Thị trường thực phẩm Halal là "miếng bánh lớn" hàng nghìn tỉ USD khiến nhiều quốc gia trên thế giới đều tìm cơ hội kinh doanh. Việt Nam có lợi thế lớn thâm nhập vào thị trường thực phẩm này.
Thị trường và chính sách

Thị trường thực phẩm Halal - 'con gà đẻ trứng vàng' cho Việt Nam

Tuyết Nhung 14/11/2024 17:00

Thị trường thực phẩm Halal là "miếng bánh lớn" hàng nghìn tỉ USD khiến nhiều quốc gia trên thế giới đều tìm cơ hội kinh doanh. Việt Nam có lợi thế lớn thâm nhập vào thị trường thực phẩm này.

Thị trường Hồi giáo hiện có khoảng hơn 2 tỉ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á, nhất là trong khối ASEAN.

Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal (là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo) ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỉ USD vào năm 2024 và 15.000 tỉ USD vào năm 2050.

082052-halal-food-asia-0746_1a3ac.jpg
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal

Hơn nữa, sản phẩm Halal đang được nhiều người quan tâm chứ không chỉ cộng đồng Hồi giáo. Một số thị trường thông thường vẫn tích cực mua vì tính chất lượng, an toàn, bền vững của chứng nhận này. Ngược lại, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được hàng Halal thì dễ tiếp cận được các thị trường khó tính.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong Top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết...

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu Top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết được cơ hội do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal, như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều...

Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng điều quan trọng là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế. Một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam tuy có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận, nhưng nếu không được công nhận bởi các tổ chức quốc tế, chứng nhận của họ sẽ không có giá trị khi xuất khẩu vào nhiều nước Hồi giáo. Chứng nhận từ một tổ chức không uy tín có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí.

Để tránh những rủi ro này, doanh nghiệp cần chọn các tổ chức chứng nhận Halal đã được công nhận bởi các cơ quan Halal hàng đầu như Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (Jakim), Cơ quan tổ chức đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia (BPJPH), Bộ Công nghiệp và công nghệ tiên tiến (MoIAT) của UAE... hoặc các tổ chức uy tín khác được chấp nhận tại các nước Hồi giáo.

Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức được công nhận quốc tế bởi các tổ chức Hồi giáo nêu trên là Văn phòng Chứng nhận Halal HCA Việt Nam. Việc cung cấp các thông tin về Halal cũng như về các quy định Halal này còn khá hạn chế nên doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc chọn tổ chức chứng nhận. Tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tháng 2.2023, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang chú trọng tăng cường hỗ trợ và phối hợp với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như tập huấn, hội thảo, hội nghị, giao thương, hội chợ triển lãm... nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận thị trường, tìm kiếm bạn hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu Halal của Việt Nam.

Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Bài liên quan
Vào thị trường Trung Đông doanh nghiệp phải hiểu Chứng nhận Halal
Doanh nghiệp cần nhận thấy được tầm quan trọng của Chứng nhận Halal để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, được người Hồi Giáo tin tưởng mua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
41 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường thực phẩm Halal - 'con gà đẻ trứng vàng' cho Việt Nam