“Vườn tâm tưởng” là thế giới sắc màu phảng phất hương đồng gió nội của họa sĩ Trần Văn Binh.

Vào ‘Vườn tâm tưởng’ của Trần Văn Binh

Tiểu Vũ | 09/07/2022, 19:35

“Vườn tâm tưởng” là thế giới sắc màu phảng phất hương đồng gió nội của họa sĩ Trần Văn Binh.

img_0517.jpg
Họa sĩ Trần Văn Binh và tác phẩm

Sài Gòn chiều 8.7, mưa lớn kéo dài, đường ngập nước, kẹt xe... nhưng khi cơn mưa vừa tạnh, không gian Huyền Arthouse (tại 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM) đã đón hơn 500 lượt khách và báo giới Sài Gòn, các nhà sưu tập đến dự khai mạc triển lãm tranh Vườn tâm tưởng của họa sĩ Trần Văn Binh. Điều đó phần nào cho thấy tranh Trần Văn Binh có sức hút lớn với công chúng Sài Gòn. 

Buổi khai mạc triển lãm diễn ra vừa rộn ràng vừa ấm áp bởi sự có mặt nhiều anh em văn nghệ sĩ xứ Quảng tại Sài Gòn và có cả văn nghệ sĩ từ Quảng Nam, Đà Nẵng vào chung vui Trần Văn Binh như nhà thơ Phùng Tấn Đông, Phạm Tấn Dũng, Huỳnh Lê Nhật Tấn..

Vườn tâm tưởng cũng được xem là lần đầu "xuất đầu lộ diện" của họa sĩ Trần Văn Binh sau 26 năm chưa tổ chức bất cứ triển lãm cá nhân nào. 

Họa sĩ Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện sống tại quê nhà. Anh tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985, là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 1997 đến 2021, anh tham gia nhiều triển lãm khu vực V (Nam miền Trung - Tây Nguyên); năm 2008, tham gia triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc tại Hà Nội; các năm 2005 và 2010, anh tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội.

tran-van-binh-4.jpg
Họa sĩ Trần Văn Binh - Ảnh: Trương Bách Thảo

Sau hai triển lãm cá nhân năm 1993 tại TP.Đà Nẵng và 1996 tại TP.Hội An, Trần Văn Binh lui về chiêm nghiệm và vẽ. Nay, sau 26 năm, Trần Văn Binh mới chọn ra 26 tranh tiêu biểu để trình làng.

Về mặt ý niệm, tranh của Trần Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là cái miền quê mà anh gắn bó máu thịt, suốt bao nhiêu đời, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết. Nói như Bùi Giáng: “Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa”.

Về mặt sáng tạo, Trần Văn Binh cho thấy một kỹ thuật tuyệt vời và một cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. Dường như anh tạo dựng lên một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh. Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển, như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tâm tưởng vọng về miền hiện thực. Chính điều này đã làm cho bút pháp biểu hiện-trừu tượng (abstract-expressionism) chỉ còn là cái cớ, là phương tiện của người sáng tạo.

Trần Văn Binh có hai ngôi làng, một ngôi làng ngoài thực tại và một ngôi làng trong tâm tưởng, mà đôi khi tâm tưởng còn đẹp đẽ, rõ ràng hơn cả thực tại. Khu vườn ấy không được dựng lên từ hương xa và chủ nghĩa lãng mạn, mà là sự truy vấn, tiếc nuối, phản tư với làn sóng đô thị hóa bạo liệt.

phan-chieu.jpg
Tác phẩm Phản chiếu của Trần Văn Binh 

Dù rất khác nhau về ý niệm, nhưng xem tranh Trần Văn Binh, tự dưng nhớ về cuốn Terre des Hommes (1939) của Antoine de Saint-Exupéry, mà Bùi Giáng dịch xuất thần thành Cõi người ta. Trong phút giây cận tử và hồi sinh, họ cùng tìm về cố quận của mình, nơi dù cho nhân tình thế thái đổi thay, nơi dù cho vật đổi sao dời, thì khu vườn tâm tưởng xa xưa vẫn hiển hiện rõ ràng, trìu mến, thân thương.

Trần Văn Binh sống ở thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam) mấy chục năm, dù bây giờ đã là thị xã thì nơi đây vẫn khá lặng lẽ với đời sống nghệ thuật và sáng tạo. Các tác giả cũng khá lặng lẽ theo dòng thời gian ấy.

Không biết đi xe máy, mới biết dùng Facebook và email..., Trần Văn Binh từ sớm đã chọn thế ẩn dật giữa công việc thường nhật. Và vẽ. Tranh của anh không những tiền phong về quan niệm so với bối cảnh sáng tạo nơi anh đang sống, mà trong vài văn cảnh khác của mỹ thuật Việt Nam đương thời, nó cũng mang tố chất tiền phong. Vì vậy, đã ẩn dật, lại càng thêm riêng tư, thậm chí hơi đơn độc.

img_0442.jpg
Họa sĩ Trần Văn Binh (giữa) cùng bạn bè tại khai mạc triển lãm Vườn tâm tưởng diễn ra tại TP.HCM, 7.2022

Lấy biểu tượng dân gian Trung bộ làm nền, anh pha trộn kỷ hà, ký hiệu với biểu hiện, và trừu tượng. Về kỹ thuật, anh thường lấy chất trắng dẻo tạo nền, sau đó là acrylic, hoặc sơn dầu, hoặc đôi khi sơn dầu “đè” acrylic.

