Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992. Ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký – Niềm vui nối tiếp niềm vui

FN | 15/11/2021, 15:11

Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992. Ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.

Sau ngày thi tốt nghiệp chừng nửa tháng, thầy Châu lại đến thăm nhà tôi. Tôi không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu nữa. Chỉ biết đã nhiều lần lắm rồi. Lần thì thầy xuống thăm sức khỏe bố mẹ tôi, lần thì thầy xuống đưa cho tôi vài thếp giấy hay lọ mực rồi ngủ lại qua đêm. Cũng có lần thầy ở chơi cả ngày, ân cần bảo ban tôi từng li từng tí về những điều cần thiết cho tu dưỡng và học tập. Lại có lần thầy mang cả cây đàn vi-ô-lông đến vừa kéo đàn vừa dạy tôi hát. Đầu năm nay thầy mới chuyển về trường vừa dạy toán vừa làm chủ nhiệm lớp 7B, thế mà thầy đã coi tôi như đứa em ruột.

toi-di-hoc-niem-vui.jpg

Thầy còn trẻ lắm, mới ngoài hai mươi thôi. Mẹ tôi bổ dưa hấu và rang lạc mời thầy. Vừa cầm miếng dưa đỏ tươi đưa tăm gảy tanh tách các hạt đen lánh xuống mâm, thầy vừa hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ tôi và việc thu hoạch vụ chiêm vừa qua. Thầy chuyển sang kể về tình hình học tập của tôi.

- Kết quả thi tốt nghiệp vừa qua, Ký xuất sắc lắm hai bác ạ! Trong bốn môn, em nó đạt ba điểm 5 đấy.

Rồi không đợi bố mẹ tôi kịp nói gì, thầy đã tiếp:

- Hai bác còn nhớ ngày cháu dẫn Ký đi thi học sinh giỏi trên tỉnh không?

- Thưa thầy giáo, còn nhớ chứ ạ! - Bố tôi đáp.

- Kết quả của đợt thi ấy Ký cũng đạt tốt. Cháu vừa nhận được tin Ký được giải 5 trong số các học sinh giỏi toán lớp Bảy của miền Bắc đấy.

Tôi giật thót mình, sung sướng lịm người. Nhưng chưa hết đâu. Giữa lúc ấy thầy lại nói tiếp với bố mẹ tôi một tin vui khác: “Và lần thứ hai Bác Hồ lại gửi tặng huy hiệu cho Ký, hai bác ạ!”

Thật không sao nói hết nỗi ngạc nhiên vui sướng của tôi lúc này. Bố mẹ tôi càng xúc động hơn. Tôi nhìn rõ những giọt nước mắt trào ra nơi khóe mắt cả hai.

Tôi đưa thầy đến thăm nhà Tam, Phụ và cả Liễu nữa. Nhà Liễu tuy ở xã Hải Quang nhưng cũng chỉ cách xóm tôi chừng hơn một cây số.

Thú vị nhất là cả hai thầy trò được Liễu mời đi tham quan trên một du thuyền nhỏ nơi chiếc hồ sen mênh mông ngay sau làng. Được lênh đênh trên sóng nước êm đềm, len lỏi giữa bốn bề rừng sen cao quá đầu trong ngạt ngào hương thơm lan tỏa mát dịu của lá sen, hoa sen, nhụy sen, hai thầy trò cứ thoải mái mà thả hồn thưởng ngoạn với cảm giác mê đắm, ngỡ ngàng như đang lạc vào một xứ sở thần tiên nào.

Thầy trò tạm biệt chiếc hồ sen, chia tay Liễu khi mặt trời đã gần tắt nắng. Trên đường về, vừa đi thầy Châu vừa khoác tay lên vai tôi khẽ hỏi:

- Em đã xác định hướng phấn đấu trong thời gian tới chưa hả Ký?

Tôi lúng túng một lát rồi đáp:

- Em xác định rồi... Em định xin đi học vẽ.

