Ngay trung tâm Sài Gòn và nhiều thành phố khác trên đất nước, bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu thường có một con đường mang tên Sương Nguyệt Anh, có rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ không biết Sương Nguyệt Anh là ai. Xin nói ngay đó chính là con gái của cụ Đồ Chiểu, nữ chủ bút đầu tiên của làng báo chí Việt Nam. Riêng mộ bà được nằm bên cạnh song thân ở tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Trong khuôn viên khu lưu niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiều ở Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nằm khuất sau khu đền thờ trang nghiêm tôn kính là một khu vườn bình yên với vườn hoa kiểng xanh mơn mởn có một khu mộ nhỏ hiền lành của cụ Đồ Chiểu cụ bà Lê Thị Điền vợ ông kế tiếp là mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh con gái của nhà thơ.
Sương Nguyệt Anh là con thứ tư (theo cách gọi của người Nam bộ là thứ năm) của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà tên thật là Nguyễn Thị Khuê, tuy nhiên tên ghi trên bia mộ là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ Giới Chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn.
Nhiều tài liệu cho biết Sương Nguyệt Anh sinh tại làng Bình Đông, tổng Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân mẫu Sương Nguyệt Anh là bà Lê Thị Điền, em của ông Lê Văn Quýnh vốn là bạn của Nguyễn Đình Chiểu.
“Sinh ra trong một gia đình nhà nho thanh bạch, lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng lẫy lừng Gia Định, bà không chỉ được yêu mến bởi tính tình điềm đạm, đôn hậu mà còn nổi tiếng thông minh, sắc sảo. Thuở nhỏ bà được học chữ Nho, làm thơ Nôm, giỏi quốc ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bà đã diễn ra lục bát cả cuốn tiểu thuyết Trung Hoa Yên sơn ngoại sử dù tác phẩm này hiện nay đã tuyệt bản. Ngoài ra, bà còn biết cả tiếng Pháp”. (Lê Tâm - Sương Nguyệt Anh - Nữ sĩ, nữ chủ bút tài hoa và trí tuệ)
Năm 1888, Sương nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại...Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính sinh được một gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi, thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.
Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.
Về sự kiện bà Sương Nguyệt Anh về làm chủ bút cho tờ Nữ Giới Chung, theo tác giả Lê Tâm (Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM) thì khoảng năm 1917, con rể của bà là giáo sư Mai Bạch Ngọc giới thiệu bà với ông tổng lý báo Trần Văn Chim và ông Henry Blaquière chủ nhiệm báo Le Courrier Saigonnais để vận động thực dân Pháp xin ra tờ tuần báo cho phụ nữ. Tờ báo có tên Nữ Giới Chung (Fémina Annamite) phát hành thứ sáu hàng tuần đã ra đời, trụ sở đặt tại số 15 đường Taberd (nay là Nguyễn Du) do chính Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Ngay khi xuất hiện, tờ báo đã được đón tiếp nồng nhiệt. Nhưng chỉ sau 22 số, kéo dài khoảng 5 tháng, Nữ Giới Chung bị đình bản. Theo Thanh Việt Thanh, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa tờ báo này vì “nhận thấy ảnh hưởng của Nữ Giới Chung ngày càng to lớn”. Tuy nhiên, tác giả không nói rõ đó là ảnh hưởng về vấn đề gì. Một số tác giả khác lại giải thích nguyên nhân đình bản của tờ báo là do bệnh tình của chủ bút Sương Nguyệt Anh. Thời gian này bà bị đau mắt và theo lời khuyên của bác sĩ, bà không tiếp tục làm việc giấy tờ được. Vì vậy, bà đã chấm dứt hoạt động báo chí để trở về Ba Tri ở với người em là Nguyễn Đình Chiêm. Mặc dù rất sợ và bị ám ảnh cảnh mù lòa của cha nhưng rồi cuối đời, bà cũng chịu chung số phận với thân phụ Nguyễn Đình Chiểu. Bà mất ngày 20 tháng 1 năm 1921 sau một thời gian dài bệnh tình không thuyên giảm.
Lúc đầu, mộ bà Sương Nguyệt Anh ở Mỹ Nhơn, về sau (năm 1959) được đồng bào cải táng dời về nằm cạnh mộ phần của song thân bà, tức nằm trong khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre cho đến ngày nay.
Chùm ảnh khu mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
Bài và ảnh: Tiểu Vũ