TAND tối cao vừa công bố Dự thảo 6 - Thông tư Quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

Nhã Thanh | 03/07/2023, 18:55

TAND tối cao vừa công bố Dự thảo 6 - Thông tư Quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Theo nội dung dự thảo, những vụ án hình sự mà người phạm tội là quân nhân tại ngũ, bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ; công chức quốc phòng thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện... đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu.

Những vụ án hình sự mà người phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên, chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nếu họ phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự, hoặc gây thiệt hại cho Quân đội, hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội, khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm…

Ngoài ra, theo dự thảo, vụ án xảy ra trên địa bàn của Tòa án quân sự nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đó. Việc phân định địa bàn trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

hdxx-5-.jpg
HĐXX Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án 'Tham ô tài sản' xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Ảnh: TTXVN

Người phạm tội thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân thì thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân, không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm.

Trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc trường hợp có nhiều Tòa án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử do trong vụ án có nhiều người phạm tội thuộc nhiều đơn vị khác nhau, hoặc do người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi thì "Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra" - dự thảo nêu rõ.

Trường hợp bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự phạm tội ở nước ngoài, nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội hoặc Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.

Ngoài ra, đối với thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật, dự thảo của TAND tối cao nêu rõ Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật.

Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật, thì Tòa án quân sự ở nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án. Trường hợp sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án mà địa bàn nơi tội phạm xảy ra không còn trong tình trạng thi hành lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án.

Bài liên quan
Chất vấn lĩnh vực tòa án, kiểm sát: Nhìn thẳng vào hạn chế đề tìm ra giải pháp
Sáng 20.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, kiểm sát. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nhìn thẳng vào các hạn chế để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự