Quyền sách tổng hợp những tư liệu lần đầu tiên được sưu tầm và công bố bên cạnh những di cảo của Nguyễn Duy Cần đã được NXB Trẻ xuất bản những năm vừa qua.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Những bài đăng báo và tiểu luận

Tiểu Vũ | 10/07/2022, 18:59

Quyền sách tổng hợp những tư liệu lần đầu tiên được sưu tầm và công bố bên cạnh những di cảo của Nguyễn Duy Cần đã được NXB Trẻ xuất bản những năm vừa qua.

img_3598.jpg

Sách được chia làm hai phần gồm những bài viết của Nguyễn Duy Cần với bút danh Thu Giang đăng trên Bán nguyệt san Nay năm 1937. Phần hai là tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt nam đi về đâu? được ông hoàn thành năm 1960.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần - Những bài đăng báo

Tạp chí Nay ra nửa tháng một kỳ với bốn mục chính là: Triết học, Khoa học, Y họcVăn chương. Đây là tạp chí đầu tiên do Nguyễn Duy Cần làm Giám đốc – Tổng biên tập. Năm 1937 và 1938, Nguyễn Duy Cần không cho ra mắt thêm tác phẩm nào, nhưng liên tục trong hai năm ông cho xuất bản Bán nguyệt san Nay, và chính ông là một trong những cây bút chủ lực, với bút danh Thu Giang.

Những bài viết của Thu Giang trong mục Triết học chủ yếu trình bày sâu rộng hơn những vấn đề đã được bàn trong Toàn chân triết luận đã xuất bản trước đó. Mục Y học chủ yếu trình bày về sự ăn uống cho đúng quy luật âm dương, cùng khảo cứu về các loại rau củ mang dược tính trong y học cổ truyền. Mục Khoa học trình bày chủ yếu là sự liên quan mật thiết giữa cơ thể con người với sự vận hành của vũ trụ, với các vì tinh tú. Và sau hết là mục Văn chương, ở mục này Thu Giang dành để dịch văn của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, Lão Tử trong Đạo Đức Kinh ra tiếng Việt ngoài ra Thu Giang còn sáng tác tiểu thuyết đăng nhiều kỳ Thánh nhân ngoại sự.

Ngay từ khi ra đời, Nay đã có tôn chỉ và đường lối rõ rệt, trong số đầu tiên ra ngày 1.6.1937, trong phần Bố cáo: “... mục đích nó không chi là cao xa, là lớn lao cả, vì nó không tin rằng nó dạy đời sửa người đặng mà làm việc tày trời như các bạn “lo đời” của nó… Những sự kinh thiên vĩ địa, nó xin nhường cho ai khác, tài cao trí cả họ làm.

img_3599.jpg
Một trang trong cuốn sách "Thu Giang Nguyễn Duy Cần những bài đăng báo và tiểu luận"

Nay, không nói vì lo đời, bởi có Nay, đời sẽ không thêm gì chỗ hay, mà thiếu Nay, đời cũng không thêm bớt gì chỗ hay chỗ dở. …. Nay rất chuộng sự thành thật “đối với mình” cho nên không hổ mà nhận cái dốt của nó, nếu có ai cao kiến hơn chỉ dạy. Nay sẽ không bao giờ tầm cách bào chữa sự lỗi lầm của mình. … Nay, không lo riêng về tinh thần. Nay, cũng không lo riêng về vật chất, Nay lo về cái Sống, nghĩa là hai mặt ấy, nên sẽ bàn về Triết lý để nuôi tinh thần, bàn về y học để giúp sự khang kiện cho vật chất.”

Bán nguyệt san Nay với những cây bút chủ lực ngoài bút danh Thu Giang của ông (bút danh Thu Giang xuất hiện từ đây), báo còn thu hút được những học giả có uy tín thời kỳ đó gởi bài cộng tác như: Sư Thiện Chiếu, Họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, Tùng Chi, Phương Thảo… Với nội dung bố cáo trên ta thấy về nội dung, Nay đi theo đường hướng truyền bá triết học Đông phương mà cụ thể là triết học Lão – Trang, tôn chỉ rõ ràng: Không lo cho đời một cách cố cưỡng cầu, mà lấy sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu làm chính yếu.

Tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?

Trên cơ sở quan sát và suy nghĩ về thực trạng Văn hóa và Giáo dục của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1960, Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết tập tiểu luận nhan đề Văn hóa giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? và hoàn thành năm 1960. Do nội dung bản thảo có đụng chạm đến đường lối văn hóa và giáo dục của các Nha, Bộ của chính quyền thời đó nên bản thảo không thể được xuất bản. Mãi 10 năm sau, tập tiểu luận Văn hóa giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? mới được Nhà xuất bản Nam Hà – Sài Gòn in lần đầu năm 1970.

Thời điểm Nguyễn Duy Cần viết tập tiểu luận là thời điểm cầm quyền của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Đây là giai đoạn các trào lưu văn hóa, triết học của phương Tây ồ ạt tràn vào miền Nam, đỉnh điểm là Triết học Hiện sinh của Jean-Paul Sartre, Camus... Thanh niên miền Nam khi đó chịu ảnh hưởng nặng nề của Triết học Hiện sinh nên hình thành những “Đợt sống mới” với chủ trương phá bỏ mọi truyền thống, mọi giá trị cổ truyền tốt đẹp của dân tộc mà họ cho là xưa cũ, lỗi thời.

Nguyễn Duy Cần hết sức ngao ngán với lối sống “hiện sinh” của thanh niên ở các đô thị miền Nam khi đó. Sống theo “Đợt sống mới”, họ kêu gào đập phá cái cũ, xóa bỏ mọi truyền thống văn hóa của dân tộc có tự ngàn đời và vì thế, ông không khỏi lo lắng cho tiền đồ văn hóa tại miền Nam. Một đụng chạm nặng nề với các Nha, Bộ Văn hóa miền Nam khi ấy nữa là về đường lối và tổ chức văn hóa giáo dục của chính quyền, mở đầu tiểu luận ông thẳng thắn: “Từ trước đến giờ, chính quyền đã lơ là bỏ qua, không thực tâm nghĩ đến những con người thực tâm xây dựng văn hóa. Những con người làm văn hóa có ý thức thì lại bị lãng quên hay bị xem thường, nghĩa là không bao giờ được nâng đỡ, lắm khi lại còn gặp nhiều trở ngại trong những công trình âm thầm xây dựng của họ.”

Và cái thực trạng văn hóa miền Nam băng hoại khi đó được ông mô tả: “... người ta ít thấy các tác phẩm đề cao tình gia đình, nghĩa dân tộc trong đại gia đình là nhân loại. Nhan nhản ở các quán sách đa số chỉ là một loại tiểu thuyết dâm tình, đề cao những mối tình nhơ nhớp, lãng mạn, phóng đãng, lại còn miệt thị những con người cao thượng, nếu không lấy họ làm mục tiêu châm biếm, chế giễu... Thậm chí, còn có cả những sách cho trẻ em để dạy chúng chửi lại mẹ cha và thầy học... Lại cũng có những sách giáo khoa trong đó những kẻ vô trách nhiệm thi đua làm tiền, dám đề cao cả những lý thuyết gây thù hận nuôi căm hờn là khác...” Với những thực tại của hiện tình văn hóa và giáo dục của miền Nam Việt Nam khi đó, tuy lo lắng nhưng không thúc thủ đứng nhìn, ông đã mạnh dạn đề xuất những phương án cứu vãn.

Vốn là người làm văn hóa thuần túy Thu Giang Nguyễn Duy Cần chuyên tâm đến các học thuật cổ truyền phương Đông, chính vì thế ông luôn nhìn sự vật hiện tượng qua lăng kính của sự trung dung, dung hợp và điều hòa, điều chỉnh và bổ sung cho nhau giữa những mặt đối lập của một vấn đề. Ông kêu gọi giữ gìn và phát huy truyền thống của văn hóa cổ truyền dân tộc, gạn đục khơi trong, loại bỏ hủ tục, gìn giữ tinh hoa mà cụ thể là “tình gia đình”. Ông kêu gọi: “Muốn xây dựng một xã hội cộng đồng, nhất định phải khởi đầu trong đơn vị xã hội căn bản và nhỏ nhất của con người, là gia đình. Gia đình phải là nền tảng của xã hội cộng đồng lý tưởng của ta sau này. Nhất là gia đình kiểu mẫu của người Việt Nam ngàn xưa.”

Không chủ trương tranh đấu để loại bỏ lẫn nhau giữa những yếu tố đối lập trong cuộc sống, ông đề xuất: Giữa những yếu tố mâu thuẫn khác nhau như kẻ giàu và nghèo, kẻ già người trẻ, thế hệ cũ thế hệ mới, giữa trai và gái, giữa vợ và chồng... sao lại không thể đoàn kết thực sự với nhau trên nguyên tắc “phân công” và “hợp tác”?

Về cặp mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, ông đề xuất sự phát triển song song hài hòa, không chấp nhận tranh đấu để triệt tiêu lẫn nhau: “Tổ chức xã hội không được làm trở ngại hoạt động tự nhiên và tự do của mỗi cá nhân, mà sự hoạt động tự nhiên và tự do của mỗi cá nhân cũng không được làm hại đến sự hoạt động điều hòa chung của xã hội. Sự hỗ tương quan hệ giữa hai lẽ ấy phải luôn luôn giữ được mức quân bình thì cơ thể xã hội ấy mới được lành mạnh và hạnh phúc.”

Ta thấy, nền văn hóa và giáo dục mà Nguyễn Duy Cần đề xuất là một nền văn hóa giáo dục nhân bản, đảm bảo cho mọi người, mọi giai tầng luôn được bình đẳng về phương tiện, để mỗi cá nhân thực hiện được sự phát triển vượt bậc cá tính và sở năng của mình, đồng thời mỗi người tùy theo trách vị và năng khiếu mà hợp tác với nhau một cách chân thành vì lợi ích chung của văn hóa nước nhà, tất cả mọi người cùng hợp tác trên tinh thần đặt ích lợi của nước nhà lên trên quyền lợi cá nhân.

Trong lần xuất bản tập tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? này, trong quá trình biên tập, NXB Trẻ có sửa chữa, chỉnh lý những chi tiết chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tại nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi của nội dung bản thảo.

"Trong bản thảo, chúng tôi giữ nguyên một số từ ngữ theo lối chính tả xưa, ví dụ từ có gạch nối ở giữa; Những từ Chu cấp - Châu cấp, Chấn thủy - Chớn thủy, Hoàn đồng - Hườn đồng, Nguyên khí - Ngươn khí, Phù trợ - Phò trợ… Lại có những từ tác giả cố ý viết chệch đi, như chữ “đem” viết thành chữ “đam”, Láng diềng = láng giềng, bàu chữa = bào chữa… chúng tôi cũng giữ nguyên như di cảo tác giả", đại diện NXB Trẻ cho biết. 

Bài liên quan
Xuất bản “Chuyện cũ ở Sốc–Trăng” của học giả Vương Hồng Sển
“Chuyện cũ ở Sốc-Trăng” của học giả Vương Hồng Sển là tập khảo cứu – du ký tổng hợp từ rất nhiều tư liệu, về vùng đất Sốc-Trăng từ thuở xưa cho đến năm 1945. Sách đề cập đến nhiều khía cạnh: đất đai, thủy thổ, con người, phong tục, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về vùng Sốc-Trăng và Hậu Giang từ lúc người Việt mới đến khai hoang định cư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Những bài đăng báo và tiểu luận