Cuối tháng 10 năm nay, phái đoàn thanh tra châu Âu (EU) sẽ sang Việt Nam kiểm tra về việc thực thi quy định IUU và việc khắc phục những khuyến nghị của EC.
Ngay đầu tháng 9 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã đón nhận tin chính thức từ Nhật Bản thông báo, từ 1.12.2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU) với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này, gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao Thái Bình Dương, cá thu mackerel và cá trích.
Theo đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã có Công văn yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản nghiên cứu các yêu cầu về khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản để tổ chức thực hiện kiểm soát trong quá trình thu mua, tiếp nhận, chế biến đối với 4 loài thủy sản đáp ứng quy định IUU.
Khi có nhu cầu xác nhận cho lô hàng được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu thuộc 4 loài thủy sản trên để xuất khẩu vào Nhật Bản, các doanh nghiệp cần lập đầy đủ hồ sơ đề nghị theo quy định gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng trên địa bàn để được thực hiện thẩm định, xác nhận.
Đồng thời chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan của Nhật Bản khi xuất khẩu 4 loài thủy sản trên vào thị trường này.
Tháng 9 năm nay cũng là tròn 5 năm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát động Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU với 4 nhóm hành động trọng tâm VASEP và doanh nghiệp hải sản đã thực hiện liên tục và xuyên suốt, bao gồm: cam kết của doanh nghiệp chống khai thác IUU, góp ý sửa đổi khung pháp lý liên quan đến khai thác thủy sản, truyền thông tới doanh nghiệp và ngư dân về quy định chống khai thác IUU và truyền thông tới quốc tế về nỗ lực của ngành khai thác thủy sản Việt Nam; và tích cực hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin, đề xuất hỗ trợ khắc phục thẻ vàng IUU.
Tuy nhiên, VASEP nhận định cho tới nay, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ thẻ vàng. Được biết, cuối tháng 10 năm nay, phái đoàn thanh tra EU sẽ sang Việt Nam kiểm tra về việc thực thi quy định IUU và việc khắc phục những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
"Chưa biết kết quả thanh tra và quyết định của EU sắp tới sẽ theo chiều hướng nào. Nhưng ngành xuất khẩu hải sản từ đầu năm tới nay chật vật vì thiếu nguyên liệu cho chế biến, chi phí đầu vào đội lên quá cao, nay lại thêm khó ở thị trường Nhật Bản, cộng thêm với quy định của thị trường Mỹ...", đại diện VASEP cho hay.
Trước bối cảnh trên, để xuất khẩu hải sản khai thác không đình trệ, VASEP đề nghị có sự thay đổi từ cấp địa phương trở lên, sao cho quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho hải sản khai thác phải được đơn giản hóa và ứng dụng số hóa, để doanh nghiệp làm thủ tục không bị ách tắc hoặc bế tắc vì không được xác nhận.