Một báo cáo mới cho thấy thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã giảm đáng kể vào năm ngoái, cụ thể là giảm từ 1,9 tỉ USD vào năm 2022 xuống còn 723 triệu USD vào năm 2023.
Nghiên cứu của Ecosystem Marketplace, một sáng kiến phi lợi nhuận thu thập dữ liệu về thị trường carbon từ các nhà môi giới và thương nhân, cho thấy thị trường đã giảm 61%.
Nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm này là do một loạt các nghiên cứu khoa học và báo cáo từ giới truyền thông kết luận rằng nhiều kế hoạch bù đắp carbon không có tác dụng gì trong việc giảm thiểu khủng hoảng khí hậu cũng như bảo vệ đa dạng sinh học hay nói cách khác hàng triệu khoản tiền bù carbon là “vô giá trị”.
Mỗi tín chỉ carbon nhằm thể hiện việc giảm hoặc loại bỏ một tấn hoặc giảm thiểu phát thải CO2 và chúng đã được các công ty mua lại. Sau khi bỏ tiền mua tín chỉ, họ sử dụng chúng để dán nhãn cho sản phẩm của họ là “trung hòa carbon” hoặc để nói với khách hàng rằng họ có thể đi máy bay, mua quần áo mới hoặc ăn một số loại thực phẩm nhất định mà không làm ảnh hưởng tiêu cực hơn cho khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học trên Trái đất.
(ND: Tất nhiên, số tín chỉ carbon họ mua phải tương ứng với carbon mà họ thải ra trong quá trình sản xuất để được công nhận là sản phẩm đã trung hòa carbon. Còn tiền bán tín chỉ carbon được trả cho những người đã loại bỏ carbon (nhờ trồng rừng) hay giảm thiểu mức phát carbon dưới đường cơ sở).
Loại tín chỉ phổ biến nhất một thời, REDD+, đã chịu tổn thất lớn nhất vào năm 2023. REDD+ là viết tắt của “giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển” và hoạt động dựa trên khuôn khổ của Liên hợp quốc.
Nhưng theo báo cáo Forests News, vào năm 2023, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số dự án tín chỉ carbon REDD+ ở Peru, Colombia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania, Zambia và Campuchia đã làm được rất ít trong việc hạn chế nạn phá rừng và những dự án này có tác động giảm phát thải nhỏ hơn nhiều so với những gì họ tuyên bố.
Các chuyên gia lưu ý rằng để việc bù đắp carbon có hiệu quả, cần phải có độ tin cậy và hành động cao hơn từ các chương trình tín chỉ carbon.
Maximiliano Bernal Temores, một chuyên gia về thị trường carbon thuộc The Nature Conservancy, cho biết: “Thị trường carbon tự nguyện VCM đang hy vọng phục hồi tiềm năng trên đà suy thoái và giá trị mà nó mang lại cho các hệ sinh thái và cộng đồng. Muốn vậy thì nguồn cung cấp tín chỉ bắt buộc phải thể hiện tính toàn vẹn của nó. Họ cần chuyển sang sử dụng các phương pháp khoa học tốt nhất hiện có cũng như các biện pháp đảm bảo dân sinh”.
Những chương trình VCM là trọng tâm trong cuộc điều tra chung của The Guardian, Die Zeit và SourceMaterial. Các nhà điều tra nói rằng đã phát hiện hơn 90% lượng carbon bù đắp của rừng nhiệt đới từ một mẫu lớn thuộc dự án của Verra – nhà chứng nhận tín chỉ carbon hàng đầu thế giới – đều vô giá trị. Verra lập tức bác bỏ cáo buộc.
Julia Jones, người tham gia một nghiên cứu trong cuộc điều tra và là giáo sư tại Đại học Bangor, cho biết những cải cách khẩn cấp là cần thiết để thị trường carbon có thể hoạt động như mong đợi.
Giáo sư Jones nói: “Việc truyền thông giám sát cho thấy nhiều dự án trong thị trường carbon tự nguyện của REDD+đã bán được nhiều tín chỉ hơn mức hợp lý, điều đó rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tôi lo ngại sâu sắc rằng một số thông tin gần đây về vấn đề này tạo ấn tượng rằng ý tưởng “giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách làm chậm quá trình phá rừng nhiệt đới” là một trò lừa đảo - điều này không hề đúng và ý tưởng này có thể gây hại cho rừng”.
Từ đó, Giáo sư Jones cho rằng: “Cần có nhiều nguồn tài chính hơn để ngăn chặn tình trạng mất rừng đang diễn ra và đà suy giảm các chức năng quan trọng của rừng. Do đó, một thị trường carbon tự nguyện được cải cách có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tài chính đó”.
Đầu tuần trước, Nhà Trắng đã tổ chức một sự kiện nhằm hỗ trợ các nỗ lực cải cách thị trường carbon, ủng hộ các sáng kiến giúp các công ty tránh “rửa tín chỉ xanh” và đảm bảo các khoản tín chỉ có tác động hiệu quả thực tế đến môi trường.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, cho biết các công ty nên ưu tiên cắt giảm lượng khí thải, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn muốn khơi thông thị trường tín chỉ carbon.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm môi trường về vai trò của tín chỉ carbon trong việc giúp các công ty đạt được mục tiêu không có khí thải.
Stephen Lezak, người quản lý chương trình tại Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith, Đại học Oxford, cho biết mọi người không nên quay lưng lại với thị trường carbon.
Ông nói: “Thị trường bù đắp carbon hiện nay giống như một tòa nhà đang cháy. Chúng ta cần những người làm lính cứu hỏa và chạy về phía nó, thay vì bỏ đi và để nó cháy rụi. Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đơn giản là không khả thi nếu không có một thị trường hoạt động cho loại tài chính khí hậu này”.
Kaya Axelsson, nhà nghiên cứu tại Oxford Net Zero, cho biết: “Đây là thời điểm chuyển tiếp quan trọng. Thị trường carbon sẽ mất đi tính hiệu quả trừ khi họ cải cách triệt để phù hợp với mục tiêu không phát thải”.
Rene Velasquez, đối tác quản lý tại công ty tư vấn thị trường carbon Valitera, đã tranh cãi về mức độ sụt giảm do Ecosystem Marketplace báo cáo và cho biết có vấn đề với phương pháp luận.
Ông nói: “Giống như những năm trước, báo cáo của họ chưa đầy đủ và dựa vào khảo sát những người tham gia thị trường để cung cấp dữ liệu thương mại bí mật. Còn thực tế là ngày càng có ít tổ chức tham gia trả lời. Mặc dù tôi thừa nhận rằng thị trường đã thoái trào nhưng báo cáo đã làm sai lệch các con số”.