Dấu vết của khí phosphine gần đây đã được phát hiện trong các đám mây của sao Kim. Điều này cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này và là một dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy các hợp chất này có thể có nguồn gốc từ hành tinh của chúng ta.

Thiên thạch lướt qua bầu khí quyển Trái đất có thể mang lại sự sống cho sao Kim

Long Hải | 28/09/2020, 11:40

Dấu vết của khí phosphine gần đây đã được phát hiện trong các đám mây của sao Kim. Điều này cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này và là một dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy các hợp chất này có thể có nguồn gốc từ hành tinh của chúng ta.

Các nhà khoa học ở Đại học Harvard đưa ra giả thuyết rằng loại khí có cấu trúc sinh học này được đưa đến sao Kim từ các thiên thạch lướt qua bầu khí quyển của Trái đất. Nghiên cứu cũng ghi nhận rằng trong 3,7 tỉ năm qua, ít nhất 600.000 tảng đá không gian sượt qua bầu khí quyển Trái đất va chạm với sao Kim.

Quan điểm này được phát triển dựa trên hiện tượng xảy ra vào năm 2017 khi một sao băng sượt qua bầu khí quyển của Trái đất trong 90 giây với tốc độ 56.327 km/h trước khi trở về không gian. Nhóm nghiên cứu tin rằng sao băng này có thể đã thu thập khoảng 10.000 vi sinh vật từ Trái đất và mang nó đến nơi khác.

Nhóm nghiên cứu của Harvard cho biết: “Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng về sự phong phú của sự sống trong bầu khí quyển sao Kim nhưng các thiên thạch có khả năng chuyển sự sống vi sinh vật trongbầu khí quyển của Trái đất lên sao Kim”.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra khí phosphine trong những đám mây của sao Kim - Ảnh: JAXA

Nghiên cứu trước đây xác định dấu hiệu sự sống được tìm thấy ở độ cao khoảng 69km từ bề mặt sao Kim. Theo các nhà khoa học, thiên thạch có thể đã tiếp cận sao Kim ở khoảng cách 83km nên không chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ trên bề mặt hành tinh này. Nếu bay thấp hơn thì bất kỳ sự sống nào thu thập được từ hành tinh của chúng ta cũng sẽ bị chết.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, nếu một thiên thạch đến từ Trái đất đi vào bầu khí quyển của một hành tinh khác, các vi khuẩn mà thiên thạch mang theo có thể được giải phóng trong các đám mây trước khi nó tan rã trong bầu khí quyển.

Các nhà khoa học nói: “Cần phải có thêm những điều tra về sự tồn tại của đời sống vi sinh vật trong bầu khí quyển sao Kim. Một tàu thăm dò trong tương lai có thể lấy mẫu tầng mây của sao Kim để khám phá trực tiếp sự sống vi sinh vật hoặc đưa mẫu khí quyển trở lại Trái đất để nghiên cứu”.

Kính viễn vọng James Clerk Maxwell ở Hawaii đã phát hiện phosphine trong bầu khí quyển của sao Kim - Ảnh: Will Montgomerie

Trước đó vào ngày 14.9, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế do giáo sư Jane Greaves ở Đại học Cardiff (Anh) dẫn đầu cho biết, họđã phát hiện ra khí phosphine trong những đám mây của sao Kim.Điều này cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này và là một dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái đất.

Theo các nhà khoa học, phosphine cũng là một phân tử được tạo ra trên Trái đất bởi các vi khuẩn phát triển trong môi trường không có oxy. Các phân tử phosphine (PH3), bao gồm các nguyên tử hydro và phốt pho, được phát hiện đầu tiên trên sao Kim bằng Kính viễn vọng James Clerk Maxwell (JCMT), đặt gần đỉnh Mauna Kea ở Hawaii.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, việc phát hiện ra phosphine không phải là bằng chứng chắc chắn về sự sống của vi sinh vật mà chỉ cho thấy các quá trình địa chất hoặc hóa học tiềm ẩn chưa được biết đến đang diễn ra trên sao Kim. Họ nói thêm sẽ cần có những quan sát sâu hơn để khám phá nguồn gốc của khí phosphine trong bầu khí quyển của hành tinh này.

Long Hải (theo Daily Mail)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên thạch lướt qua bầu khí quyển Trái đất có thể mang lại sự sống cho sao Kim