Lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Chiều 17.9 đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, sẽ có 20 công hàng (khoảng 25 tấn/công) sầu riêng, toàn bộ đều từ các nhà vườn Đắk Lắk sẽ được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là niềm vui chung của ngành nông nghiệp và tự hào cho người trồng, tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam.
Chuyến hàng sầu riêng quả tươi xuất chính ngạch đầu tiên được thu hái từ các vườn sầu riêng của Đắk Lắk, do các doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói. Để chuẩn bị cho lô hàng này, các đơn vị xuất khẩu đã chọn lọc, chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho hay, để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; đồng thời thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức công bố danh sách mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu sang nước này. Theo đó, có 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói. Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc, với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của TX. Buôn Hồ và 1 mã của TP. Buôn Ma Thuột.
Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng đứng thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Tiền Giang), với diện tích khoảng 15.000 ha, sản lượng hằng năm lên tới 150.000 tấn, dự kiến năm 2030 là 300.000 tấn.
Trong đó huyện Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.300ha; sản lượng bình quân 45.000-50.000 tấn/năm. Những năm qua, người dân trong huyện từng bước sản xuất sầu riêng bền vững, nâng cao chất lượng sầu riêng từ vườn đến trái thành phẩm. Trong số đó, có gần 600ha sầu riêng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 730ha sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng…
Theo nghị định thư giữa hai bên, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.