"Linh ứng" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là câu chuyện về thế giới tâm linh kỳ lạ mà ông tiếp cận được trong hành trình đi tìm mộ người anh trai hy sinh trong chiến tranh.

Thế giới tâm linh qua câu chuyện có thật của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Tiểu Vũ | 16/01/2022, 16:49

"Linh ứng" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là câu chuyện về thế giới tâm linh kỳ lạ mà ông tiếp cận được trong hành trình đi tìm mộ người anh trai hy sinh trong chiến tranh.

Ngày 16.1.2022, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có buổi gặp gỡ thân mật với báo giới TP.HCM để giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông, đó là Linh ứng – cuốn sách kể lại cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi - anh ruột của nhà văn bằng phương pháp ngoại cảm. Tuy nhiên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không chỉ đơn thuần là một “tường thuật” về hành trình đi tìm mộ mà còn mở ra cho người đọc một thế giới tâm linh huyền bí với những câu chuyện ly kỳ bí ẩn đến khó tin nếu như đó không phải là câu chuyện của chính tác giả.

Là một nhà văn, nhà biên kịch có tên tuổi với những tác phẩm đình đám một thời như Cù lao tràm, Đứng trước biển,... hẳn Nguyễn Mạnh Tuấn biết rõ, chọn viết về chủ đề gây tranh cãi này là một sự mạo hiểm, đặc biệt là khi Linh ứng được ông nhận định rằng có thể sẽ là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng với khả năng của một cây viết kỳ cựu cùng vốn sống phong phú của hơn 70 năm cuộc đời, tác phẩm Linh ứng không đơn thuần chỉ tường thuật cuộc kiếm tìm hài cốt mang đầy sự kỳ bí, mà thực chất đây là câu chuyện của lịch sử và ký ức, của giá trị gia đình và tình thân con người, của nỗi đau chiến tranh và khát vọng giải phóng dân tộc.

271920873_5079411335410377_1346474019369446322_n.jpeg
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn tại buổi gặp gỡ báo giới TP.HCM sáng 16.1.2022 - Ảnh: Tiểu Vũ

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - con người giàu vốn sống với cuộc đời nhiều thăng trầm, từ “chàng trai phố cổ”, người công nhân mỏ rồi lang bạt tới miền Nam và bén rễ với mảnh đất này, va chạm với đủ mọi hình thái kinh tế, thể chế, khốn đốn của dư luận lại nhận tác phẩm của mình chính là “hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh”. Điều đó làm cho cuốn sách mang một màu sắc mới: không liêu trai chí dị, mà dần vén bức màn bí ẩn về thế giới tâm linh dưới ánh sáng của một con người luôn sống với niềm tin vào khoa học.

Linh ứng kể lại hành trình vợ chồng tác giả đi tìm hài cốt của người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi đã hy sinh hơn 40 năm trước, với sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm. Cuộc tìm kiếm ở thời điểm hiện tại, được kể đan xen với các dữ liệu trong quá khứ, đưa người đọc đi từ không gian đô thị phát triển hiện nay, trở về với Hà Nội vào những năm thập niên 50 với vẻ đẹp cổ xưa, rồi theo bước chân của những thanh niên giàu lý tưởng lên núi rừng gian khổ để đồng hành cùng vận mệnh của đất nước.

Với những ai chưa hề trải qua chiến tranh, cấu trúc kể chuyện xen kẽ theo dòng thời gian này là một giải pháp hữu hiệu để tiếp cận những mất mát, đau thương của những nhân vật, cũng là số phận chung mà chiến tranh đã gây nên cho dân tộc này.

Lịch sử được khám phá bởi những mảng màu ký ức của từng nhân vật trong Linh ứng. Có người đã chết vì bom đạn, có người ở lại chứng kiến những đổi thay, mỗi người là một câu chuyện, là một nỗi niềm. Ta được thấy những liệt sĩ như Nguyễn Minh Khôi hay Danh Hùng với cảm xúc và khát vọng của tuổi trẻ. Họ không chỉ là những cái tên trong danh sách hàng trăm ngàn người lính đã bỏ mạng, mà đối với gia đình và bạn bè, họ là ruột thịt, là người bạn thời thơ ấu, là mối tình đầu khôn nguôi. Cái nhìn gần gũi về các thanh niên đầy sức sống ấy, trong sự tương quan với hiện trạng là hài cốt của biết bao liệt sĩ vẫn bị chôn vùi dưới lớp đất lạnh lẽo không ai biết đến, càng đem lại cảm giác đau đớn cho độc giả trên từng trang sách.

Trong Linh ứng, số phận cá nhân được phóng chiếu rộng ra để trở thành số phận dân tộc. Một trong những nhân vật quan trọng nhất của cuốn sách lại là một điệp viên đứng giữa lằn ranh của hai bờ chiến tuyến. Chiến tranh chia cách, đặt tình thân ở thế đối đầu; và chiến tranh cũng ẩn chứa những sự thật phức tạp mà người trong cuộc bằng mọi giá phải giữ bí mật vì vận mệnh chung, kể cả phải hy sinh hạnh phúc gia đình. Kẻ xấu duy nhất ở đây chính là chiến tranh, còn những cá nhân, dù số phận buộc họ phải chọn phe, thì họ cũng đã luôn mong cầu sự hòa hợp, bình yên. Lật giở những lớp lang, những mối quan hệ chồng chéo giữa các nhân vật, ta hiểu tác giả muốn hướng đến sự hòa giải dân tộc.

