Đó chính là nhận định của ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2015, diễn ra chiều 7.1.
Tại đây, ông Tuấn cho biết, vấn đề nan giải được nhiều địa phương đưa ra chính là thiếu tiền và nguồn nhân lực dành cho công tác bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng (NTD).
Chỉ ra thực trạng vi phạm quyền lợi NTD, ông Tuấn nhấn mạnh hiện nay, nhiều vụ việc vi phạm với quy mô ảnh hưởng rộng, nghiêm trọng hơn, hình thức, tính chất phức tạp và cũng tinh vi hơn. Trong số đó, điển hình là một số hành vi vi phạm như: gian lận về trọng lượng, khối lượng, gian lận về ghi nhãn, xuất xứ thời hạn, bán hàng từ xa, quảng cáo sai lệch, gian dối, tin nhắn lừa đảo...
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, từ năm 2011-2013, số lượng vụ việc khiếu nại của NTD gửi tới Bộ Công thương trung bình khoảng 300 vụ/năm nhưng trong năm 2015, số vụ khiếu nại tăng lên đến 1.689 vụ.
Ở các địa phương vẫn chưa tập trung vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian đầu nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 100 vụ việc khiếu nại. Giai đoạn từ năm 2013-2014, số lượng vụ việc khiếu nại tăng lên khoảng 300 vụ/năm. Đến năm 2015 có tới hơn 500 vụ.
Trong thời gian qua, các Hội bảo vệ quyền lợi NTD đã giải quyết được khoảng 4.000 vụ với tỷ lệ thành công từ 80-82%, một số Hội ở Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang…có tỷ lệ thành công lên tới 90%
"Bộ Công thương cho rằng số vụ việc khiếu nại của NTD hàng năm được giải quyết từ 1.000 đến 1.500 vụ việc là quá nhỏ so với thực tế vi phạm quyền lợi NTD", ông Tuấn cho hay.
Nhận định về những khó khăn và thách thức trong công tác bảo vệ NTD, ông Tuấn khẳng định nguồn nhân lực và tài chính trong công tác bảo vệ NTD vẫn còn quá ít, phạm vi địa bàn rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ phụ trách còn hạn chế...
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hà Nội - cũng cho rằng, mạng lưới tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quá mỏng, chưa phát triển được nhiều hội viên, cộng tác viên tuyên truyền trong lĩnh vực này; nhất là công tác quảng bá, giới thiệu thường xuyên hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa ra những cảnh báo cho người tiêu dùng cũng không nhiều. Người tiêu dùng còn lúng túng chưa biết ai là người giải quyết những vấn đề vi phạm đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, nguyên nhân một phần cũng là do NTD chưa biết hoặc chưa sử dụng tốt 8 quyền đã được quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi NTD.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Đo lường, nhiều trường hợp NTD đòi hỏi quá đáng nên vụ khiếu nại đó không được giải quyết hay nhiều người không biết rõ về địa chỉ để khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm...
Chỉ ra giải pháp bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới, ông Tuấn đề xuất phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý chặt chẽ các vụ vi phạm, bố trí, nhân lực, tài chính để đảm bảo cho cho công tác bảo vệ quyền lợi của NTD, tăng cường tư vấn, hướng dẫn NTD, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát ý kiến, nhu cầu của NTD
Bên cạnh đó là hỗ trợ hoạt động, thúc đẩy thành lập Hội bảo vệ quyền lợi của NTD, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí, nguồn lực được giao...
Tuyết Nhung