Nhiều phương án quản lý đã được đưa ra nhưng lúc này tình hình thị trường mũ bảo hiểm vẫn lắm rối rắm. Khi mà người tiêu dùng bị “tù mù”, người bán thì luôn tìm cách nhập nhằng thông tin mà cơ quan quản lý lại lúng túng “bịt đầu này lại hở đầu kia”.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, tình hình thị trường tại Việt Nam đang nổi lên nhiều vấn đề. Tỉ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, gắn máy đạt 90% nhưng chỉ có 30% mũ đạt chất lượng, còn lại 70% là mũ giả, kém chất lượng.
Việt Nam có khoảng 60 nhà nhập khẩu mũ bảo hiểm từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và trên 30 nhà sản xuất trong nước với 120 nhãn hiệu nhưng chỉ có khoảng 30 đơn vị công bố chất lượng sản phẩm.
Như vậy hết lần này đến lần khác, hết phương án này đến phương án khác để quản lý thì thị trường mũ bảo hiểm loạn vẫn hoàn loạn.
Về phía thị trường, theo khảo sát của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vài tháng trở lại đây, khi quyết định không xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm được thu hồi thì sản phẩm này lại tiếp tục tràn lan khắp các vỉa hè, thậm chí còn hoạt động… sôi nổi hơn. Việc kiểm tra xử lý đối tượng kinh doanh mũ bảo hiểm lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng lề đường đang gặp nhiều khó khăn. Vì những đối tượng này không thường trú tại thành phố, kinh doanh di động, nhất là khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Chỉ trong vòng từ tháng 3 đến giữa tháng 8, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và xử lý 284 vụ mũ bảo hiểm kém chất lượng với tổng 28.925 chiếc, 3.792 chiếc bán thành phẩm cùng nhiều linh kiện khác.
“Một cái khó nữa là nhiều người tiêu dùng bây giờ xem mũ bảo hiểm như phương tiện dùng để đối phó với công an giao thông. Đưa ra quy định xử phạt thì họ mới để ý, không xử phạt họ thì quay về với sản phẩm vỉa hè. Phần ít người tiêu dùng có ý thức sử dụng hàng đạt chuẩn lại không phân biệt được đâu là mũ đạt chuẩn” – đại diện Chi cục cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nếu chỉ phát hiện các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu chất lượng, buộc tái chế thì tương đối đơn giản. Nhưng đối với cơ sở kinh doanh thì chưa thể xử lý theo hình thức này. Khó trả hàng về cơ sở sản xuất để tái chế, các điểm kinh doanh tìm mọi cách thanh lý sản phẩm. Điều này đã gây nhiều khăn trong thực thi các quyết định.
Việc cho nhà sản xuất tự in tem CR rồi dán lên mũ bảo hiểm cũng dẫn đến quản lý khó khăn, có tình trạng công ty này dán tem của công ty khác để hợp thức hóa. Cụ thể mới nhất là công ty sản xuất mũ bảo hiểm Duyên Lành không có trong danh sách hợp quy đã sử dụng tem của Công ty Đông Dương.
Hơn nữa, các đối tượng sản xuất mũ bảo hiểm giả thường đặt cơ sở sản xuất và kho hàng ở các địa phương xa trung tâm thành phố. Ngay cả cơ sở sản xuất có đăng ký và công bố hợp quy cũng sử dụng nhiều thủ đoạn để trà trộn các sản phẩm không hợp quy vào lô hàng. Họ chỉ cần công bố hợp quy một vài sản phẩm, sau đó sử dụng tem hợp quy của sản phẩm này dán lên các sản phẩm khác chưa công bố hợp quy và bán ra thị trường.
Theo ông Phạm Hữu Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hóa Việt Nam: “Kinh doanh sản phẩm liên quan đến tính mạng con người mà giấy phép kinh doanh đơn giản quá thì không ổn. Cần phải đưa mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt hơn”.
Nhiều phương án quản lý đã được đưa ra, từ sản xuất, kinh doanh đến nhập khẩu và cả người tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông Khương Văn Tạo, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, nói: “Qua kiểm tra cho thấy quá nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn. Nếu cứ để tình trạng như thế này sẽ chứng tỏ là chúng ta chấp nhận. Công tác quản lý quá lúng túng, đơn giản như nhà sản xuất nói là sản xuất mũ dành cho đi bộ cũng không xử phạt được. Trách nhiệm là người quản lý chứ không phải hoàn toàn là của người tham gia giao thông”.
Việt Lê