'Tại sao không để những hình ảnh về người đồng tính đẹp hơn trong mắt cộng đồng? Tại sao điện ảnh nước ngoài có những câu chuyện cảm động và chạm đến cảm xúc người xem còn điện ảnh Việt thì lại không? Tôi không phản đối việc lấy một vài hình tượng ra làm trò cười trên màn ảnh, vì trước giờ hình tượng nào, đồng tính hay dị tính đều có thể trở thành một tiểu phẩm hài gây cười trên sân khấu hoặc màn ảnh. Tuy nhiên, nếu tiếng cười đó chua chát thì lại không! Đừng để toàn thể xã hội khi nhắc đến 2 ch

Thanh Tú: ‘Phim Thái Hòa gây hại cho cộng đồng LGBT'

Một Thế Giới | 26/03/2015, 17:00

'Tại sao không để những hình ảnh về người đồng tính đẹp hơn trong mắt cộng đồng? Tại sao điện ảnh nước ngoài có những câu chuyện cảm động và chạm đến cảm xúc người xem còn điện ảnh Việt thì lại không? Tôi không phản đối việc lấy một vài hình tượng ra làm trò cười trên màn ảnh, vì trước giờ hình tượng nào, đồng tính hay dị tính đều có thể trở thành một tiểu phẩm hài gây cười trên sân khấu hoặc màn ảnh. Tuy nhiên, nếu tiếng cười đó chua chát thì lại không! Đừng để toàn thể xã hội khi nhắc đến 2 ch

Với thông điệp "Đồng tính không phải là bệnh", Cầu vồng không sắc vừa ra rạp đã nhận được sự chú ý và quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng LGBT Việt (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Bộ phim xoay quanh mối tình sâu sắc và đầy bi kịch của 2 nam chính Hùng và Hoàng (do Thanh Tú và Vũ Tuấn Việt đảm nhận). Ngoài ra, nhân vật người mẹ của nữ diễn viên gạo cội Kim Khánh cũng là điểm nhấn quan trọng khi khắc họa ảnh hưởng tiêu cực của định kiến xã hội lên người đồng tính.
Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến cho biết, thông qua Cầu vồng không sắc anh hy vọng có thể truyền tải đi thông điệp đúng đắn về người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Theo đó, góp phần xây dựng một hình ảnh cộng đồng LGBT Việt tích cực hơn, thay vì những tiếng cười trào phúng có phần hơi miệt thị như từ trước đến nay. Chia sẻ vấn đề này, PV Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với MC Thanh Tú - Đại diện nhà sản xuất và cũng là diễn viên chính trong phim. 
Thanh Tu
 Diễn viên Thanh Tú trong một cảnh quay trong bộ phim "Cầu vồng không sắc"

Anh cảm nhận về hình tượng người đồng tính nam trong điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay như thế nào?

Tú sẽ trả lời câu hỏi này với tư cách là một người khán giả có thói quen đến các rạp xem phim và đặc biệt là các bộ phim điện ảnh Viêt. Có lẽ những hình ảnh Tú thường thấy với các vai đồng tính nam và chuyển giới được mang lên màn ảnh luôn là những hình ảnh ẻo lã, tạo hình quá sặc sỡ và có phần lố lăng, tay chân điệu bộ ỏng ẹo, âm vực giọng nói của các nhân vật luôn được làm lố hoặc cố tình làm méo mó. Tú tự hỏi, tại sao lại phải như thế? Hay làm những điều đó phần nào giúp cho nhân vật đồng tính và chuyển giới ấy dễ gây cười với khán giả?

Theo Tú thấy, rất nhiều người LGBT không hề cảm thấy vui vì điều ấy. Tuy nhiên, đối với các đối tượng khán giả khác, họ được thoả mãn bởi những tiếng cười hời hợt mà các nhân vật này mang đến. Ngoài ra, họ còn gán ghép và mặc định hình tượng ấy cho người LGBT trong cuộc sống thật.

Thanh Tu
 

Vậy thì anh nghĩ sao về nhân vật Hội trong bộ phim Để Mai Tính 2 ?

Khách quan trả lời câu hỏi này với cương vị là một khán giả - Để Mai Tính 2 là một hiện tượng trong điện ảnh Việt về mặt doanh thu. Thu hút của bộ phim chính là hình tượng của Hội - một nhân vật đồng tính nam (hoặc chuyển giới?) trong phim với tạo hình diêm dúa, kệch cỡm. Khán giả đã có những trận cười thả ga với diễn xuất của anh Thái Hoà, và cũng chính từ bộ phim này đã mang đến một bước ngoặt rất lớn trong sự nghiệp của anh ấy.

