Hôm 22.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm sẽ thích hợp hơn tiêm nhắc lại thường xuyên để phòng chống đại dịch.

CEO Pfizer: Tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường thường xuyên không phải là kịch bản tốt

Sơn Vân | 23/01/2022, 09:05

Hôm 22.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm sẽ thích hợp hơn tiêm nhắc lại thường xuyên để phòng chống đại dịch.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNtech đã cho thấy có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong do biến thể Omicron gây ra nhưng ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa truyền nhiễm.

Với số ca mắc COVID-19 tăng cao do Omicron, một số quốc gia đã mở rộng các chương trình tăng cường vắc xin COVID-19 hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm khi các chính phủ cố gắng bảo vệ người dân.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ N12 News của Israel, ông Albert Bourla được hỏi liệu có thấy viễn cảnh về việc tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại được thực hiện thường xuyên từ 4 đến 5 tháng một lần không.

Giám đốc điều hành Pfizer chia sẻ: "Đây sẽ không phải là một kịch bản tốt. Điều tôi hy vọng là chúng ta sẽ có một loại vắc xin mà bạn chỉ phải tiêm mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp việc thuyết phục người dân dễ dàng hơn. Người dân cũng dễ nhớ hơn.

Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đó là một tình huống lý tưởng. Chúng tôi đang tìm cách xem liệu có thể tạo ra một loại vắc xin bao gồm cả Omicron và không quên các biến thể khác không. Đó có thể là một giải pháp”.

Albert Bourla cho biết Pfizer có thể sẵn sàng nộp đơn xin phê duyệt vắc xin được thiết kế lại để chống Omicron và sản xuất hàng loạt ngay sau tháng 3.2022.

ceo-pfizer-bao-tin-vui-cho-nguoi-so-tiem-vac-xin-covid-19-thuong-xuyen.jpg
Ông Albert Bourla: Tiêm vắc xin COVID hàng năm hợp lý hơn chích mũi tăng cường thường xuyên - Ảnh: Reuters

Trích dẫn ba nghiên cứu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 21.1.2022 cho biết liều thứ ba của vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại Omicron, cung cấp 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện.

Đây là những nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ xem xét tác động của mũi vắc xin tăng cường với biến thể Omicron đang lây lan cực nhanh, hiện chiếm 99% tổng số ca COVID-19 mới tại nước này.

Nhìn chung, các nghiên cứu cho biết mũi vắc xin tăng cường giúp ngăn nhiễm SARS-CoV-2 và mắc bệnh có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc mũi Moderna thứ ba.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng: "Bảo vệ chống lại nhiễm vi rút và nhập viện do biến thể Omicron là cao nhất ở những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường khi họ đủ điều kiện".

Như đã được chứng minh ở các quốc gia khác, mũi vắc xin tăng cường hoạt động tốt hơn trong việc chống lại biến thể Delta so với Omicron, một phiên bản đột biến cao của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó.

Được công bố trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, một trong những nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ nhập viện, vào khoa cấp cứu và các lần khám chăm sóc khẩn cấp ở 10 bang từ ngày 26.8.2021 đến 5.1.2022.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ từ hai liều vắc xin COVID-19 giảm xuống 57% ở những người tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng trước đó. Trong số những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường, tỷ lệ bảo vệ khỏi nhập viện và các lần chăm sóc khẩn cấp là 90%.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng bảo vệ trước COVID-19 từ một hoặc hai liều vắc xin suy giảm đáng kể theo thời gian, đặc biệt khi đối mặt với các biến thể SARS-CoV-2 mới, trong đó có Omicron. Giờ đây, các chuyên gia đang tranh luận việc có thể cần bao nhiêu liều vắc xin bổ sung. Điều này phụ thuộc vào thời gian bảo vệ của mũi vắc xin tăng cường hiện tại kéo dài bao lâu.