Từ lâu tôi đã thích vẽ. Hồi học cấp một, điểm tập vẽ của tôi bao giờ cũng khá. Đến cấp hai tôi đã vẽ và tô màu được những tấm bản đồ khá đẹp. Quyển vở ghi sinh vật của tôi bài nào cũng có minh họa dù thầy không yêu cầu. Tôi nhìn vào các hình trong sách giáo khoa rồi vẽ phóng vào vở. Đó là hình một con ếch đang ngồi, con cá đang bơi, hay bộ xương của một loài thú với rất nhiều những đường nét phức tạp.

Tôi còn phóng to một loạt ảnh của các nhà du hành vũ trụ Liên Xô như Ga-ga-rin, Ti-tốp để treo ở tường nhà hoặc tặng cho những bạn nào thích trong lớp.

Chiếc bưu ảnh Pa-ven ngồi đọc sách cũng được tôi phóng to bằng chì đen dán ngay ở trước tủ đựng sách - thư viện nhỏ của tôi.

Có hôm ngẫu hứng tôi nhờ mẹ trải chiếu ra góc sân, say sưa vẽ cảnh trước ngôi nhà thân thương của mình. Có chiều tôi mải mê ngồi hàng giờ trên bãi cỏ sau làng vẽ cảnh quê hương. Cứ sau mỗi lần vẽ ấy tôi lại thấy yêu thêm ngôi nhà mình, yêu thêm cảnh làng quê êm đềm tươi đẹp, lại thấy thân thiết gắn bó với từng rặng tre, từng bóng cau, từng chiếc cầu nhỏ, từng tiếng sáo diều ngân nga trong vắt giữa không trung lồng lộng sắc trời thu. Và càng vẽ tôi càng ham mê. Chính thế nên tôi đã có ý định xin đi học vẽ để một ngày kia lại được trở về vẽ cảnh quê hương, khi ấy hẳn những bức tranh của tôi sẽ giống và đẹp hơn bây giờ nhiều. Lặng lẽ suy nghĩ một lát, thầy Châu lắc đầu cười bảo tôi:

- Không nên Ký ạ! Thầy khuyên em nên tiếp tục học cấp ba. Tốt nghiệp xong lớp Mười, khi ấy em xin đi học gì chắc cũng không khó. Không ai không thừa nhận năng khiếu hội họa của Ký. Song năng khiếu toán học mới thực sự là tiềm năng của em. Biết đâu một ngày không xa em sẽ trở thành Pôn-tơ-ra-i-ghin của Việt Nam. Nhưng bây giờ trước mắt em cứ phải tiếp tục học lên cấp ba cho tốt đã. Thầy suy nghĩ và thấy chỉ có như vậy, em mới có điều kiện nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ước mơ đẹp của mình.

Về nhà suy nghĩ lại, tôi quyết định nghe theo lời thầy Châu. Mấy ngày sau tôi nộp đơn xin thi vào cấp ba cùng với Tam, Phụ và Liễu.

Hôm ấy, trước lúc chia tay, thầy Châu đã tặng tôi cuốn sổ chép tay những bài toán hay dành cho học sinh giỏi toán cấp ba và chiếc huy hiệu Đoàn của mình:

- Trước lúc xa em, thầy Châu có 2 kỷ vật nhỏ này tặng Ký. Mong Ký nhận ra ở đây những gì thầy gửi gắm. Đường em đi chắc còn gặp nhiều khó khăn đấy. Nhưng với quyết tâm và nghị lực sẵn có, thầy tin tưởng em sẽ vượt qua tất cả. Và hy vọng một ngày không xa em sẽ thành công trên đường chinh phục những đỉnh cao mơ ước.

Theo Tôi đi học, tự truyện của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

Bài liên quan
Miền Bắc ngày nắng hanh, đêm và sáng sớm trời rét
Dự báo thời tiết ngày 18.1, miền Bắc trời rét, trưa chiều trời nắng. Khu vực Thanh Hóa - Quảng Trị có mưa vài nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy Nguyễn Ngọc Ký – Niềm vui nối tiếp niềm vui