270200835_345134497445834_8474575571937102371_n.jpeg
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ký sách tặng bạn đọc

Bản thân vợ chồng tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn vốn thuộc giới trí thức vô thần, sau mọi nỗ lực lần mò trong biển dữ liệu về cuộc chiến, cũng đành nhờ cậy các nhà ngoại cảm. Dù rất dè chừng với phương thức chưa được kiểm chứng này, nhưng lòng trắc ẩn đã khiến họ không đành lòng để người thân đã khuất mãi nằm lại ở nơi đất khách quê người. Ở đây, những tình tiết về cõi âm không chứa đựng sự rùng rợn, mà chính là nguồn cơn dẫn lối đến với đoàn tụ, và cũng là giải thoát cho tinh thần người trong cuộc.

Những trải nghiệm được tác giả thuật lại trong Linh ứng là một mảnh ghép của vũ trụ bao la, nơi con người sẽ tiếp tục hành trình khám phá những điều bí ẩn xung quanh sự tồn tại của chính mình. Biết đâu, đằng sau tấm màn che khuất đi những điều chưa thể lý giải ấy, ta sẽ tìm được câu trả lời cho những khắc khoải của đời người.

271921861_5079411518743692_997588262266586018_n.jpeg
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ với phóng viên về hàng trình đi tìm mộ anh trai - Ảnh: T.V

Với Linh ứng, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không cố giải đáp các vấn đề tâm linh dưới góc nhìn của khoa học, bởi như T.S Bùi Tiến Quý - Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự cho biết: “Trước đây, tất cả những chuyện này bị gọi chung là mê tín dị đoan, bị đả phá, thậm chí những người này còn bị bắt đi cải tạo. Nhưng thực tế, không riêng Việt Nam mà cả các nước văn minh hàng đầu thế giới cũng phải thừa nhận thực tế là có những người có khả năng giao tiếp với cõi âm, nên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã lập ra hai viện khoa học, chuyên nghiên cứu về đề tài này”.

271920543_5079411512077026_4578963482934023502_n.jpeg
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - Ảnh: T.V

Với lối kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác giả đã khắc họa lên hình ảnh chàng trai Hà Nội tài hoa, một người lính dũng cảm, kiêu hùng và lãng mạn. Sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Khôi đại diện cho một thế hệ thanh niên Việt Nam đi theo tiếng gọi cứu quốc. Dù được gia đình sắp đặt cho một tương lai tươi sáng hơn, nhưng chàng trai trẻ ấy lại chọn xung phong ra chiến trường, với lý tưởng “người ta chỉ sống có một lần, phải biết sống sao ra sống, để không phải hối hận”.

Bên cạnh nhân vật chính, người đọc cũng sẽ nhìn thấy phố cổ Hà Nội hiện lên như những thước phim sống động, hào hoa của những năm 1940 với những điều vừa quen, vừa lạ như bãi giữa sông Hồng, xóm chợ Đồng Xuân – Bắc Qua… Trên tất cả là tình người gắn bó giữa những đứa trẻ, những gia đình sinh sống tại đây. Những đứa trẻ lớn lên cùng nhau, dù con đường họ lựa chọn khác nhau nhưng đã luôn sát cánh, hỗ trợ và tin tưởng nhau như Huy Lạc, Danh Hùng, Minh Khôi… Dù đến phút cuối, trên chiến trường, hoàn cảnh bắt buộc họ phải đứng trên hai chiến tuyến khác nhau, hướng nòng súng vào nhau nhưng đến khi hi sinh, họ vẫn ở bên cạnh, bảo bọc cho nhau.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng dư âm của nó vẫn còn. Cái giá phải trả cho hòa bình cũng đầy đau thương và nước mắt từ nhiều phía. Đó là người cha – chiến sĩ tình báo đã phải từ bỏ người vợ tào khang để kết hôn với một người bên kia chiến tuyến, mang nỗi hối hận vì không thể thành thật với gia đình cũng như người con trai đã chết của mình. Đó là người em dành 40 năm tìm mộ của người anh trai, và người đồng đội trở về với dư chấn của chiến tranh, sống nửa tỉnh nửa mê…

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945. Bắt đầu viết văn khi còn rất trẻ, lúc vừa gia nhập Thanh niên Xung phong, Nguyễn Mạnh Tuấn gần như đã dành cả sự nghiệp văn chương của mình để viết về những vấn đề xã hội. Ông là tác giả của các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, đã tạo tiếng vang lớn trên văn đàn và trong đời sống xã hội, như Những khoảng cách còn lại (1980), Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1984). Những tác phẩm của ông nâng số phận con người lên thành bối cảnh xã hội, với những phản ánh trung thực, kèm theo dự báo và kiến nghị.

Từ khoảng năm 2000 trở đi, ông dần chuyển sang lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Trong lĩnh vực này, tên tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn cũng để lại dấu ấn với các kịch bản phim điện ảnh: Biển sáng, Xa và gần, Cơn lốc đen, Lưới trời, Sinh mệnh, Lối rẽ trái trên đường mòn, Tử hình... và gần đây nhất là Hợp đồng bán mình (2020). Đặc biệt, ông cũng đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong ngành điện ảnh, như Cánh diều vàng, Giải thưởng truyền hình VTV…

 

Bài liên quan
Nhà văn Trần Hữu Lục trong ký ức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ
“Hoàn toàn không thể đi ra đường, ngay cả một vòng hoa viếng tang cũng không thể có trong trường hợp toàn thành phố giãn cách triệt để "ai ở đâu ở yên đó", chúng tôi chỉ còn biết viết mấy dòng này tưởng nhớ và tiễn đưa bạn xưa về bên kia thế giới” – nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ viết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới tâm linh qua câu chuyện có thật của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn