Hàng triệu người khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin rất muốn biết về khả năng miễn dịch của họ. Nếu chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi COVID-19, chúng ta có cần làm điều này? Tiêm khi nào là tốt nhất?

Thời điểm tốt nhất để tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi COVID-19?

Sơn Vân | 06/02/2022, 22:55

Hàng triệu người khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin rất muốn biết về khả năng miễn dịch của họ. Nếu chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi COVID-19, chúng ta có cần làm điều này? Tiêm khi nào là tốt nhất?

Các quan chức y tế liên bang Mỹ tiếp tục khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin và nhận mũi tăng cường bất kể họ từng mắc COVID-19 trong quá khứ hay chưa. Thế nhưng, hơn một nửa người Mỹ từng tiêm vắc xin đầy đủ vẫn chưa nhận mũi tăng cường. Tính đến ngày 3.2.2022, 64,3% người Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ nhưng chỉ 27,1% nhận mũi tăng cường.

Hướng dẫn về thời điểm lên lịch tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng vắc xin có thể mang đến khả năng miễn dịch đáng tin cậy và hiệu quả hơn so với miễn dịch tự nhiên nhờ khỏi COVID-19.

Khi bạn nhiễm SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch gắn kết một loạt các phản ứng để tăng khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm vi rút trong tương lai. Một trong những cách tốt nhất mà các nhà khoa học biết cách đo lường phản ứng đó, là xem bạn đã sản sinh bao nhiêu kháng thể. Nhìn chung, những người nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi bệnh thường có lượng kháng thể thấp hơn những ai đã tiêm vắc xin, theo Aubree Gordon, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ).

Một trong những lý do giải thích cho sự khác biệt này là do nhiễm SARS-CoV-2 kích hoạt nhiều bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch và kích thước đáp ứng kháng thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như lượng vi rút hít phải, liệu bạn có mắc các bệnh nền không và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Tiến sĩ Aubree Gordon nói: “Bạn có thể sở hữu mức độ kháng thể cao nếu mắc COVID-19 nặng hơn hoặc lâu hơn, song nó vẫn sẽ thấp hơn những gì chúng ta thấy khi tiêm vắc xin".

Tiến sĩ Paul Thomas, nhà miễn dịch học tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude ở thành phố Memphis (Mỹ), nói vắc xin cung cấp một bộ hướng dẫn phù hợp để hệ thống miễn dịch sử dụng trong trường hợp không có bất kỳ phiền nhiễu nào, chẳng hạn như đang nhiễm SARS-CoV-2.

Hầu hết những người được tiêm vắc xin đều phát triển đáp ứng kháng thể mạnh mẽ và có thể đoán trước được. Một liều vắc xin thứ ba nhắc nhở cơ thể tăng cường khả năng phòng thủ, thậm chí còn nhanh hơn lần tiêm thứ nhất hoặc thứ hai, trong vài ngày.

Các nghiên cứu cũng cho thấy lượng kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vắc xin có xu hướng duy trì ở mức độ bảo vệ trước COVID-19 lâu hơn.

Tiến sĩ Amy Sherman, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women ở thành phố Boston (Mỹ), nói: “Tôi nghĩ đó là lý lẽ lớn nhất để nhận mũi vắc xin tăng cường, ngay cả khi bạn vừa nhiễm SARS-CoV-2 gần đây. Đó là một cách chắc chắn để bảo vệ thêm và đảm bảo hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các đáp ứng kháng thể cao nhất".

thoi-diem-tot-nhat-de-tiem-mui-vac-xin-thu-3-sau-khi-khoi-covid-19.jpg
Các chuyên gia khuyên bạn nên tiêm mũi vắc xin tăng cường dù có miễn dịch tự nhiên nhờ khỏi bệnh COVID-19 - Ảnh: Internet

Thời điểm tốt nhất để tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường?

Không có quy tắc cụ thể nào về thời điểm lên lịch tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi bệnh COVID-19. Thời gian tối ưu sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của bạn, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian kể từ khi các triệu chứng hết và nguy cơ tái nhiễm của bạn ra sao.

Nếu đang nhiễm SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên bạn nên đợi ít nhất cho đến khi không còn các triệu chứng và đáp ứng các tiêu chí của họ để chấm dứt cách ly rồi hẵng tiêm mũi vắc xin tăng cường. Chẳng hạn, nếu nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ, bạn cần chờ ít nhất 5 ngày kể từ lúc xuất hiện các triệu chứng và tình trạng đã cải thiện, hết sốt trong ít nhất 24 giờ mà không cần sự trợ giúp của thuốc, xét nghiệm âm tính rồi hẵng tính đến chuyện tiêm mũi vắc xin thứ ba.

