Còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2020, các hoạt động kinh doanh đang trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, các mặt hàng ngoại vẫn chiếm thị phần vượt trội trên thị trường.

Thị trường bánh kẹo trước Tết: Hàng ngoại 'lấn át'

09/12/2019, 07:42

Còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2020, các hoạt động kinh doanh đang trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, các mặt hàng ngoại vẫn chiếm thị phần vượt trội trên thị trường.

Thị trường bánh kẹo tết đã nhộn nhập với nhiều chủng loại, mẫu mã

Theo ghi nhận của PV tại các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, bánh kẹo nội lại đang bị lép vế so với hàng nhập ngoại. Tại nhiều cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên các tuyến phố như: Hàng Da, Hàng Buồm, Phố Huế... cũng như các chợ truyền thống như: Đồng Xuân, Cống Vị, Thành Công, Cầu Giấy… các lại bánh kẹo nhập ngoại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức… được bày bán rất nhiều.

Anh Văn, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Da cho biết, mấy ngày gần đây, lượng bánh kẹo được bán ra đã tăng rất nhanh, trong đó hàng nhập ngoại được tiêu thụ nhiều hơn hẳn so với hàng nội.

"Các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu vẫn có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng hơn các sản phẩm trong nước. Còn các loại bánh kẹo trong nước về chất lượng, hương vị lại không thay đổi nhiều. Bởi vậy, nếu để ăn và đi biếu tặng thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên hàng ngoại cho sang trọng", anh Văn chia sẻ.

Giá cả các sản phẩm bánh kẹo, mứt tết năm nay gần như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn thì giá tăng khoảng 2 - 5%. Giá các loại kẹo bán theo cân thường dao động từ 80.000 - 100.000/kg.

Tại chợ Đồng Xuân, thủ phủ của các loại bánh kẹo nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, lượng bánh kẹo cũng đang được nhập về với khối lượng lớn, trong đó chủ yếu là các loại kẹo đóng túi theo kg.

Theo các tiểu thương ở đây, giá bán cho khách sỉ rẻ hơn 1/3 so với giá bán lẻ. Gần Tết, các mặt hàng sẽ tăng giá từng ngày nên tâm lý người tiêu dùng đã sắm tết từ giờ, nhiều người mua sắm tết từ giờ nên mỗi ngày, các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân bán lên tới hàng chục triệu tiền hàng cho khách sỉ và lẻ.

Đáng chú ý, gần Tết cũng là thời điểm hàng giả hàng nhái được bày bán trà trộn nhiều. Những hộp bánh nhái với thương hiệu nổi tiếng được làm rất giống với hàng thật, có màu sắc bắt mắt, tương tự, rất khó để có thể phân biệt với hàng chính hãng.

Một số khách hàng có xu hướng mua hàng online, hàng xách tay... để tặng, biếu người thân, bạn bè trong dịp Tết thường rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi sản phẩm không đúng như hình ảnh quảng cáo.

Liên quan vấn đề mua phải hàng giả, hàng nhái, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, khi mua hàng qua mạng người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng. Vì thế, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với được quảng cáo.

Mặc dù các thương hiệu uy tín liên tục cảnh báo người tiêu dùng để tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, nạn hàng giả hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Hầu hết các sản phẩm làm giả đều không đáp ứng được yêu cầu về quy trình sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường. Nên mua tại các điểm bán chính thống như siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa đáng tin cậy. Tránh mua các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ thường được bày bán tại các chợ cóc.

Chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì. Chỉ mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp với ký hiệu cụ thể như sau: (số thứ tự)/(năm cấp)/ATTP-XNCB

Để bảo đảm về chất lượng, người tiêu dùng nên tự chọn các hộp bánh kẹo rời bên ngoài rồi gói thành giỏ quà để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp có những sản phẩm không rõ ràng về chất lượng được gói sẵn trong giỏ quà.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường bánh kẹo trước Tết: Hàng ngoại 'lấn át'