Cá tính Trần Văn Binh cũng là một sự pha trộn, giữa trường quy, bài bản và phá cách, buông thả; giữa nhẹ nhàng, ẩn dật và phiêu lưu, ngao du ngầm. Nói cách khác, anh là kiểu người thích ngồi một chỗ mà vẫn “ngao du ngày tháng”. Có lẽ nhờ vậy mà dù đơn độc, ít được chia sẻ về chuyên môn và thị trường, vẽ chẳng biết để làm gì, anh vẫn cứ nhẩn nha vẽ năm này qua năm khác. Tranh khô, cuốn lại cất đi.

Nhờ nhẩn nha vẽ, trầm tư sâu lắng và thủ đắc một kỹ thuật vững vàng, tranh của anh luôn ở độ chín, đạt đến sự hấp dẫn về thị giác. Nói chung hoa trái của anh đủ “ngon lành cành đào” cho triển lãm cá nhân lần này. Và sau đó là những triển lãm khác, với ngôn ngữ khác và chất liệu khác.

tran-van-binh-5(1).jpg
Trần Văn Binh và tác phẩm 

Về thế giới tranh của Trần Văn Binh, nhà thơ - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông nhận định: “Trần Văn Binh, theo tôi, là một trong những họa sĩ Quảng Nam đã lựa chọn một lối vẽ riêng, chẳng giống ai, từ mấy chục năm nay. Cũng như nhiều người trẻ khác, anh đã khởi đi từ lối vẽ “hiện thực” theo kiểu “trường quy”, “bài bản” rồi những tác phẩm sau đó dần thiên về “biểu hiện”, “biểu hiện-trừu tượng”, rốt lại thì Trần Văn Binh định hình hẳn ở “trừu tượng”.

Tranh của Binh, anh hay ký thân mật là Văn Bi, cũng là cách “giản lược” việc biểu hình, giản lược đường nét “vẽ vời” để chỉ còn những “tiếng nói vụn” - những “ký tự tối giản” như những miếng vá, miếng thổ cẩm trôi nổi trong bầu trời màu sắc xô giạt không yên tĩnh. Màu thường là các màu vàng chanh, nâu trầm, xanh đen, ghi sáng...

img_0562.jpg
Thưởng lãm tranh của Trần Văn Binh

“Đọc” những tác phẩm trừu tượng của Binh dễ nhận ra tâm thức “duy cảm xúc” của kẻ tạo tác những cảnh giới của cái đẹp ngầm ẩn đâu đó, khó nắm bắt trong đời sống, nhưng có thực, thường hằng và người vẽ đã vén mở cho chúng ta nhận diện.

Tranh trừu tượng của Binh thường chất vấn chúng ta về nỗi ám ảnh của ký ức, về những dự cảm mai kia hơn là trình diễn cái đẹp, cái thu hút bởi sự lộng lẫy của sắc của màu. Kiên trì, nhọc sức, dám chọn lựa một cách thế bày tỏ như anh quả là việc đáng quý phục”.

Triển lãm Vườn tâm tưởng của họa sĩ Trần Văn Binh kéo dài đến hết ngày 17.7.2022 tại Huyền Arthouse.

Họa sĩ Trần Văn Binh có lẽ trạc tuổi tôi, tôi không biết anh. Nhưng việc âm thầm lặng lẽ làm việc nhiều năm cho tới hôm nay mới "tái xuất", cho thấy đôi khi thực tế câu ngạn ngữ cũ "Save the best for last - Giữ điều tốt nhất cho cuối cùng” là đúng trong trường hợp này.

Ấn tượng ban đầu là nhịp trong tranh của anh gợi tôi về nhịp điệu thường thấy ở tranh của Đỗ Minh Tâm trong những năm cuối thập niên 1990.

Một điều nữa cũng dễ liên tưởng là sự tự chủ hay vững chãi chỉ thấy ở những họa sĩ ý thức mạnh ở bản thân, điều thường thấy ở họa sĩ có nền tảng kỹ thuật tốt. Tính biểu hiện trong tranh khá rõ cho thấy anh không hoàn toàn lựa chọn ngôn ngữ trừu tượng cho diễn đạt.

Những diễn đạt biểu hiện ở "tầng sâu" theo nghĩa trên bề mặt tranh là những ký ức của trải nghiệm, những kỷ niệm về vùng đất và con người nơi anh. Nhưng có lẽ nó được ẩn bớt đi hay thực tế đã "mờ" về mặt thị giác chỉ còn những nét "neo" cảm xúc trên một bảng mầu đẹp.

Tôi gọi là "Sự mờ đi của ký ức" khi thời gian trôi nhanh nếu ta không ghi lại thì có một lúc trí nhớ có thể "phản bội".

 Người Sưu Tập

Bài liên quan
'Nắng nghiêng lưng trời' của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền
Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh 1990), trưng bày hơn 60 tranh và gần 30 tượng gốm lớn nhỏ. Triển lãm còn dành riêng một phòng trưng bày để tái hiện một phần không gian gia đình, nơi Hiền sống, sáng tác...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào ‘Vườn tâm tưởng’ của Trần Văn Binh