận.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ có 10 máy thiết bị trị giá hơn 11 tỉ đồng từ năm 2017, nhưng đến tháng 8.2018 mới đưa vào sử dụng vì đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở y tế duyệt danh mục thiết bị thuộc tuyến...
Ngoài ra, theo KTNN, công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư y tế năm 2017 vẫn còn chậm, không kịp thời gian. Từ khi gửi hồ sơ trình duyệt thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài 12 tháng, dẫn đến kế hoạch mua thuốc không thực hiện được.
Hiện, tình trạng quản lý trang thiết bị y tế lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ đã tạo những kẽ hở làm ngân sách nhà nước bị thất thoát khá nhiều.
Theo Hiệp hội Thiết bị y tế Việt Nam, hiện trên thị trường có khoảng 10.500 loại trang thiết bị y tế khác nhau, trong đó có hơn 90% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm hơn 45%). Hầu hết, các thiết bị y tế đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn định kỳ, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cũng không được thực hiện thường xuyên.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng đơn hàng xin cấp phép nhập khẩu mặt hàng thiết bị y tế không ngừng gia tăng. Năm 2011 có 3.846 đơn hàng xin được cấp phép thì năm 2013 đã tăng lên là 4.025 và năm 2015 là 5.099 đơn hàng.
Theo đó, thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều cơ sở y tế chuyên khoa được đầu tư đổi mới thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, phòng mổ và hồi sức cấp cứu. Các trạm y tế xã đã được cung cấp dụng cụ cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có không ít cơ sở y tế chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế, gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, làm giảm hiệu quả khám, chữa bệnh.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung