“Nhiều doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì chờ thủ tục. Nhiều khi nhanh một ngày là doanh nghiệp sống được, chậm một ngày là mất đối tác, mất hợp đồng, thậm chí bị phạt. Dân có vội dân lội dân sang, nhưng người dân không thể lội qua thủ tục hành chính đó”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI ví von.

‘Thủ tục nhanh một ngày là DN sống, chậm là mất đối tác, bị phạt’

Trí Lâm | 09/05/2017, 06:57

“Nhiều doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì chờ thủ tục. Nhiều khi nhanh một ngày là doanh nghiệp sống được, chậm một ngày là mất đối tác, mất hợp đồng, thậm chí bị phạt. Dân có vội dân lội dân sang, nhưng người dân không thể lội qua thủ tục hành chính đó”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI ví von.

Chiều 8.5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Hội nghị này sẽ diễn ra vào ngày 17.5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội với chủ đề“Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Về nội dung, hội nghị này sẽ đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến.

Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn…

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng đâu là “điểm nhấn” của hội nghị lần này, như vụ cà phê Xin Chào tại Hội nghịnăm ngoái,Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết các cơ quan chức năng “không mong muốn có những điểm nóng cho doanh nghiệp, những sự kiện như cà phê Xin Chào để giải quyết”.

“Sự kiện quán cà phê Xin Chào có tác động không nhỏ tới nội dung hội nghị. Chúng ta biết rằng nhờ có “sự kiện” đó mà Thủ tướng đã tuyên bố không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết, các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại tất cả những bất cập để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tinh thần của hội nghị không chỉ là tháo gỡ khó khăn, bức xúc, mà quan trọng hơn là thúc đẩy các giải pháp phát triển doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu rằng, một số cán bộ, công chức vẫn rất vô cảm trong giải quyết thủ tục hành chính, trước những khó khăn của doanh nghiệp.

“Vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư hết hạn sử dụng liên quan tới trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước là một điển hình. Còn rất nhiều những vụ việc như vậy trong thực tế. Nhiều doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì chờ thủ tục. Nhiều khi nhanh một ngày là doanh nghiệp sống được, chậm một ngày là mất đối tác, mất hợp đồng, thậm chí bị phạt. Dân có vội dân lội dân sang, nhưng người dân không thể lội qua thủ tục hành chính đó”, ông Lộc ví von.

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng nếu 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư phải tiêu hủy vì thủ tục hành chính thì cần phải xem xét lại, bởi vì thủ tục có thể chậm do nhiều yếu tố nhưng nếu chậm hàng năm trời thì là một vấn đề lớn.

Về mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào 2020, theo ông Vũ Tiến Lộc, đăng ký của các địa phương tổng số doanh nghiệp có thể đạt được 1,4 triệu; 48% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Vị này cũng cho biết, thành công lớn nhất của Nghị quyết 35 là lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp cho cả một nhiệm kỳ. Do đó, việc Chính phủ ngồi lại với doanh nghiệp để đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ có hiệu quả thực chất mà còn có sức cổ vũ, động viên rất lớn, thể hiện sự quan tâm, cổ vũ động viên của Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế đất nước.

“Cuộc gặp hằng năm của Chính phủ đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm tạo sự thay đổi và chuyển biến nhận thức một cách đầy đủ về khu vực kinh tế tư nhân trong các cấp lãnh đạo, nhất là ở cơ sở, từ đó chuyển biến thành hành động là hết sức cần thiết”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước chính là chìa khóa của sự phát triển, nên khối doanh nghiệp này đóng vai trò chủ thể chính của hội nghị là hợp lý.

“Doanh nghiệp ở một số địa phương phàn nàn rằng gặp chủ tịch tỉnh khó quá, mấy năm lãnh đạo tỉnh chưa gặp doanh nghiệp. Vẫn còn những tư duy như vậy, nên rất cần thông điệp mạnh mẽ từ những Hội nghị như thế này để thay đổi”, ông Lộc nói.

Về vai trò của kinh tế tư nhân, ông Lê Mạnh Hà khẳng định, tinh thần là bình đẳng, công bằng giữa các thành phần doanh nghiệp. Trong hội nghị này, doanh nghiệp khu vực tư nhân được mời nhiều hơn. Điều này phù hợp với tình hình chung về tỉ lệ doanh nghiệp, cũng như mục tiêu đã đề ra về phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sĩ Hùng, việc Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp tại hội nghị này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong quá trình khởi nghiệp, phát triển.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Thủ tục nhanh một ngày là DN sống, chậm là mất đối tác, bị phạt’