Về nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Đến giờ phút này, qua theo dõi quan trắc thì rất phấn khởi, các tiêu chí về lý hóa cơ bản đáp ứng phù hợp môi trường".

Thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho kết quả rất khả quan

Hồ Đông | 08/06/2023, 16:45

Về nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Đến giờ phút này, qua theo dõi quan trắc thì rất phấn khởi, các tiêu chí về lý hóa cơ bản đáp ứng phù hợp môi trường".

Ngày 8.6, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) về vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vật liệu đất, cát, san nền để thực hiện các công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có tình trạng khó tiếp cận về nguồn vật liệu nhưng không phổ biến, chỉ ở một vài dự án và chỉ trong giai đoạn đầu triển khai.

Nguyên nhân chính là khi làm thủ tục để được cấp mỏ, doanh nghiệp phải mất thời gian trong khi dự án vẫn được tiến hành. Do vậy, giai đoạn đầu doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên thị trường, có những nơi đòi giá cao hơn so với giá công bố khiến doanh nghiệp không thể mua vì sẽ không thể hạch toán.

Theo ông Thắng, nhờ Nghị quyết 43, việc cấp mỏ đã được các địa phương giải quyết rất nhanh so với thời gian quy định trong Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn có địa phương lúng túng trong việc áp dụng nghị quyết này.

Do đó, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cử người tới các địa phương, đặc biệt là ở khu vực miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, An Giang để giải quyết. Đến nay, vấn đề nguyên vật liệu đã được giải quyết.

Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có trữ lượng 130 triệu mét khối cát, tập trung ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Tám dự án trên khu vực này cần 50 triệu mét khối cát, theo quy hoạch vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu phục vụ.

Riêng dự án Cần Thơ - Cà Mau, vừa qua, trên cơ sở làm việc với 3 tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo giao cho tỉnh An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh cung cấp 7 triệu mét khối cát, Vĩnh Long là 5 triệu, trong thời gian triển khai dự án. Trong năm đầu tiên, An Giang và Đồng Tháp cung cấp là 3,3 triệu mét khối, Vĩnh Long 1 triệu mét khối cát. Các tỉnh rất ủng hộ và cấp phép đủ và tiếp tục cấp để đảm bảo đủ nguồn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) liên quan việc nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án Hậu Giang - Cà Mau).

Hiện nay bộ đã thử nghiệm trên một số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng cát biển thay thế 100% cát thông thường. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng  cho biết: “Đến giờ phút này, qua theo dõi quan trắc thì kết quả rất phấn khởi, các tiêu chí về lý hóa cơ bản đáp ứng phù hợp với môi trường, ví dụ tỷ lệ độ mặn khoảng 8 - 9%, cũng phù hợp với tỷ lệ độ mặn ở khu vực ĐBSCL. Hiện Bộ GTVT theo dõi thêm một số chỉ tiêu cơ, lý hóa khác”.

Bộ trưởng cho biết kết quả đánh giá dự kiến sẽ có vào cuối năm 2023. "Nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu chính cho các dự án trong khu vực ĐBSCL, giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt vật liệu, bởi chỉ riêng Sóc Trăng, theo trữ lượng đã có khoảng 14 tỉ mét khối cát biển, thoải mái để chúng ta triển khai các dự án cao tốc lớn trong khu vực", ông Thắng khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho kết quả rất khả quan