Ngày 3.6, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Một số mặt hàng tiêu thụ khó khăn
Trong thời gian qua, ngành NN-PTNT đã bước đầu đảm bảo “mục tiêu kép”, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75%, GDP tăng 2,65% và kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỉ USD – tăng 2,6% so với năm 2019.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở một số mặt hàng cụ thể do những lý do khách quan lẫn chủ quan.
Đối với thị trường trong nước, giá thịt gia cầm hiện ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn; sự ách tắc trong khâu lưu thông hàng hóa do dịch COVID-19 hồi đầu năm khiến cho các loại rau vụ đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ.
Đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam; Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi ro lan truyền dịch bệnh COVID-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa,.. gặp khó khăn.
Mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết hằng năm, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam.
Cùng với đó, bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu, chẳng hạn như xử lý vải xuất khẩu năm 2021 bằng rổ nhựa thay vì thùng carton.
Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang; hỗ trợ xử lý, đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm…
Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục trong tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp; quy định về kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ, trung thực trong quá trình triển khai; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để bảo đảm vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, chúng ta phải bảo đảm tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Theo đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn sinh học. Thời gian qua, Cục Thú y đã và đang tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm động vật.
Tính đến hết tháng 5.2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh thành phố. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được thì phải đảm bảo sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Hiện Cục đang phối hợp với các địa phương nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên theo tiêu chuẩn OIE.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng sản xuất phải tuân thủ hướng dẫn chung của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới về những biện pháp phòng chống dịch trong chế biến thực phẩm.
Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật là nhiệm vụ trọng tâm
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, các đơn vị thuộc bộ tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đồng thời, phối hợp theo ngành dọc với các địa phương trong bảo đảm sản xuất an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Tăng cường triển khai các quy trình, thủ tục theo hình thức trực tuyến, khai báo điện tử để vừa đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm yêu cầu hiệu quả phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo từng mùa vụ để không bị ứ đọng cục bộ tại mỗi địa phương, theo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh bảo đảm không để phát sinh sâu bệnh, dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại nông sản theo khuyến cáo của các thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam, của các tổ chức quốc tế và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu để nắm rõ các yêu cầu cho việc định hướng đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các vùng, cơ sở nguyên liệu sản phẩm để xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nam yêu cầu các đơn vị của Bộ theo dõi nắm bắt thông tin để tham mưu giải quyết kịp thời các vướng mắc của các địa phương, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Cục Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp quy trình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 từ kinh nghiệm thực tế các địa phương để trong tuần sau có thể ban hành quy trình này.
Về vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cần thực hiện nhanh không chỉ đối với các hàng hóa xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ nội địa. Đây là vấn đề quan trọng trong việc triển khai chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu COVID-19.
Trong năm nay, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm để phục vụ xuất khẩu, sẽ ưu tiên vấn đề cấp mã số vùng trồng nên rất mong địa phương quan tâm đến vấn đề này để triển khai.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhận định vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi là vấn đề trọng tâm mà Bộ NN-PTNT cần đẩy mạnh sớm để nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản xuất khẩu.