Ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) bày tỏ: "Các chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam không giống những nước khác. Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình".
Cầu nối giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc với Việt Nam
Sáng 23.6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KDB.
Phó thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của ngân hàng KDB, IBK trong vai trò là cầu nối quan trọng kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với các nhu cầu tài trợ cho các chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam; đánh giá cao việc IBK gần đây đã mở rộng hoạt động hướng tới các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong đó có các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đánh giá cao việc KDB với vai trò là một trong những mô hình ngân hàng phát triển 100% vốn Chính phủ thành công nhất đã ký kết và triển khai các Bản ghi nhớ về hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam nhằm chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm giá trị, hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng định hướng mô hình hoạt động phù hợp để tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn trong thời gian tới KDB tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực phù hợp cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
"Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình"
Ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KDB bày tỏ: "Các chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam không giống những nước khác. Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình".
Chủ tịch KDB chia sẻ, năm ngoái ông có gặp Chủ tịch một quỹ đầu tư lớn của Mỹ. Khi nhận định về nền kinh tế quốc gia nào có cơ hội phát triển nhất, ông ấy đã trả lời ngay: Đó là Việt Nam.
Theo Chủ tịch KDB, dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng bền vững. Đạt được kết quả đáng mừng đó, có vai trò rất lớn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Ông Kang Seoghoon cho biết, KDB là ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% vốn. Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ Hàn Quốc, KDB đã có sự phát triển tốt.
Chủ tịch KDB mong muốn thời gian tới sẽ thành lập chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ra thị trường thế giới.
Ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành IBK cho biết, hiện IBK đang vận hành chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời xúc tiến quá trình thành lập pháp nhân ngân hàng. Với tổng tài sản tại Việt Nam khoảng 1,5 tỉ USD, IBK đang hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như các đối tác.
Chủ tịch IBK Kim Sung-tae bày tỏ mong muốn được chuyển đổi về hình thức pháp nhân để không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tại các địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động,…
Chủ tịch IBK Kim Sung-tae nhấn mạnh, trong bối cảnh hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã nâng mức quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, IBK mong muốn sẽ thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua đó góp phần nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ của hai nước.
Khuyến khích các ngân hàng nước ngoài tham gia
Trao đổi về đề xuất của lãnh đạo KDB và IBK, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng hiện diện của các tổ chức tài chính - ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam và vẫn đang tiếp tục có số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hiện diện mới nhiều nhất hiện nay.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), hiện nay NHNNVN đang cùng lúc xử lý hồ sơ của 6 tổ chức ngân hàng Hàn Quốc đề nghị cấp phép mở mới hiện diện, trong đó có IBK và KDB. Tất cả các hồ sơ đều đã được NHNNVN có văn bản hướng dẫn về hồ sơ theo quy định hiện hành.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: "Tại Đối thoại kinh tế cấp Phó thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc tháng 3 vừa qua, tôi và Phó thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyung Ho cũng đã trao đổi về vấn đề này. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đều ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Hàn Quốc về việc xem xét xử lý đối với hồ sơ của các ngân hàng chính sách Hàn Quốc như KDB và IBK.
Hiện nay, số lượng các tổ chức trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã lên tới 96 tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có tới 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trụ cột tái cơ cấu khu vực tài chính mà tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, để tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.
Phó thủ tướng cho hay, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính-ngân hàng nước ngoài tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là lợi thế khi tổ chức tài chính nước ngoài mong muốn thiết lập hiện diện thương mại mới tại Việt Nam. Việt Nam cũng rất mong muốn các tổ chức tài chính-ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu này.