Tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, khách hàng dùng điện lớn cần phải tuân thủ một số quy định.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, khách hàng dùng điện lớn phải làm gì?

Tuyết Nhung 17:18 02/08/2024

Tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, khách hàng dùng điện lớn cần phải tuân thủ một số quy định.

Mua bán điện trực tiếp (qua đường dây kết nối riêng) là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết khách hàng sử dụng điện lớn là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác, theo quy định của Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện hoặc có lượng tiêu thụ bình quân theo quy định.

Ngoài quy định về đảm bảo lượng điện tiêu thụ bình quân tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp là từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất), đối với khách hàng sử dụng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng là từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính theo sản lượng đăng ký), khách hàng sử dụng điện lớn phải đảm bảo các yêu cầu chung quy định của pháp luật về: quy hoạch, đầu tư; quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện, hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ký hợp đồng mua bán điện

Khách hàng sử dụng điện lớn tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo phù hợp với quy định tại Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Các nội dung chính của hợp đồng mua bán điện bao gồm: chủ thể hợp đồng; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đường dây kết nối riêng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định khác.

Khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.

Trách nhiệm tuân thủ

Khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Điều 47 Luật Điện lực và các quy định về thực hiện các quy định về an toàn trong sử dụng điện; đầu tư hạ tầng lưới điện (áp dụng trong trường hợp khách hàng sử dụng điện lớn có trạm điện) tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện; tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện lớn phải có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện (áp dụng trong trường hợp khách hàng sử dụng điện lớn có trạm điện) đáp ứng quy định về an toàn điện (được đào tạo về chuyên ngành điện; được huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện theo quy định).

Trách nhiệm báo cáo

Trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan khi bắt đầu thực hiện đến Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong địa bàn quản lý). Nội dung báo cáo là các thông tin về chủ thể hợp đồng (bên mua, bên bán); lượng điện năng thỏa thuận; giá điện.

Hằng năm, trước ngày 30.1, khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về kết quả mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng năm trước đó. Nội dung báo cáo là các thông tin về chủ thể hợp đồng (bên mua, bên bán); lượng điện năng mua bán trong năm; chi phí mua điện trực tiếp các tháng và năm; các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị.

Bài liên quan
Trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp trong tháng 5
Tại chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu tháng 5.2024 Bộ Công Thương phải trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, khách hàng dùng điện lớn phải làm gì?