Thất bại thảm hại của "Solo: A Star Wars Story" tại phòng vé là một bất ngờ mà không ai có thể dự đoán trước được.

Thất bại đầu tiên và đau đớn của vũ trụ điện ảnh Star Wars

Chí Thiện | 06/06/2018, 08:39

Thất bại thảm hại của "Solo: A Star Wars Story" tại phòng vé là một bất ngờ mà không ai có thể dự đoán trước được.

Tham vọng của Disney

Loạt phim Star Wars (1977-2005) từ lâu đã được xem là một biểu tượng của nền văn hóa đại chúng Mỹ và sở hữu một lượng fan khổng lồ trên toàn thế giới. Chính vì thế, khi Disney thành công mua lại Lucasfilm từ tay đạo diễn George Lucas vào năm 2012 với cái giá khổng lồ 4,06 tỉ USD thì tham vọng của hãng đối với Star Wars chắc chắn là không hề nhỏ.

Năm 2015, Star Wars: The Force Awakens đã gây ra một cơn bão lớn tại hệ thống rạp chiếu phim trên toàn cầu khi thu về hơn 2 tỉ USD tiền vé. Thành công này là hoàn toàn dễ hiểu do sự mong chờ quá lâu từ fan lẫn sự tò mò của khán giả đến một thương hiệu điện ảnh vốn đã quá nổi tiếng. Theo Deadline.com, The Force Awakens đã giúp Disney kiếm được 780 triệu USD sau khi trừ hết mọi chi phí.

Poster phim Star Wars: The Force Awakens

Tuy nhiên, hai bộ phim tiếp theo là Rogue One: A Star Wars Story (2016) và Star Wars: The Last Jedi (2017) đã chứng kiến sự thụt lùi thảm hại về mặt doanh thu (1 tỉ USD và 1,3 tỉ USD) cũng như phản ứng của khán giả. Đặc biệt, phần ngoại truyện Rogue One còn bị đánh giá là hơi thừa thãi và là nỗ lực quá mức của Disney trong việc kiếm tiền từ thương hiệu Star Wars.

Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ thật sự trở nên tồi tệ sau khi Solo: A Star Wars Story – một ngoại truyện khác – công chiếu vào cuối tháng trước.

Thất bại đầu tiên

Alden Ehrenreich vàovai Hans Solo trong Solo: A Star Wars Story

Sau hai tuần ra rạp, doanh thu của Solo: A Star Wars Story chỉ dừng lại ở con số 264 triệu USD. Trong khi đó, với kinh phí sản xuất và quảng cáo gần 400 triệu USD thì bộ phim cần phải vượt qua mốc 500 triệu USD mới bắt đầu có lãi.

Theo tờ Hollywood Reporter, Disney sẽ lỗ khoảng 80 triệu USD hoặc hơn cho dự án lần này tùy thuộc vào tình hình bán DVD và đĩa BluRay sau này.

Có thể nói, thất bại của Solo là gần như không thể hiểu được trong bối cảnh 3 bộ phim Star Wars trước đó đã quá thành công cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Thay đổi nhân sự vào giờ chót

Phil Lord và Chris Miller

Ban đầu, vai trò đạo diễn được trao cho Phil Lord và Chris Miller. Đây là bộ đôi từng làm nên thành công của The Lego Movie (2014) và 21 Jump Street (2014). Đáng tiếc, sau khi đi được nửa chặng đường thì cả hai đã bị Lucasfilm sa thải với lýdo “khác biệt trong tư tưởng sáng tạo”. Đạo diễn từng đoạt giải Oscar Ron Howard đã thay thế vị trí này.

Nhiều chuyên gia cho rằng tư duy sáng tạo độc đáo của bộ đôi Phil Lord và Chris Miller phù hợp với Solo hơn là Ron Howard. Bằng chứng là nội dung của bộ phim đã bị nhận xét là nhạt nhẽo và chỉ đủ tầm cho một bom tấn mùa hè bình thường chứ không có gì đặc sắc hay nổi trội.

Thời gian ra mắt

Việc ra rạp chỉ 5 tháng sau The Last Jedi cũng bị xem là một trở ngại đối với Solo. Thế nhưng lập luận này đã bị chối bỏ do Marvel cũng tung ra 6 phim trong 6 tháng vừa qua nhưng vẫn đạt được thành công lớn.

Trên thực tế, Solo có vấp phải một bất lợi lớn chính là có cùng đối tượng khán giả với 2 bom tấn thành công trước đó là Avengers: Infinity WarDeadpool 2. Việc cả 3 bộ phim này ra rạp chỉ trong vòng chưa tới một tháng sẽ khiến cho khán giả cảm thấy bị choáng ngợp.

Chiến dịch marketing tệ

Doug Creutz, một nhà phân tích truyền thông kỳ cựu tại công ty dịch vụ tài chính Cowen Group, đã viết trên trang Deadline.com rằng nguyên nhân thật sự gây ra thất bại của Solo là ở khâu marketing.

Theo Creutz, Disney cần phải dành nhiều thời gian hơn để giới thiệu một Hans Solo mới (do Alden Ehrenreich đóng) đến khán giả bởi vì họ đã quá quen thuộc với hình tượng của nam diễn viên Harrison Ford.

“Trailer của Rogue One xuất hiện 247 ngày trước khi bộ phim được phát hành. 35 giây đầu tiên hầu như tập trung vào Felicity Jones trong vai chính Jyn Erso và giới thiệu cô như một anh hùng mới”, Creutz viết. “Trong khi đó, trailer của Solo chỉ đến 108 ngày trước khi bộ phim được phát hành và có quá ít khoảng thời gian cho nhân vật chính”.

Chưa hết, Creutz còn cho rằng chiến dịch marketing của Solo chỉ thật sự chạy nước rút vào một tháng cuối cùng trước khi phim công chiếu. Và như thế là không đủ đối với một thương hiệu lớn như Star Wars.

Tương lai của Star Wars

Thất bại của Solo chắc chắn không gây ra thiệt hại gì đáng kể cho Disney. Khoản lỗ 80 triệu USD chẳng thấm vào đâu so với khoản lãi ròng hơn 1 tỉ USD mà thương hiệu Star Wars đã mang lại cho hãng. Đó là chưa tính đến việc Disney đã sở hữu 2 bộ phim có doanh thu trên 1 tỉ USD trong năm nay là Avengers: Infinity WarBlack Panther.

Theo nhận định từ công ty Cowen, phần phim tiếp theo là Star Wars Epsiode IX công chiếu vào cuối năm 2019 chắc chắn sẽ nối tiếp thành công của The Last Jedi hoặc hơn. Và nếu như biết cải thiện chiến dịch marketing của mình thì Disney vẫn còn cơ hội cho những phần ngoại truyện tiếp theo.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thất bại đầu tiên và đau đớn của vũ trụ điện ảnh Star Wars