Vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành một trong những vấn đề nóng đáng quan tâm của xã hội. Nhận thức được điều này, hiện nay đã có nhiều cam kết đến từ các doanh nghiệp và cơ quan về việc cung cấp 100% thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên...
Trao đổi với báo giới về vấn đề này bên lề Hội thảo “Thực phẩm sạch và xu hướng tiêu dùng hiện đại” tại Hà Nội ngày 16.3, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý.
|
Bà Định Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Tuyết Nhung |
Xu hướng tiêu dùng hiện đại và thực phẩm sạch hiện đang được người tiêu dùng quan tâm, bà đánh giá như thế nào về chất lượng thực phẩm hiện tại của thị trường Việt Nam?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong những năm qua, thị trường thực phẩm Việt Nam đã có nhiều cố gắng từ các phía, cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất đều ý thức được là phải có được thực phẩm sạch và an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng. Trên thực tế, những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Còn trên thị trường nội địa, thẳng thắn mà nói thì còn rất nhiều vấn đề, người dân vô cùng lo lắng trước nhiều sản phẩm chưa an toàn, sạch sẽ. Theo tôi, trong lĩnh vực này, người tiêu dùng cần phải được phục vụ những thực phẩm an toàn, sao cho đúng với tinh thần quyền của người tiêu dùng mà nhà nước đã đề ra.
Vậy theo bà đâu là cách nhận biết thực phẩm sạch và đâu là thương hiệu mà người tiêu dùng hướng tới?
Để nhận biết thực phẩm sạch thì vừa khó, vừa không khó. Khó ở chỗ là người tiêu dùng chỉ nhận biết theo cảm quan nên không thể biết được thực phẩm nào an toàn. Để biết được thì phải cần đến các thiết bị y tế để kiểm tra độc tố của sản phẩm, tuy nhiên đây lại là một yêu cầu quá cao đối với người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng cũng có thể tránh được một cách tối đa những sản phẩm không được an toàn bằng cách hướng tới những thương hiệu, các điểm bán lẻ có thể tin cậy, ngay cả những địa điểm như chợ truyền thống. Những cơ sở bán lẻ mà người tiêu dùng quen biết thì chắc chắn họ sẽ cung cấp cho chúng ta thực phẩm sạch, ví dụ như các thành viên của các hiệp hội bán lẻ VN như: Fivimart, Hapro… Những nơi này chắc chắn sẽ đảm bảo thực phẩm sạch, tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, đều có thể xảy ra những hiện tượng bất thường. Chúng ta không thể nào đảm bảo được 100% thực phẩm sạch vì điều đó chỉ là ảo tưởng.
Mối quan tâm hàng đầu của Hiệp hội bán lẻ là khi xảy ra bất cứ chuyện gì thì đều đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng là hàng đầu và làm sao để khắc phục những vi phạm. Vậy làm sao để nhận biết thực phẩm sạch? Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội phải tăng cường quảng bá, tuyên truyền để người tiêu dùng biết đến và tin dùng.
Hiện nay vẫn còn những trường hợp ngộ độc thực phẩm và thực phẩm không sạch tràn lan, bà có suy nghĩ gì?
Ngộ độc giờ đây không chỉ dừng lại ở những gia đình, cá nhân mà ở các khu vực tập thể, khu công nghiệp… Đây là điều rất đau xót và không đáng vì vấn đề này không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe con người mà còn cả về tài chính. Điều này cũng ảnh hưởng không đẹp đến hình ảnh của đất nước, thị trường và nền kinh tế. Nếu liên tục xảy ra hiện tượng này thì không thể chấp nhận được, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu dùng.
Tôi cho rằng cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa đến từng cơ sở sản xuất và phân phối. Cần có chế tài mạnh hơn đối với những cơ sở vi phạm phải như tước giấy phép hành nghề, cấm không được hành nghề liên quan đến thực phẩm. Không chỉ phạt tiền vào ngân sách nhà nước mà còn bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là nạn nhân trong trường hợp này.
Bà đánh giá như thế nào về vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề an toàn thực phẩm?
Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của thực phẩm đối với an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực phẩm không sạch, không an toàn vẫn còn trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Theo đó, tôi thấy rằng việc quản lý của các cơ quan vẫn còn chồng chéo, không có người quản lý hay chịu trách nhiệm trực tiếp, vẫn còn chần chừ, chưa xử lý ngay các vụ việc.
Theo tôi cần phải rà soát lại những khung pháp lý để làm sao đảm bảo phù hợp với xu hướng và các quy định của quốc tế. Điều quan trọng là làm sao mà từ chính sách đến quy định pháp luật phải đi vào cuộc sống, không chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Trong thời kỳ hội nhập nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất những thực phẩm không tốt, không sạch như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, cụ thể là trong lĩnh vực xuất khẩu, bà có bình luận gì?
Theo tôi, vấn đề này là một vấn nạn lớn và những người bị thiệt hại lớn sẽ là bà con nông dân vì họ là người trực tiếp sản xuất ra thực phẩm. Vì thế, các cơ quan như hiệp hội nghề, hiệp hội chăn nuôi… phải vào cuộc để cảnh báo người dân cũng như xử lý nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên làm nhỏ lẻ mà phải biết liên kết, cùng chung tay để làm sao có được quy mô sản xuất lớn hơn, an toàn hơn để phục vụ người tiêu dùng.
Tuyết Nhung (ghi)