Vào thời điểm này, trên các tuyến kênh, rạch, sông tỉnh An Giang rất dễ bắt gặp hình ảnh ngư dân hì hục dỡ chà bắt cá.
Hơn 25 năm theo nghề dỡ chà
Sáng 10.3, người viết đã có cuộc trò chuyện với anh Tâm Tịnh (tên thật là Trần Thanh Hùng, 45 tuổi) có hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề đặt chà bắt cá ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Anh Tâm Tịnh kể: “Tui làm nghề dỡ chà từ năm 18 tuổi cho đến bây giờ. Ở Long Xuyên, người làm nghề cùng thời với tui còn có anh Năm Bình, Ba Hòa và nhiều người khác nữa.
Tui quê tận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ và vào lập nghiệp ở An Giang đã hơn 25 năm. Khi ấy vùng này còn nhiều tôm cá, tui theo mấy người chuyên dỡ chà để học nghề. Ban đầu, tui chỉ làm chuyện vặt như nắm phụ mành lưới, vác chà, dần về sau học được kỹ thuật thì tích góp mua tấm lưới để bước chân vào nghề.
Nghề chà cá suốt ngày lặn hụp dưới sông. Những khi tiết trời ấm thì việc dỡ chà là một thú vui, nhưng khi trời chuyển mùa thì gió lạnh thấu xương. Lúc đó dù dỡ chà đến nỗi tay chân trắng bệt, môi thâm... nhưng tui vẫn phải lặn hụp dưới sông bởi đó là công việc thường ngày”.
Anh Tịnh chia sẻ thêm: “Làm nghề riết rồi quen, chỉ cần nhìn đống chà là tui biết phải dỡ trong bao lâu, cá nhiều hay ít. Gặp những đống chà sâu 9 - 10 mét thì khi lặn lên là tui lâng lâng đầu óc, lỗ tai lùng bùng”.
Theo chân ngư dân dỡ chà bắt cá
Khoảng 8 giờ sáng, người viết cùng ông Tịnh đi ghe đến đám chà (rộng từ 30 - 50m2) đặt cặp theo bờ sông Hậu. Đi cùng anh Tịnh còn có Đạt (cháu ruột), Sang (con rể) và anh Việt (người cùng địa phương). Ngoài ngư cụ đã chuẩn bị từ đêm qua, nhóm anh Tịnh còn mang theo cơm, nước, đồ dùng cần thiết hỗ trợ cho việc dỡ chà.
Đến 9 giờ cùng ngày, nước bắt đầu ròng cũng là lúc nhóm của anh Tịnh bắt tay vào công việc. Lúc này, Đạt và anh Việt dùng cọc tre dài khoảng 5 - 6 mét đẩy lưới xuống đáy sông và quây lưới bao xung quanh khu vực chà. Mép trên của tấm lưới sẽ được móc vào ngạnh tre cao nhất đề phòng cá nhảy ra. Phía vòng ngoài, anh Tịnh dùng lưới màng giăng để đón bắt những con cá nhảy ra khỏi khu vực.
Tiếp đến, Đạt và anh Việt lặn sâu xuống sông để gom những nhánh chà chuyển lên cho Sang và anh Tịnh vứt sang ngay bên cạnh. Việc này nhằm tạo thành đống chà mới để sang năm lại có thể tiếp tục khai thác.
Do lặn sâu trong làn nước lạnh buốt nên đôi mắt Đạt và anh Việt đỏ hoe, da nhợt nhạt. Để giữ ấm cơ thể, sau khi lặn một lúc cả hai người lại lên ghe ngồi nghỉ uống nước nóng và hút thuốc.
Vừa nhặt chà, Đạt và anh Việt vừa thu hẹp vòng lưới nhằm khép chặt bầy cá. Sau 4-5 tiếng, việc khép lưới hoàn thành tạo thành “túi cá”. Lúc này, anh Tịnh và Sang kéo lưới lên mép ghe, thu gọn dần dần. Vừa kéo anh Tịnh vừa dùng mái chèo quậy nước trong “túi cá” để loại bỏ bớt bùn đất, nhánh chà cùng lá khô. Khi nhìn thấy đàn cá quẫy mạnh trong lưới, anh Tịnh dùng rổ xúc cá vào túi đã chuẩn bị sẵn.
Mớ cá được thu hoạch hôm nay phần lớn là cá mè vinh, rô phi, cá trèn và thác lác. Tổng cộng anh Tịnh bắt được hơn 50kg cá. “Từ đầu vụ dỡ chà đến giờ, hôm nay là trúng nhất”, anh cười nói.
Thành quả từ buổi dỡ chà, anh Tịnh giữ lại một phần cá trèn, cá lóc cho bữa cơm của gia đình. Trong số còn lại, anh lựa những con cá ngon nhất chia cho các thành viên trong nhóm. Số cá thu hoạch được sẽ chuyển về nhà để phân loại và bán cho thương lái, thu vài triệu đồng. Anh Tịnh nói: “Nhiêu đây tiền cũng đủ trả tiền điện, nước, gạo mắm, muối tháng này”.