Bộ máy nhân sự tại Tổng cục Quản lý thị trường vừa mới được Bộ Công Thương thành lập sẽ giảm 45,5%.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 34 diễn ra ngày 22.8. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ quản lý thị trường.
Những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị. Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng quản lý thị trường cũng như trong một bộ máy mới củaBộ Công Thương.
"Thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực. Đó là những bài học rất đau đớn và chua xót, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới. Chúng tôi xác định trong tổ chức mới của Tổng cục Quản lý thị trường, công tác về cán bộ, phẩm chất cán bộ là yêu cầu đầu tiên được quan tâm hàng đầu đảm bảo điều kiện tiền đề, giúp lực lượng quản lý thị trường hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) Lý Quốc Hùng cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch – Tài chính, Vụ Chính sách – Pháp chế , Vụ Thanh tra – Kiểm tra, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường. Văn phòng Tổng cục có 3 phòng và Trung tâm truyền thông Quản lý thị trường. Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường có 4 phòng. Các vụ thuộc Tổng cục không có cơ cấu Phòng bên trong.
Tổ chức Quản lý thị trường tại các tỉnh địa phương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục QLTT cấp tỉnh) gồm: Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục QLTT liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ cấu tổ chức cảu Cục QLTT tỉnh có 3 phòng; Cục QLTT Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có quá 4 phòng; Cục QLTT liên tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương không có quá 5 phòng.
Đội QLTT cấp huyện trực thuộc QLTT cấp tỉnh gồm: đội QLTT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương; Đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động. Các đội QLTT cấp huyện không tổ chức Phòng trực thuộc.
Văn phòng Tổng cục, Cục Nghiệp vụ QLTT, Cục QLTT cấp tỉnh và Đội QLTT có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, trụ sở làm việc và được mở tài khoan tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tại Trung ương, tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị ( giảm 45,5%). Việc tinh giản được thực hiện ngay khi Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12.10.2018.
Tại địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh: Theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giản từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh. Theo đó, sắp xếp 38 Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục QLTT liên tỉnh.
Đối với lực lượng QLTT cấp huyện sẽ tiến hành tinh giản tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các đội QLTT cấp huyện thành các Đội QLTT liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội, giảm 45% từ năm 2018 – 2020.
Về vấn đề tài chính, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp Vũ Quốc Anh cho biết, theo Quyết định 34, các Chi cục QLTT sẽ được bàn giao nguyên trạng về Bộ Công Thương. Chi cục QLTT sẽ sử dụng và quyết toán với ngân sách địa phương hết năm 2018. Từ năm 2019, kinh phí hoạt động của LL QLTT sẽ thuộc ngân sách của Bộ Công Thương.
Tuyết Nhung