Các nhà khoa học từ Anh vừa công bố báo cáo mới cho thấy kết quả phân tích thời gian bảo vệ của mũi vắc xin Pfizer thứ 3 khi quan sát hơn 700.000 ca nhiễm Omicron. Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), kết quả cho thấy 2 tuần sau khi tiêm, mũi vắc xin Pfizer thứ 3 làm giảm khoảng 70% nguy cơ nhiễm Omicron có triệu chứng.

Song về thời gian bảo vệ, kết quả kém thuận lợi hơn. Phân tích tương tự cho thấy khả năng bảo vệ dường như suy giảm nhanh chóng và sau 3 tháng, mũi vắc xin Pfizer thứ 3 chỉ còn hiệu quả 50% giảm nguy cơ nhiễm Omicron có triệu chứng.

Phân tích thứ hai từ các nhà nghiên cứu Anh chỉ ra rằng khả năng bảo vệ có thể sẽ giảm hơn nữa sau đó. Theo báo cáo, người ta ước tính rằng khả năng bảo vệ sẽ giảm xuống còn 40% sau 4 tháng tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ 3.

Dựa trên những kết quả này, Michaeleen Doucleff, phóng viên y tế của NPR (Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ), nói rằng mũi vắc xin COVID-19 tăng cường dường như chống lại nhiễm vi rút khá ngắn hạn. "Nhìn chung, nó có thể sẽ kéo dài ít hơn 6 tháng với hầu hết mọi người", bà nói.

Các chuyên gia khác không coi đây là tin xấu. Tiến sĩ Jennifer Gommerman, nhà miễn dịch học tại Đại học Toronto (Canada), nói với NPR rằng việc này là "hoàn toàn bình thường và được dự đoán trước" với bất kỳ loại vắc xin nào, ngay cả ở mũi vắc xin tăng cường. Cụ thể hơn, nồng độ kháng thể tăng nhanh ngay sau khi tiêm vắc xin COVID-19 và sau đó giảm dần theo thời gian, ảnh hưởng đến khả năng ngăn nhiễm vi rút.

Bà giải thích: “Hiệu quả ngăn nhiễm vi rút của vắc xin phụ thuộc vào mức độ kháng thể của chúng ta vì chúng thực sự là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại SARS-CoV-2. Vì vậy, về mặt tránh nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta sẽ thấy biện pháp bảo vệ bằng mũi vắc xin tăng cường, nhưng khả năng đó sẽ suy yếu dần".

Việc vắc xin COVID-19 chống lại mắc bệnh nặng không phụ thuộc nhiều vào kháng thể, theo Jennifer Gommerman. Bà nói: “Với mức độ kháng thể suy giảm, bạn có thể dễ nhiễm vi rút nhưng không dễ bị bệnh nặng - đó là phạm trù hoàn toàn khác”.

Điều trên phù hợp với những gì các nhà nghiên cứu Anh phát hiện trong nghiên cứu của mình. Theo phân tích của họ, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện cao hơn 95% trong 2 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ 3 và thậm chí sau 4 tháng, hiệu quả vẫn ở mức khoảng 80%.

Trong đợt dịch Omicron, có sự khác biệt rõ rệt giữa tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer so với chỉ hai liều, mà khả năng ngăn mắc bệnh nặng giảm xuống còn khoảng 40% sau 6 tháng.

Tuyến phòng thủ thứ 2 có được sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là tế bào T, với khả năng ngăn mắc bệnh nặng.

Một nghiên cứu sơ bộ được công bố bởi Trung tâm Y tế Sheba của Israel trước đó cho thấy mũi vắc xin COVID-19 thứ tư làm tăng kháng thể lên mức hơn liều thứ ba nhưng có khả năng không đủ để ngăn nhiễm Omicron. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế Sheba cho biết việc tiêm mũi vắc xin tăng cường lần thứ hai vẫn được khuyên dùng cho các nhóm nguy cơ.

Bài liên quan
Biến thể Omicron làm xói mòn hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng
Với tốc độ lây lan cực nhanh và tránh được kháng thể từ các loại vắc xin hiện tại, biến thể Omicron làm mờ nhạt hy vọng về khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng của nhiều quốc gia, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Pfizer: Tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường thường xuyên không phải là kịch bản tốt