UBND TP.HCM đã cho phép một số doanh nghiệp được sử dụng đất công xen cài để triển khai dự án nhà ở, trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ách tắc vì vướng luật.

Thị trường ách tắc, TP.HCM ‘giải cứu’ dự án bất động sản

Hồ Đông | 13/10/2021, 11:00

UBND TP.HCM đã cho phép một số doanh nghiệp được sử dụng đất công xen cài để triển khai dự án nhà ở, trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ách tắc vì vướng luật.

Thủ tục bị tắc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc không nhận hồ sơ

Hiện nay, thị trường bất động sản lâm vào cảnh khan hiếm nguồn cung, nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể triển khai thêm các dự án do vướng mắc về việc công nhận chủ đầu tư.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng chính những vướng mắc về công nhận chủ đầu tư đã khiến hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không được triển khai do không có 100% đất ở, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Tại TP.HCM có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư và bị “treo”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, từ năm 2015, đơn vị này đã có nhiều văn bản phản ánh về ách tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Trong khoảng 3 năm gần đây, UBND TP.HCM đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp, nhưng đang bị coi là vẫn chưa đảm bảo đúng các thủ tục hành chính, gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, tất cả các đề xuất quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của các dự án nhà ở thương mại đều bị "ách tắc", do Sở Quy hoạch - Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ của nhà đầu tư mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP.HCM. Nguyên nhân là do việc này trái với khoản 7, điều 19, Luật Quy hoạch đô thị quy định chủ đầu tư mới là người đề xuất đồ án quy hoạch chi tiết.

Vì vậy, HoREA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, thay thế từ "chủ đầu tư" bằng từ "nhà đầu tư" hoặc cụm từ "chủ đầu tư, nhà đầu tư, người sử dụng đất" vào khoản 7, điều 19, Luật Quy hoạch đô thị, để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở.

Đáng chú ý, trong văn bản về việc kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, HoREA cũng cho biết ngày 10.8.2020, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về những bất cập giữa Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư trong việc xác định chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu ý kiến: “Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên các luật này có hiệu lực để triển khai thực hiện từ ngày 1.1.2021”.

Chủ tịch HoREA nhận định văn bản này "có hàm ý" rằng phải đến ngày 31.12.2020 vẫn phải thực hiện theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014. Do vậy, từ lúc kiến nghị đến ngày 31.12.2020, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có thể không nhận giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của nhà đầu tư, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP. Lý do là bởi quyết định này ghi tên “nhà đầu tư”, chứ không phải “chủ đầu tư”. Điều này dẫn đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp tục bị ách tắc.

green-star-sky-garden-hung-loc-phat.jpeg
Dự án Green Star Sky Garden của Công ty Hưng Lộc Phát từng gây xôn xao dư luận khi xây "chui" 110 căn biệt thự

TP.HCM “giải cứu” nhiều dự án ở quận 7

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang bị ách tắc, mới đây, UBND TP.HCM đã cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát sử dụng đất để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng (tên thương mại là Green Star Sky Garden), tại phường Phú Mỹ, quận 7. Dự án có hơn 7.000m2 đất công xen cài và từng gây xôn xao dư luận xung quanh việc xây dựng 110 căn nhà phố.

Cũng liên quan đến dự án này, tháng 1.2018, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hoà Bình đã ký quyết định số 276/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Green Star Sky Garden cho Công ty Hưng Lộc Phát. Tuy nhiên, gần 3 tháng sau, đến tháng 4.2018, UBND TP.HCM mới có quyết định số 1280/QĐ-UBND, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và chấp thuận chấp thuận đầu tư dự án Green Star Sky Garden.

Tương tự Green Star Sky Garden, tại quận 7, dự án Đức Long Golden Land (tên khác là Sunshine Apartment hay Dragon Court) tại phường Tân Thuận Tây cũng được giải quyết thủ tục theo kiểu “đi tắt đón đầu”, trong thủ tục giao đất, cho thuê đất công cho doanh nghiệp. Dự án này được giao 6.641,1m2 đất công trong tổng diện tích dự án 11.000 m2.

Mặc dù 2 dự án ở quận 7 đã được giao đất công xen cài không qua đấu giá, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn “đau đầu” vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể cho Nghị định 148/2020/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 8.2.2021), về xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án. HoREA đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này song đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bài liên quan
TP.HCM: Kinh doanh ế ẩm, nhiều thương hiệu lớn ‘đua nhau’ trả mặt bằng
Thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp. Trong đó, có cả những thương hiệu nổi tiếng, thu hút được nhiều khách hàng như Starbucks, The Coffee House…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường ách tắc, TP.HCM ‘giải cứu’ dự án bất động sản