Một số nhà khoa học khuyên bạn nên trì hoãn tiêm mũi vắc xin tăng cường lâu hơn. Tiến sĩ Ali Ellebedy, nhà miễn dịch học tại Đại học Y khoa Washington ở thành phố St. Louis (Mỹ), nói rằng hợp lý hơn là đợi đến khi bạn hồi phục hoàn toàn hoặc nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính dù đây không phải là yêu cầu chấm dứt cách ly từ CDC và có thể không xảy ra cho đến vài tuần (hoặc thậm chí vài tháng) sau đó.

Tiến sĩ Ali Ellebedy nói: “Bạn không muốn làm quá tải hệ thống miễn dịch của mình. Hãy để hệ thống miễn dịch của bạn nghỉ ngơi sau khi chống lại SARS-CoV-2, trước khi yêu cầu nó hoạt động mạnh trở lại bằng vắc xin. Điều này cũng sẽ tạo ra một đáp ứng tinh tế và bền bỉ hơn”.

Với một số người, có lợi khi chờ đợi lâu hơn, Tiến sĩ Ali Ellebedy nói thêm. Nếu nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 thấp, chẳng hạn bạn làm việc từ xa, khỏe mạnh, có thể tuân thủ các nguyên tắc y tế công cộng về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội thì hợp lý hơn là đợi cho đến khi khả năng miễn dịch tự nhiên suy yếu, có thể xảy ra khoảng 3 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, rồi hẵng tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Điều này không chỉ giúp tạo ra đáp ứng kháng thể mạnh mẽ hơn, mà vào thời điểm bạn sẵn sàng nhận mũi vắc xin tăng cường, có thể các hãng đã tung ra phiên bản mới được thiết kế chống lại Omicron.

Tiến sĩ Ali Ellebedy cho biết: “Loại vắc xin hiện tại nhắm đến vi rút SARS-CoV-2 ban đầu và chủng này không thực sự tồn tại nữa. Một vài tháng kể từ bây giờ, nếu vắc xin nhắm đến Omicron có sẵn, tại sao không tiêm nó để chuẩn bị cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo?”.

Các hãng dược phẩm đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản mới của vắc xin COVID-19 tăng cường, có thể sẽ ra mắt vào quý 2/2022 hoặc mùa hè tới.

Tất nhiên, trì hoãn tiêm mũi vắc xin tăng cường không phải là lựa chọn phù hợp với mọi người. Nếu có nguy cơ tái nhiễm cao hoặc mắc bệnh nghiêm trọng, bất kể do tuổi tác, tình trạng y tế, hệ thống miễn dịch suy yếu hay đang sống và làm việc trong môi trường dễ nhiễm SARS-CoV-2, bạn có thể muốn tăng cường khả năng miễn dịch của mình bằng một liều vắc xin bổ sung sớm hơn là muộn, Tiến sĩ Ali Ellebedy nói thêm.

Tiêm mũi vắc xin tăng cường sớm hơn cũng mở rộng sự bảo vệ cho các thành viên gia đình dễ bị tổn thương và trẻ em còn quá nhỏ chưa được chủng ngừa COVID-19.

Tất nhiên, hầu hết chuyên gia đồng ý rằng, nếu đã trải qua hơn 5 hoặc 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19 mà vẫn chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường, bạn nên làm điều này ngay khi đủ điều kiện.

Tiến sĩ Paul Thomas cho biết: “Mũi vắc xin tăng cường cung cấp sự trợ giúp thực sự ngăn bạn nhiễm Omicron. Hiện tại có rất nhiều người nhiễm Omicron xung quanh bạn, Nếu bạn chưa nhiễm Omicron thì đây là cơ hội để tránh nó bằng cách tiêm mũi vắc xin tăng cường”.

Hôm 25.1, hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra phiên bản vắc xin mới được thiết kế đặc biệt nhắm vào biến thể Omicron.

Với các tình nguyện viên ở Mỹ, hai công ty có kế hoạch kiểm tra đáp ứng miễn dịch được tạo ra bởi vắc xin đặc trị Omicron dưới dạng phác đồ ba mũi tiêm ở những người chưa được chủng ngừa COVID-19 hoặc một mũi tăng cường cho những ai đã nhận hai liều vắc xin ban đầu của họ.

Họ cũng đang thử nghiệm liều thứ tư của vắc xin hiện tại với mũi vắc xin đặc trị Omicron ở những người đã nhận ba liều vắc xin Pfizer–BioNTech từ 3 đến 6 tháng trước đó.

Hai công ty có kế hoạch nghiên cứu tính an toàn và khả năng dung nạp của vắc xin mới trong hơn 1.400 người sẽ tham gia thử nghiệm.

