Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang thời điểm khó khăn, nhiều chủ đầu tư dự án đang bị kẹt giữa 2 “gọng kìm”, một bên là thủ tục pháp lý bế tắc, một bên là áp lực trả nợ vay, nợ trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một lớn.
Nhiều doanh nghiệp “khất nợ” trái phiếu
Từng nêu vấn đề này tại phiên chất vấn ở Quốc hội, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho hay khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 rất lớn, tới gần 290.000 tỉ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với 103.000 tỉ đồng. Ông băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp BĐS chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
"Việc này đã gây bức xúc cho nhiều người, làm sụt giảm niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư, khiến việc huy động vốn trái phiếu mới thấp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội", đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.
Gặp khó khăn này, từ đầu tháng 6 tới nay nhiều doanh nghiệp đã phải hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Mới nhất, Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia đã thông báo chậm thanh toán 105 tỉ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu SHHCH2125001. Lý do là doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn lực thanh toán (ngày dự kiến thanh toán là 20.6).
Cùng chung lý do trên, Công ty cổ phần Fuji Nutri Food đã thông báo chậm thanh toán 23 tỉ đồng tiền lãi của lô trái phiếu FNFCH2124001.
Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) cũng thông báo được gia hạn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỉ đồng, phát hành vào tháng 9.2022 thêm 21 tháng kể từ ngày đáo hạn 19.6. Novaland cho biết lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 19.6 đến ngày cuối cùng của kỳ hạn trái phiếu điều chỉnh sẽ cố định tại mức 11,5%/năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land mới đây đã công bố thông tin bất thường về nghị quyết của chủ sở hữu trái phiếu. Theo đó, ngày 21.6 vừa qua, chủ sở hữu lô trái phiếu KHGH2123002 đã thông qua việc kéo dài kỳ hạn đáo hạn đến ngày 22.6.2024, đồng thời điều chỉnh lãi suất trái phiếu thành 13,5%/năm. Kỳ tính lãi sẽ được điều chỉnh định kỳ 2 tháng/lần.
Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng SCG kéo dài thời hạn thanh toán của lô trái phiếu SCGCH20230001 từ 36 tháng lên 60 tháng. Sau điều chỉnh, ngày đáo hạn của lô trái phiếu này được dời đến cuối năm 2025, thay vì cuối năm 2023.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam thông báo chậm thanh toán 5 kỳ lãi (từ tháng 2 - 5.2023) của lô trái phiếu MNRCH2123001. Doanh nghiệp này cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền và dời ngày dự kiến thanh toán sang ngày 30.6. Tổng số tiền lãi chưa thanh toán là 8 tỉ đồng…
Số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy tháng 6 là thời điểm có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất năm với hơn 35.500 tỉ đồng. Con số này tăng gấp đôi so với tháng trước, dù đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn, tính đến ngày 23.5.
Tính đến cuối tháng 5 có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). VNDirect ước tính tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ toàn thị trường.
Khoảng 45.200 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu vẫn chưa khởi sắc. Tổng trị giá trái phiếu riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 26.100 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Dù vậy, hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra tích cực, nhiều doanh nghiệp đạt được thỏa thuận gia hạn.
Gia hạn nợ nhưng khó khăn còn đó
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp BĐS là trái phiếu doanh nghiệp.
“Trái phiếu của doanh nghiệp BĐS chiếm 2/3 thị trường trái phiếu. Trong khi đó, thị trường BĐS đang trong trạng thái "đóng băng", điều này khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp tục phát hành trái phiếu. Như vậy, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn để hoạt động và trả nợ cho trái chủ. Đây là một vấn đề cực kỳ nan giải và thậm chí sẽ ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, giai đoạn vừa qua nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu vô tội vạ. Do đó, dù nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu được ban hành, nhưng những khó khăn vẫn còn đó và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này vẫn chưa trở lại.
“Cuối năm nay một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn. Nếu doanh nghiệp không có tiền trả nợ thì phải khất nợ, gia hạn trái chủ 1 - 2 năm với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề là thị trường BĐS hiện nay vẫn khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ thì 1 - 2 năm sau doanh nghiệp liệu có dòng tiền để trả nợ hay không?”, ông Nhân nêu.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng của FiinRatings cho biết sự kiện chậm trả lãi và/hoặc gốc nợ vay, thường được gọi là “vỡ nợ”, thực tế là tình trạng bình thường ở bất kỳ thị trường nợ quốc tế nào.
“Các trường hợp được gọi là “vỡ nợ” nhưng thực sự cũng tương tự như nợ xấu nhóm 3 của các ngân hàng thương mại. Do đó, thị trường cần một hệ thống định nghĩa lại về vấn đề này để nhà đầu tư nắm rõ thực tế thực trạng chất lượng tín dụng trái phiếu doanh nghiệp và có các biện pháp rủi ro cần thiết nhưng thị trường vẫn vận hành ổn định và phát triển bình thường”, ông Tùng Anh nêu.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tùng Anh, nếu như dư nợ tín dụng được phân loại rõ ràng thành 5 nhóm, thì đến nay Việt Nam chưa có các quy định hoặc định nghĩa về phân loại xếp hạng tín nhiệm khi một doanh nghiệp rơi vào tình huống chậm trả lãi và/hoặc gốc của một hoặc một nhóm công cụ nợ hay còn gọi là “mất khả năng thanh toán” trên thị trường trái phiếu. Khoảng trống này có thể tạo ra tâm lý bất an trên thị trường khi xảy ra tình huống doanh nghiệp chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu khi đến hạn.