Tỷ lệ các dự án đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể (đạt tới 79,9% tính đến năm 2013) đang là một dấu hiệu không hẳn là tích cực cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Như đã phân tích trong phần I, việc Việt Nam coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như là cứu cánh và động lực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng khi khu vực doanh nghiệp trong nước đang rơi vào tình trì trệ, dẫn tới những tác động không hề nhỏ đối với nền kinh tế hiện tại và về lâu dài. Nó không chỉ dẫn đến việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI, mà còn khiến cho cơ cấu nền kinh tế mất cân bằng một cách trầm trọng, và về lâu dài sẽ tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu không có những biện pháp điều chỉnh lại tình hình thì trong tương lai Việt Nam sẽ phải đối phó với những rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.
Để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng khi mà khu vực các doanh nghiệp trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề và rơi vào trì trệ, Việt Nam buộc phải tìm cách đẩy cao hơn quy mô của khu vực FDI trong nền kinh tế, dẫn đến việc Chính phủ và các địa phương trong cả nước tìm mọi cách để mời gọi các dự án đầu tư FDI theo tiêu chí về số lượng càng nhiều càng tốt, thậm chí là giảm bớt những tiêu chuẩn và quy định cần thiết cho các dự án đầu tư FDI cũng như dành cho các dự án này rất nhiều ưu đãi về thuế hay đất đai.
Điều này đã dẫn đến việc, phần lớn các dự án đầu tư FDI trong giai đoạn sau năm 2011 không được quy hoạch một cách cẩn trọng. Một trong số đó là việc khu vực FDI nhanh chóng bành trướng vào các lĩnh vực và ngành nghề vốn đang có những khoảng trống rất lớn do nền kinh tế bị khủng hoảng trong giai đoạn 2007-2011 tạo ra và để lại. Khá nhiều những lĩnh vực quan trọng đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế dần bị khu vực FDI áp đảo và chi phối.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực máy tính và linh kiện điện tử, khu vực FDI chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu có giá trị lên tới 34,3 tỉ USD. Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất điện thoại khi khu vực FDI chiếm tới hơn 98%; hay như trong lĩnh vực dệt may và giày da thì khu vực FDI cũng chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá khoảng 25,7 tỉ USD. Trong số khoảng 11 lĩnh vực hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD mỗi năm, thì hầu hết đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, chỉ có một số ít các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản là ngoại lệ.
Không chỉ để khu vực FDI nắm giữ các lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế, việc thiếu quy hoạch một cách bài bản các dự án đầu tư FDI trong những năm qua còn dẫn đến hậu quả là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang rất kém phát triển, đồng thời giá trị lan tỏa của các dự án FDI trong nền kinh tế rất thấp.
Trong khoảng thời gian đầu sau khi Luật đầu tư nước ngoài ra đời và có hiệu lực, Việt Nam chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp FDI theo hình thức liên doanh nên các doanh nghiệp FDI không có sự lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam cho phép các dự án FDI được quyền lựa chọn hình thức đầu tư thì tỷ lệ các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt lên đáng kể trong khi các dự án liên doanh giảm hẳn. Theo thống kê, trong giai đoạn 1993-1996, tỷ lệ các dự án liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 57,5% và 38% nhưng đến giai đoạn 1997-2000 tỷ lệ này đảo ngược thành 29% liên doanh và 63,7% các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài; còn đến giai đoạn 2011-2013 thì tỷ lệ này là 17,4% liên doanh và 79,9% các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Tỷ lệ các dự án đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể (đạt tới 79,9% tính đến năm 2013) đang là một dấu hiệu không hẳn là tích cực cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng như sự lan tỏa của các dự án FDI trong nền kinh tế. Các nhà đầu tư FDI luôn có xu hướng muốn tạo ra quy trình khép kín để có thể đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả của sản phẩm đồng thời đem lại lợi nhuận tối đa, và nếu được chọn thì họ chẳng dại gì chọn hình thức liên doanh (trừ một số trường hợp cần liên doanh như một cách thức mở rộng các kênh quảng bá và phân phối sản phẩm). Việc các dự án FDI được thiết lập theo quy trình khép kín khiến cho việc chuyển giao công nghệ cũng như san sẻ lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong nước trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, việc chấp nhận các dự án FDI một cách ồ ạt thiếu kiểm soát và thiếu quy hoạch còn dẫn đến việc hầu hết các dự án FDI vào Việt Nam đều thuộc dạng công nghệ trung bình và thiên về thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng rất thấp. Nó dẫn tới các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và thậm chí có thể biến Việt Nam trở thành nơi chứa các rác thải về công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất của việc khu vực FDI ngày càng chiếm một vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam là việc chúng ta đang quá phụ thuộc vào khu vực FDI, và điều này có thể đem tới những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Ngoài việc khu vực FDI đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến cuối năm 2015, thì nó cũng đang làm tăng mức độ rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam có thể gặp phải. Trước hết, việc ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI khiến cho nền kinh tế Việt Nam càng dễ bị tác động bởi các biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Theo thống kê trong 139 quốc gia trên thế giới về mức độ kết nối toàn cầu, thì Việt Nam đứng thứ 37. Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) thì nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng lại có mức độ hội nhập lớn, và dễ bị tác động bởi các biến động của kinh tế thế giới. Nói cách khác, nếu như trong tương lai một sự kiện tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi 1997 diễn ra lần nữa, thì nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào khu vực FDI của Việt Nam sẽ chịu những tác động rất lớn.
Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, có thể khiến nền kinh tế Việt Nam gặp rủi ro lớn trong khoảng một thập kỷ tới. Vì các doanh nghiệp FDI luôn có xu hướng di động và chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nếu có những lợi thế tốt hơn, và điều này có thể gây ra xáo trộn lớn cho nền kinh tế trước đó từng là cứ điểm của đầu tư FDI.
Đúng là có những ngoại lệ như Singapore khi nền kinh tế đảo quốc này cũng có tỷ trọng rất lớn doanh nghiệp FDI mà vẫn có được sự ổn định trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, Singapore là một trường hợp đặc biệt, khi nước này vừa là một trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới, lại vừa có một nền kinh tế phát triển đã chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức. Đầu tư FDI vào nền kinh tế tri thức của Singapore vì thế cũng bền vững và lâu dài hơn so với các nền kinh tế vẫn đang ở mức thâm dụng lao động là chủ yếu như Việt Nam hay Trung Quốc. Gần 1.000 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đã bị rút khỏi Trung Quốc trong những năm qua khiến cho cơ cấu nền kinh tế nước này bị xáo trộn nghiêm trọng, thì một kịch bản tương tự xảy ra với Việt Nam trong tương lai là hoàn toàn có thể.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Vneconomy, Dantri)