Kết luận cuộc làm việc với TP.HCM chiều 26.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài” trong phòng chống dịch đã đạt một số kết quả bước đầu với nhiều tín hiệu tích cực.

Thủ tướng: Kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM

GVP | 27/08/2021, 05:45

Kết luận cuộc làm việc với TP.HCM chiều 26.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài” trong phòng chống dịch đã đạt một số kết quả bước đầu với nhiều tín hiệu tích cực.

Thời gian tới, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt, tổ chức thực hiện mạnh mẽ, linh hoạt, có hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. 

Thủ tướng nhấn mạnh, kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM.

bac_9493.jpg
Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, lãnh đạo các sở ngành, địa phương, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch của 312 xã phường trên toàn Thành phố.

Chiều ngày 26.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác đã làm việc với TP.HCM về tình hình triển khai việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến công tác, làm việc tại TP.HCM nhằm đánh giá sơ bộ việc triển khai tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố kể từ ngày 23.8, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường trong phòng chống dịch.

Nếu thực tiễn chứng minh các giải pháp này đúng, trúng, sát thực tế, khả thi thì phải tiếp tục tổ chức thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả hơn, đồng thời vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện dần, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, sức khỏe nhân dân, tác động nhiều mặt tới kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề chưa dự báo hết được, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 ngày 6.8 để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch trên phạm vi toàn quốc. Gần đây nhất, Thủ tướng ban hành Công điện số 1099 ngày 22.8 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Công điện số 1102 ngày 23.8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Lãnh đạo chủ chốt cũng quyết định và Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia  phòng chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban với sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Ban của Đảng và một số cơ quan của Quốc hội…

>> Có chuyển biến rõ rệt trong thực hiện giãn cách xã hội tại TP.HCM

1-bac_8517.jpg
Trước đó, từ đầu giờ sáng tới chiều cùng ngày, Người đứng đầu Chính phủ đã tới thị sát hàng loạt địa điểm tại trên địa bàn Thành phố để kiểm tra tình hình thực hiện giãn cách, việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống nhân dân theo tinh thần không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn…

Chúng ta đang đi đúng hướng

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn kiểm tra và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho thấy việc tăng cường giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 23.8 đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị của Thành phố. Thủ tướng đặc biệt cảm ơn Nhân dân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc, đóng góp, ủng hộ, chia sẻ, góp phần vào những kết quả nhất định đã đạt được. Người đứng đầu Chính phủ  cũng chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân Thành phố thời gian qua.

Ông nhấn mạnh: Người dân vừa là trung tâm để cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị phục vụ, vừa là chủ thể của việc phòng chống dịch. Chiến thắng của dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục rút kinh nghiệm. Thủ tướng nhắc lại, qua kiểm tra sáng cùng ngày, một số người dân vẫn chưa biết số điện thoại liên hệ của cấp xã, phường khi cần hỗ trợ khẩn cấp về an sinh, về y tế...

Ông yêu cầu cần khắc phục ngay điều này, các xã phường phải dán các tờ rơi tại từng khu trọ, từng nhà… để người dân biết các số điện thoại hỗ trợ, “phát huy tinh thần chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong phòng chống dịch tại xã phường”. “Nếu tổng đài hỗ trợ 1022 của Thành phố còn quá tải, còn ách tắc, nghĩa là công việc còn tập trung lên Thành phố”, Thủ tướng nói.

Thực tiễn kiểm tra và các ý kiến cũng đều khẳng định các chủ trương, giải pháp đã đề ra là cơ bản đúng hướng. Thủ tướng đề nghị các xã, phường tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục triển khai công việc, Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt theo đúng các nhiệm vụ giải pháp theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hết sức linh hoạt trong triển khai tại xã phường để thực hiện các chủ trương, giải pháp đó hiệu quả nhất, đạt mục tiêu đề ra nhanh nhất.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Trước lãnh đạo toàn bộ 312 xã phường, ông dành nhiều thời gian để một lần nữa phân tích, làm rõ những điểm căn bản nhất trong Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu tiếp tục tổ chức tuyên truyền, thuyết phúc và thực hiện nghiêm Công điện này.