"Mặc dù nghiên cứu hiện tại và dữ liệu thực tế cho thấy mũi vắc xin tăng cường tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại các bệnh nặng và nhập viện vì Omicron, chúng tôi nhận thấy cần phải chuẩn bị trong trường hợp lớp bảo vệ này mất dần theo thời gian và có khả năng giải quyết Omicron cùng các biến thể mới trong tương lai”, theo Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer.

BioNTech cho biết, tùy thuộc vào lượng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mà các cơ quan quản lý yêu cầu, có thể họ và Pfizer không thực hiện được kế hoạch tung ra vắc xin đặc trị Omicron vào cuối tháng 3.2022.

"Các yêu cầu pháp lý đang được thảo luận với các cơ quan có liên quan. Việc đưa dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vào hồ sơ quy định có thể ảnh hưởng đến việc phân phối các lô vắc xin nhắm đến Omicron ban đầu, dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 3.2022", một phát ngôn viên BioNTech nói với Reuters.

Hôm 26.1, Moderna cho biết đã bắt đầu một nghiên cứu ở giai đoạn giữa, thử nghiệm mũi vắc xin tăng cường được thiết kế đặc biệt nhắm vào biến thể Omicron.

Moderna nói mũi thứ ba vắc xin ban đầu của họ làm tăng kháng thể trung hòa chống lại Omicron. Thế nhưng, kháng thể giảm sau 6 tháng tiêm mũi này. Dù vậy, các kháng thể trung hòa vẫn có thể phát hiện được ở tất cả người tham gia nghiên cứu.

Moderna cho biết sẽ nghiên cứu mũi vắc xin tăng cường đặc trị Omicron ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Công ty cho biết sẽ thử nghiệm việc mũi tiêm này ở những người nhận hai hoặc ba liều vắc xin ban đầu là mRNA-1273.

Moderna có kế hoạch thu hút khoảng 300 người tham gia vào mỗi nhóm trong hai nhóm trong nghiên cứu.

thoi-diem-tot-nhat-de-tiem-mui-vac-xin-thu-3-sau-khi-khoi-covid-19-2.jpg
Không có sự khác biệt đáng kể về khả năng bảo vệ trước COVID-19 trên khỉ khi tiêm mũi vắc xin tăng cường thông thường và loại nhắm đến Omicron của Moderna - Ảnh: Internet

Các nhà khoa học chính phủ Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên những con khỉ được tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường thông thường và loại vắc xin nhắm đến Omicron của Moderna.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về khả năng bảo vệ trước COVID-19.

Nghiên cứu liên quan đến những con khỉ được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 của Moderna. Những con khỉ này nhận thêm mũi vắc xin tăng cường thông thường hoặc loại nhắm vào biến thể Omicron của Moderna 9 tháng sau đó.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các khía cạnh khác nhau của đáp ứng miễn dịch ở khỉ và cho chúng tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2. Họ phát hiện ra cả hai loại vắc xin của Moderna đều tăng đáng kể kháng thể trung hòa chống lại tất cả biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron, theo nghiên cứu được đăng trên trang bioRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.

Daniel Douek, nhà nghiên cứu vắc xin tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đồng chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đây là một tin rất, rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng ta không cần phải thiết kế lại hoàn toàn vắc xin để biến nó thành vắc xin đặc trị Omicron".

Daniel Douek nói ông tin rằng lý do là cả vắc xin gốc và vắc xin nhắm đến Omicron đều phản ứng chéo, nghĩa là có thể nhận ra rất nhiều biến thể khác nhau.

Tiến sĩ John Moore, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, nói kết quả trên tương tự như các nghiên cứu thử nghiệm mũi vắc xin tăng cường Moderna nhắm vào biến thể Beta.

John Moore nói: “Hãy xem những gì dữ liệu trên con người sẽ hiển thị. Dữ liệu về khỉ thường mang tính dự đoán khá cao, nhưng bạn sẽ cần dữ liệu về con người".

Một lợi thế chính của nghiên cứu trên khỉ là các nhà khoa học có thể tiêm mũi vắc xin tăng cường cho nó, sau đó để khỉ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và đo đáp ứng miễn dịch, điều mà không thể thực hiện được trong các thử nghiệm trên người, theo John Moore nói.

Bài liên quan
Người nhận 2 liều vắc xin Pfizer/Moderna có thể tiêm mũi AstraZeneca tăng cường chống Omicron
Hôm 13.1.2022, AstraZeneca cho biết liều thứ ba vắc xin COVID-19 của mình (Vaxzevria) tạo ra kháng thể cao hơn chống lại Omicron và các biến thể khác như Beta, Delta, Alpha, Gamma.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời điểm tốt nhất để tiêm mũi vắc xin tăng cường sau khi khỏi COVID-19?