Chiều 31.8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các trường tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học khi trực tiếp.

Thời khoá biểu học trực tuyến có khác thời khoá biểu học trực tiếp ?

Tú Viên (Tổng hợp) | 31/08/2021, 18:23

Chiều 31.8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các trường tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học khi trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, điều này sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu qủa của việc học tập trên internet. Cần tăng cường các hoạt động hướng dẫn học tập để giúp đỡ học sinh hoàn thành các chủ đề, nhiệm vụ học tập do giáo viên giao.

Do đó, Sở yêu cầu, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức dạy học trên internet, hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet. Xây dựng kịch bản tổ chức dạy học: trực tuyến, trực tuyến - trực tiếp, trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh. Xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh.

Đồng thời, các nhóm chuyên môn rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tổ chức hoạt động dạy học sát với thực tế, không quá tải và có sự phù hợp với các đối tượng học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn liên hệ phụ huynh, học sinh lớp phụ trách để có hướng dẫn học tập trên internet, lập thời khóa biểu học tập tại nhà hoặc phối hợp với đội ngũ cán bộ điều phối (mỗi Phòng GD-ĐT, mỗi phường xã, mỗi trường học có 1 cán bộ điều phối) để hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà.

Giáo viên bộ môn thành lập các kênh thông tin liên lạc với học sinh và phụ huynh học sinh để chia sẽ, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập trực tuyến.

bin-huong.jpg
Một học sinh học online tại TP.HCM-Ảnh: Tú Viên

Từ ngày 1-4.9 là thời gian chuẩn bị, lập danh sách học sinh không thể tham gia học tập trên internet, hỗ trợ học sinh đang gặp khó khăn. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và học liệu dạy học trên internet, liên hệ điều phối viên để kết nối hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp cho học sinh theo từng đối tượng; xây dựng các quy định phù hợp với dạy học và học tập trên internet.

Từ ngày 6-18.9, Sở yêu cầu không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Triển khai các chủ đề dạy học trên internet, gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà. Kế hoạch giáo dục nhà trường trong giai đoạn này với yêu cầu:

Hướng dẫn chu đáo, không tạo áp lực thực hiện chương trình, hướng dẫn tự học, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn để bố trí thời khóa biểu trực tuyến. Tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học trực tiếp. Tăng cường chủ động hướng dẫn học tập để giúp đỡ học sinh hoàn thành các chủ đề, nhiệm vụ học tập. Phát huy hoạt động tổ/nhóm chuyên môn trong nghiên cứu bài học, giảm tải cho giáo viên trong quá trình chuẩn bị các kế hoạch bài dạy.

Sở GD-ĐT lưu ý giáo viên khi triển khai dạy học trực tuyến một số vấn đề sau:

Giáo viên cần đưa ra các yêu cầu, tham gia vào những thảo luận trực tuyến, cung cấp cơ hội, khuyến khích học sinh tương tác với nhau và lưu ý tạo sự kết nối giữa các chủ đề đã được thảo luận trực tuyến với các buổi học trực tiếp. Chú ý kết hợp đa dạng các hoạt động giao tiếp đồng bộ và không đồng bộ như: thảo luận, trò chuyện (chat), họp truyền hình, thư điện tử, tin nhắn, diễn đàn, mạng xã hội...

Chú trọng duy trì các quan hệ tương tác bên trong phiên học trực tuyến, bao gồm giữa người học - nội dung, người học - người học, người học - người dạy, người học - cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiện diện trực tiếp (livestream) khoảng 50% thời lượng của chủ đề học, nhằm tạo điều kiện phát triển năng lực tự học của học sinh.

Giáo viên phải tạo động lực, thúc đẩy và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động học tập trực tuyến và hoạt động tự học.

Đặc biệt, giáo viên cần có các công cụ cũng như biện pháp nhằm công nhận, giám sát sự tham gia của học sinh vào khóa học ở cả phiên trực tuyến và trực tiếp, giúp xác nhận những nỗ lực và đóng góp của học sinh trong các hoạt động học tập. Với học sinh thiếu động lực vào sự tham gia vào khóa học, giáo viên cần có các biện pháp thu hút bằng việc tích cực giao tiếp và tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ học sinh nhiều hơn.

Tổ chức không gian học tập trực tuyến với cấu trúc logic chặt chẽ, giúp người học dễ dàng định vị các thông tin cần thiết như cách bố trí nội dung, yêu cầu hoạt động học tập, vị trí gửi câu hỏi yêu cầu trợ giúp từ phía học sinh.

Khi thiết kế nội dung học tập, Sở yêu cầu giáo viên phải xây dựng tối thiểu 3 phương án triển khai chủ đề dạy học: 100% học sinh có đủ điều kiện tối thiểu để tham gia học trực tuyến; Một số học sinh chỉ có thể đáp ứng truy cập hệ thống khi có thể; Một số học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến. Học liệu, hoạt động học tập triển khai được trong bất kỳ không gian học tập.

Sở GD-ĐT hướng dẫn, khi thiết kế bài dạy giáo viên phải xác định rõ mục tiêu học tập; nội dung và học liệu học tập; phương pháp dạy học; phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp.

Bài liên quan
Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Bộ TT-TT đề nghị các bộ ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời khoá biểu học trực tuyến có khác thời khoá biểu học trực tiếp ?