Tuy nhiên, sau những tiếng cười mang đến sự thành công cho anh Thái Hoà, những phút giây thoải mái cho khán giả là sự bức xúc của rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, mà đặc biệt là người chuyển giới. Tôi không phủ nhận, ngoài xã hội cũng có những cá nhân giống như nhân vật Hội, thế nhưng đó không phải là hình ảnh duy nhất đại diện cho những người đồng tính và chuyển giới. Nếu cứ tiếp tục lấy hình ảnh đó ra làm trò cười thì tôi cảm giác như họ đang cố tình nhục mạ những người chuyển giới và khiến xã hội có cái nhìn ác cảm hơn về nhóm thiểu số này.
Thanh Tu
Cùng một hình ảnh người chuyển giới, nhưng "Để mai tính" và "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" lựa chọn 2 cách truyền tải khác nhau, một gây cười và một khiến khán giả khóc.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng cộng đồng LGBT cũng giống như một xã hội thu nhỏ mà ở đó có đầy đủ thành phần những con người khác nhau. Vậy chúng ta cần phải để cho mọi người thấy đúng và đủ về cộng đồng ấy. 
Tôi rất yêu bộ phim tài liệu đầy chân thật về người chuyển giới Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, một tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Vẫn là hình ảnh về những con người chuyển giới có vẻ ngoài tương tự nhưng bộ phim ấy không mang họ ra để gây tiếng cười mà là để mọi người thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia với những con người bị kỳ thị bởi định kiến xã hội. Một sản phẩm nghiêm túc chứ không phải chỉ nhằm mục đích mua vui.

Nói như vậy thì anh cho rằng những tuyến nhân vật như Hội đã góp phần gây ra sự hiểu lầm về người đồng tính nam và chuyển giới nữ trong xã hội?

Nghe câu hỏi của bạn tự dưng tôi lại nhớ đến một câu chuyện. Trong một buổi tiệc tôi đi cùng với anh bạn thân của mình. Là một anh chàng khá điển trai, nam tính. Và với ngoại hình như thế thì việc anh ta nhận được sự chú ý hay "hớp hồn" một cô gái nào đó là điều hiển nhiên.

Quả thật như vậy, trong buổi tối đó anh ta đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ một cô gái khá xinh đẹp. Tuy nhiên với một người có lối sống hiện đại, dám thể hiện và sống đúng với bản thân, anh ấy đã chia sẻ với cô gái về xu hướng tính dục thật của mình. Bạn có đoán được phản ứng của cô gái ấy? Cô hoàn toàn không tin đó là sự thật, vì với cô ấy, người đồng tính phải là người - lúc này tay cô ấy đang chỉ về một anh chàng với ngoại hình điệu đà và bóng bảy đang đứng ở phía xa - như thế kia. Đó là một dạng định kiến mang tính quy chụp.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy được một thực tế trong xã hội, nhiều người họ không hiểu người đồng tính chỉ đơn thuần là những anh chàng yêu người cùng giới mà thôi. 

Thanh Tu
 Thanh Tú: "Tôi muốn khán giả được chứng kiến hình ảnh người đồng tính đúng đắn trên màn ảnh!"

Quay trở lại câu hỏi của bạn ở trên, tự dưng tôi lại thấy buồn và tiếc! Tại sao cứ phải mang hình ảnh của người đồng tính như nhân vật Hội lên phim ảnh để gây cười cợt, mà tại sao đó không phải là hình ảnh của người đồng tính ở một khía cạnh khác để xã hội hiểu đủ và đúng hơn nữa về cộng đồng LGBT.

Thanh Tu

Kịch bản của Cầu vồng không sắc có gì đặc biệt hơn với những kịch bản đồng tính trước đây hay không?

Nói đến vai Hoàng trong Cầu vồng không sắc - Tú cho là mình đã thành công. Tuy nhiên ở đây Tú không dám nói đến thành công về mặt chuyên môn diễn xuất, mà thành công ấy chính là sự đồng cảm quá lớn mà Tú đã nhận được từ khán giả. Đặc biệt là các bạn đồng tính nam. Phim chính thức được công chiếu bao nhiêu ngày, là bấy nhiêu ngày Tú nhận được những dòng tâm sự của khán giả gửi qua Facebook, email, về phim, về những nhân vật trong phim và đặc biệt là nhân vật Hoàng mà Tú đã thể hiện.

Thanh Tu

Họ cho rằng chúng tôi đã phản ánh một hình ảnh hoàn toàn khác, rất đúng mực về người đồng tính lên màn ảnh. Nhưng hơn hết là nói lên được nỗi lòng của các bạn khi phải đối mặt với nỗi sợ công khai với ba mẹ và xã hội. Qua nhiều sự chia sẻ, chúng tôi càng thấy bộ phim đã phản ảnh đúng cuộc sống ấy, về những cái khó, cái khổ mà họ phải chịu trong cuộc đời này chỉ vì còn tồn tại sự khắt khe của mọi người về đồng tính thậm chí là ngay cả chính ba mẹ họ.

Không dám so sánh cái hay hay cái dở của kịch bản CVKS với những kịch bản khác, chỉ dám nói đến cái được của kịch bản này là nó đã thật sự chạm vào trái tim của người xem. Tôi thường đùa với mọi người là khi xem phim CVKS nhớ mang theo một bịch khăn giấy vào rạp. Vì tôi không chắc bạn sẽ kìm được nước mắt khi xem đến những phút cuối cùng của bộ phim này.