Theo đó, các xã phường tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”. Muốn vậy, các xã phường phải làm bằng được một số việc: Bảo đảm cho người dân không thiếu ăn thiếu mặc; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội; kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra.

“Kêu gọi, vận động, thuyết phục, giải thích để người dân hiểu rõ, việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người. Điều đáng mừng là việc tăng cường giãn cách nghiêm ngặt được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Nếu không quyết tâm làm thì càng kéo dài, người dân càng khổ, càng bức bách, càng mất mát. Trong thời gian tăng cường giãn, phải đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã. phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại Thành phố”, Thủ tướng nói. Cả chính quyền và người dân đều không dài sức để "giãn cách tăng cường mãi".

Thủ tướng nhấn mạnh, về lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy lãnh đạo, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, hệ thống chính trị phải vào cuộc, các lực lượng hỗ trợ, chi viện, tăng cường hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương.

Thủ tướng lưu ý tổ chức xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả dưới sự chỉ đạo của Thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh nền… theo thứ tự phù hợp. Các xã phường phải tổ chức xét nghiệm an toàn, hiệu quả, đạt mục tiêu, đánh giá chính xác về dịch tễ trên địa bàn.

Cùng với đó, giảm tử vong bằng nhiều biện pháp như xét nghiệm thần tốc, phân loại F0, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, tăng cường điều trị cấp cứu và bệnh nặng… “Phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức phát hiện 123 ca F0 qua xét nghiệm những ngày qua, phần lớn đang điều trị tại phường, chỉ có những trường hợp nặng chuyển lên tuyến trên. Thử hình dung 123 người này đều đưa lên tuyến trên, 312 xã, phường đều làm vậy thì hệ thống y tế chắc chắn sẽ quá tải”, Thủ tướng nói.  

Thủ tướng lưu ý có thể di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an, y tế tăng cường nhân lực giúp đỡ các xã phường; Thành phố phải làm việc với các nhà cung cấp, lo các kho dự trữ lương thực, thực phẩm, đồng thời huy động mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội cho việc phòng chống dịch. Tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân càng sớm, càng nhanh càng tốt theo tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. 

Các cấp chính quyền cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách, tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, rà soát các nguồn khác để đề xuất HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền để ưu tiên kinh phí cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Công an chỉ đạo, tăng cường lực lượng thực hiện việc bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, an dân; không để kẻ xấu lợi dụng kích động, chống phá, khiêu khích; ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi vi phạm như làm giả thuốc, vật tư y tế, vaccine…

Làm tốt công tác thông tin chính xác, kịp thời, khách quan tới nhân dân. Tăng cường hướng dẫn nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống dịch, về điều trị, nhất là sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin tại cơ sở như loa phát thanh. Cần chăm lo cho người dân cả về vật chất và tinh thần, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa – lịch sử, những giá trị tốt đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta, đất nước ta.

Về tổ chức thực hiện, phải thành lập, kiện toàn các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tại xã phường. Thành phố, quận huyện phải tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ các xã phường để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Các lực lượng quân đội, công an, y tế phải đáp ứng các yêu cầu của Thành phố, trên cơ sở các đề xuất, phương án, kịch bản sát thực tế, khả thi, khoa học, tiết kiệm. 

Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch…

Về các đề xuất của Thành phố, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM thực hiện công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn "cao điểm nhất". Tiếp tục ưu tiên vaccine cho Thành phố trong điều kiện vắc xin khan hiếm. Nhấn mạnh yêu cầu không để ách tắc việc vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương dứt khoát không ban hành giấy phép con, nếu có thì Bộ Giao thông vận tải dứt phải phê bình, chấn chỉnh, báo cáo Thủ tướng nếu không xử lý được.

Thủ tướng yêu cầu, đã quyết tâm rồi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi phải đạt kết quả cao hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống Nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM