Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ... 

Tham nhũng trong ngành tài chính chủ yếu là do cấu kết, thông đồng

Một Thế Giới | 19/01/2016, 11:12

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ... 

Chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng chiều 18.1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, nhưng chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước... và những hành vi này đã được xử lý theo đúng pháp luật quy định.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng của ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: trong giai đoạn từ năm 2006-2015, Thanh tra ngành Tài chính đã triển khai 341.403 cuộc thanh tra. Trong đó, kết quả thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỉ đồng; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách quản lý tài chính; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.634 cá nhân có vi phạm.
Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát, Bộ đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng, số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người. 
Bên cạnh đó, ngành tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc tham nhũng, truy tố 7 vụ án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, đang được xem xét để xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng. 
Việc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới trong công tác phòng chống tham nhũng là hết sức quan trọng, do đó Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị trong ngành tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật về tài chính ngân sách, các tiêu chuẩn định mức cho phù hợp; quản lý chặt chẽ tài sản, tài chính công, đảm bảo chính sách rõ ràng, đơn giản, công khai, minh bạch, không để tồn tại những khoảng trống pháp luật trong quản lý, là cơ hội cho tham nhũng, lãng phí. 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn sâu, sẵn sàng đáp ứng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội ngành trong việc thực hiện các qui định về phòng, chống tham nhũng...
Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham nhũng trong ngành tài chính chủ yếu là do cấu kết, thông đồng