Mặc dù vậy, cũng có rất nhiều khán giả chê thông điệp phim cũ kỹ và có phần ủy mị , anh nghĩ sao về điều này?

Có 2 thông điệp trong phim được đề cập đến. Thông điệp thứ nhất truyền tải về một tình yêu đẹp. Vậy theo bạn, tình yêu có được mang ra để so sánh với cụm từ cũ kĩ hoặc mới mẻ để nhận xét về nó không? Tình yêu là thứ mà một trăm hay một ngàn năm sau nó vẫn luôn được nhắc đến. 

Thanh Tu
"Tình yêu không bao giờ là thông điệp cũ kỹ cả bạn ạ!" 
Bên cạnh tình yêu, lồng ghép vào đó còn là thông điệp về sự nhìn nhận người đồng tính trong xã hội. Liệu đâu có phải là một thông điệp cũ kỹ? Đúng! Đồng tính không phải là vấn đề mới mẻ, thế nhưng theo bạn, vấn đề đó đang được xã hội nhìn nhận như thế nào? Đã có cái nhìn thoáng và cởi mở thực sự chưa? Cộng đồng LGBT đã được nhìn nhận công bằng về mọi mặt trong đời sống chưa? Hãy giúp tôi tìm ra câu trả lời rồi bạn sẽ biết thông điệp của phim có phải là quá cũ kỹ để nhà sản xuất vẫn mang ra và phản ánh trong phim.

Trên thực tế, phim hài dễ kiếm được doanh thu hơn trong khi góc tiếp cận này thì lại khá mạo hiểm. Anh có lo lắng về yếu tố này của bộ phim hay không?

Với cương vị là nhà sản xuất - tôi cảm ơn vì bạn đã dành câu hỏi thú vị này cho tôi, để tôi có thể nói ra tâm huyết và sứ mệnh lớn nhất mà nhà sản xuất như chúng tôi đặt ra cho bộ phim này: Góp phần thay đổi sự nhìn nhận mà cơ số người trong xã hội đã mặc định cho người đồng tính và chuyển giới thông qua những bộ phim trước đây mà ví dụ điển hình nhất là nhân vật Hội, bên cạnh những vai diễn "má mì" khác.
Nếu các bạn từng tiếp xúc với nhiều người chuyển giới và đồng tính, bạn sẽ thấy Hội khá quen thuộc vì thể hiện bên ngoài có sự tương đồng. Tuy nhiên ở nhân vật này lại sở hữu quá nhiều đặc điểm, khiến nó trở nên cường điệu và có phần phi thực tế. Chính điều này đã gây ra hiểu lầm và mặc định chung cho người LGBT. Chúng ta cười vì nó hài hước nhưng đôi khi, chúng ta cũng coi thường nữa. Tiếng cười thật sự không hề đơn giản.
Thanh Tu

Quay trở lại câu hỏi - xu hướng giải trí hiện nay của khán giả - là tìm đến một bộ phim, hay một vở kịch với nội dung hài hước, để họ được xả, được cười thả ga, nhằm bớt đi phần nào những bộn bề nặng nề lo toan cuộc sống. Vì thế những bộ phim hài phần nào đã đảm bảo về mặt doanh thu. Nhưng với chúng tôi tin rằng ,sau những khoảng cười thả ga ấy, khán giả họ cũng cần đến một bộ phim để lắng lòng lại. Cuộc sống như một bản nhạc, và khoảng lặng trong cuộc sống nó như một nốt lặng của một bản nhạc, nếu thiếu đi những nốt lặng,thì chắc gì ta cảm thấy giá trị của những âm thanh khác.

Thanh Tu
 "Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình không cảm thông, sao có thể khiến xã hội nhìn nhận?"

Thêm một chia sẻ nhỏ khác. Với bạn, bao lâu rồi bạn không khóc? Bao lâu rồi bạn cố tỏ ra mạnh mẽ với cuộc sống này ? Nếu một ngày mọi thứ đến một mức giới hạn của nó, bạn có cần một sự đồng cảm không? Cầu vồng không sắc chính là một bộ phim như thế. Chúng tôi mang đến cho bạn sự đồng cảm, để bạn được mặc nhiên tuôn trào cảm xúc - để rồi sau đó - sự mạnh mẽ lại tiếp tục hồi sinh trong bạn và tiếp tục với cuộc sống vốn không mấy dễ dàng này. Cuộc sống vốn đã khó, sống là người đồng tính càng khó hơn. Tôi không mong mỏi gì hơn ngoài sự sẻ chia. Tôi biết đâu đó trong cuộc sống này, còn rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự đang cần chúng tôi nói thay cho họ, để họ được lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn!

Thanh Tu
 

Cám ơn anh!

Liêu Nguyên (Thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh Tú: ‘Phim Thái Hòa gây hại cho cộng đồng LGBT'